20 năm tạo dựng niềm tin

Bài và ảnh: HOÀNG PHÚC

Thứ Sáu, 15/08/2014 20:32
Biết Bí thư Ðảng ủy xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) Nguyễn Văn Diễn nhiều việc nên tôi hẹn gặp anh vào sáng thứ bảy. Song cuộc trò chuyện của chúng tôi luôn bị gián đoạn vì anh phải xử lý nhiều công việc. Luôn gần gũi nhân dân, hết lòng vì công việc là những điều cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Mai Thủy nhận xét về anh.
Đồng chí Nguyễn Văn Diễn, Bí thư Đảng ủy xã (bên phải) trao đổi ý kiến với chi ủy thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) về kế hoạch làm đường giao thông.
Đồng chí Nguyễn Văn Diễn, Bí thư Đảng ủy xã (bên phải) trao đổi ý kiến với chi ủy thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) về kế hoạch làm đường giao thông.

Không cam kết bừa, nói ẩu

Ðến xã Mai Thủy, thấy rõ cuộc sống nơi đây nhộn nhịp không kém gì một thị trấn. Ðiều đó khác xa suy nghĩ của tôi về vùng đất từng được ví là nơi "chó ăn đá, gà ăn sỏi" cách đây chưa lâu.

Bí thư Ðảng ủy xã Mai Thủy Nguyễn Văn Diễn tâm sự: "Gia đình tôi có năm anh em trai đều là bộ đội. Thấy bố mẹ vất vả, tôi là anh cả, nên xin chuyển ngành để gánh vác công việc gia đình, làm đủ mọi thứ việc. Khi công việc kinh doanh đang tốt, thì cha tôi - một đảng viên lão thành - gọi về và yêu cầu tôi tham gia công tác tại địa phương.

Vâng lời cha, năm 1992, anh dừng kinh doanh, buôn bán và gắn bó với công việc làng xã cho đến nay. Về quê, được bầu làm Chủ nhiệm HTX Châu Xá, không hình dung ra công việc của người chủ nhiệm HTX như thế nào, nhưng nghe lời cha dạy, muốn hiểu phải lao vào thực tế, nhiều lần anh xắn quần lội ruộng để tìm lời giải: tại sao đất sản xuất Châu Xá giống như các HTX khác, nhưng năng suất lúa lúc nào cũng thấp hơn.

Thông qua cấp ủy và Ban Quản trị HTX, anh vận động xã viên khoanh vùng đồng ruộng, kéo điện ra phục vụ tưới, tiêu để chủ động xuống giống lúa mới. Nhiều người hoài nghi, thậm chí có người còn phản đối việc thay đổi bộ giống, ông chủ nhiệm đứng ra cam kết: "nếu mất mùa như trước, sẽ đền bù cho dân". Thấy tôi cương quyết, xã viên nghe theo nhưng vẫn mang tâm trạng đợi chờ để kiểm chứng. Và, năm đó được mùa lớn, lúa lại trúng giá nên cả HTX vui như hội".

Tôi hỏi: "Lý do nào mà anh khẳng định cách làm mới của mình là thành công, còn thất bại thì đền cho xã viên?". Anh cười: "Vấn đề là tư tưởng bảo thủ, ngại đổi mới, chứ không phải do đồng ruộng hay thời tiết. Cùng một cánh đồng, các xã bạn thành công với các giống lúa mới, Mai Thủy cứ giữ khư khư giống cũ nên mất mùa là phải. Thay đổi bộ giống đi đôi với kiến thiết lại ruộng đồng mang lại thành công cho HTX Châu Xá. Vì thế tôi khẳng định hiệu quả cách làm mới chứ không cam kết bừa, nói ẩu".

Tài sản quý nhất là "khi không còn làm cán bộ vẫn được dân kính trọng"

Giữa lúc HTX dịch vụ nông nghiệp Châu Xá hoạt động vào "phom" thì Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Diễn xin cha cho phép nghỉ để làm kinh doanh, nhưng không được đồng ý. Tháng 3-1996, Ðảng bộ xã Mai Thủy Ðại hội nhiệm kỳ 1996-2000. Chủ nhiệm HTX Châu Xá Nguyễn Văn Diễn được bầu vào cấp ủy. Sau đó, được cấp trên giới thiệu ứng cử Chủ tịch UBND xã và trúng cử với số phiếu rất cao.

Xã Mai Thủy khi ấy còn là một trong số ít xã thuộc diện khó khăn của huyện Lệ Thủy. Ruộng ít, đồi trọc nhiều. Ðời sống người dân chủ yếu dựa vào khai thác gỗ trái phép, đốt than mang ra chợ Ðộng bán. An ninh trật tự vùng giáp ranh Mai Thủy-Phú Thủy rất phức tạp.

Trên cơ sở nghị quyết của Ðảng bộ xã, anh chọn ra ba việc ưu tiên giải quyết.

Trước hết là phát triển kinh tế để nâng cao đời sống người dân. Xã chủ trương chuyển toàn bộ bộ giống lúa cũ sang giống mới; giao đất đồi cho người dân trồng thông nhựa và các loại cây có giá trị, đi đôi với xen canh cây ngắn ngày để có nguồn thu trước mắt.

Tiếp theo là giải quyết về an ninh thôn xóm. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Diễn trực tiếp về điểm nóng giáp ranh tiếp xúc với một số thanh niên hư hỏng, chỉ đạo Công an xã phối hợp với Công an huyện Lệ Thủy tổ chức truy quét các nhóm thanh niên thường gây rối. Sau ba tháng liên tục truy quét, an ninh trật tự trở lại bình thường.

Thứ ba là lo chuyện học cho con em. Xã phát động phong trào "Tiếng trống khuyến học", hằng ngày, cứ đúng 19 giờ, ba hồi trống được gióng lên làm hiệu lệnh để tất cả học sinh ngồi vào bàn học dưới sự giúp đỡ của cha mẹ. Gia đình nào không giảm tiếng ồn làm ảnh hưởng đến việc học của các em sẽ bị phê bình trong những lần họp xóm.

Xã Mai Thủy được huyện Lệ Thủy chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới. Một trong những công việc trọng tâm là làm đường giao thông. Làm công trình công cộng là thiết thực đối với mỗi gia đình, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đập hàng rào kiên cố, chặt bỏ cây cối có giá trị trong vườn để hiến đất. Vì thế, xã làm điểm ở chi bộ cơ quan xã và Chi bộ thôn Xuân Lai, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn xã.

Việc huy động đóng góp của người dân được đưa ra bàn bạc, thống nhất từ thôn, xóm, sau đó xã mới quyết định. Nhờ vậy mà toàn xã có 679 hộ hiến 24.000 m2 đất, mở rộng đường liên thôn, ngõ xóm; nhân dân tham gia 6.140 ngày công, làm gần 34 km đường. Tháng bảy này, xã Mai Thủy đạt 16 trong tổng số 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2015.

Từ một xã nghèo, Mai Thủy giờ đây đổi thay nhiều, chỉ còn 4,9% số hộ nghèo. Các công trình dân sinh như nước sạch, điện chiếu sáng, nhà văn hóa... phát huy hiệu quả, làm cho đời sống người dân được nâng lên. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Văn Diễn. Ðồng chí Diễn tâm sự: "Tôi tự nhủ phải sống sao để sau này không còn làm cán bộ nữa vẫn được người dân yêu mến, kính trọng. Ðó là giá trị, là tài sản lớn nhất mà tôi nỗ lực để tạo dựng hơn 20 năm gánh vác việc làng, việc xã".

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.