Ấm tình người trong cơn lũ dữ

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG

Thứ Hai, 05/12/2016 19:00
Trong trận lũ lớn tại Quảng Bình giữa tháng 10 vừa qua, đã sáng lên những tấm gương dũng cảm cứu người, cứu tài sản. Bất chấp hiểm nguy giữa dòng lũ dữ, những người nông dân, công nhân hay chiến sĩ lực lượng vũ trang đã dũng cảm quên mình vì sự an toàn của hàng trăm người, giảm tổn thất về tài sản cho Nhà nước và nhân dân. Ðó chính là những biểu hiện sinh động của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ðại diện lãnh đạo huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trao giấy khen và phần thưởng tặng hai cha con ông Hoàng Văn Tâm.
Ðại diện lãnh đạo huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trao giấy khen và phần thưởng tặng hai cha con ông Hoàng Văn Tâm.

Sau cái đêm lũ kinh hoàng 14/10/2016 đến nay, chị Hoàng Thị Lan ở thôn Trường Sơn, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng. Chỉ chậm thêm vài chục phút nữa thì có khi cả gia đình chị đã bị nước lũ cuốn trôi. Chị Lan kể lại: "Hơn 9 giờ tối, nước lũ đã ngập đến mái nhà, hai vợ chồng tôi bồng con dỡ ngói lên ngồi trên nóc nhà. Mưa lớn, lũ lên nhanh, chồng tôi gọi điện được cho bác Hương (đồng chí Hoàng Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Phù Hóa-PV) cầu cứu.

Lực lượng cứu hộ chưa thấy mà nước cứ dâng lên không ngừng. Ðang trong lúc tuyệt vọng thì thuyền của ông Tâm kịp tới vớt được cả vợ chồng tôi cùng hai con nhỏ đưa đến nơi an toàn. Lúc đó mình quá hoảng, được cứu rồi mà nước mắt cứ chảy mãi. Hôm sau mới biết đó là thuyền của ông Hoàng Văn Tâm bên thôn Long Châu, xã Phù Hóa cứu".

Ông Hoàng Văn Tâm - "người hùng" trong đêm lũ hôm ấy nhớ lại: "Ðến 9 giờ rưỡi tối 14/10, cả xã Phù Hóa đã bị cô lập hoàn toàn, nước lũ vẫn lên nhanh và chảy xiết. Tôi cùng vợ và hai đứa con lên chiếc thuyền vốn là phương tiện mưu sinh, đi tránh lũ. Nhiều ngôi nhà trong xã nước ngập tận nóc. Lúc đó, nhận được điện thoại của lãnh đạo xã, tôi nói con trai Hoàng Văn Nam cùng đi cứu người".

Từ nhà ông Tâm đến trụ sở UBND xã chừng hai cây số, nước chảy xiết, chèo thuyền luồn lách mãi cả tiếng đồng hồ mới đến. Ông Tâm cùng hai đồng chí công an xã, huyện đến các gia đình đang bị mắc kẹt trong lũ để cứu người. Trong đêm đó, ông Tâm cùng con trai và các đồng chí công an cứu được tám người đang ngồi trên mái nhà kêu cứu. Ðến rạng sáng, thuyền của hai cha con ông Tâm cứu thêm được bảy người cũng đang mắc kẹt trong các ngôi nhà chìm giữa biển nước. Ông Tâm cho biết: "Lúc đó tôi chỉ có một ý nghĩ là mau mau cứu được người chứ có quản chi nước lũ chảy xiết, giờ nghĩ lại cũng thấy ớn. Vì chỉ cần sơ suất vướng vào ngọn tre là lật thuyền ngay. Lũ năm nay dữ lắm. May có con trai đi cùng chớ mình tôi thì không đủ sức mà chèo".

Hàng chục năm nay, vùng đồi Phú Thủy của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) chưa bao giờ bị lũ, cho nên người dân chủ quan. Trong ngày 14/10, mưa lớn sầm sập hơn 800 mm đã biến cả xã vùng đồi này thành một biển nước trong thời gian ngắn, và người dân không kịp trở tay. Trong mưa, hồ chứa nước Phú Hòa buộc phải xả tràn càng làm cho lũ dâng rất nhanh. Thôn Tam Hương lần đầu tiên sau hàng chục năm bị ngập sâu đến ba mét. Khoảng 9 giờ rưỡi đêm 14/10, gia đình chị Nguyễn Thị Minh ở thôn Tam Hương, xã Phú Thủy gọi điện cho lãnh đạo xã kêu cứu.

Thượng sĩ Trần Mạnh Cường, Ðồn công an Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy nhớ lại: "Nhận được tin báo đề nghị cứu hộ người dân khẩn cấp từ xã Phú Thủy, chúng tôi nhanh chóng triển khai đội hình ứng cứu nhưng lúc này mưa quá to, nhiều đoạn đường ngập mà Ðồn lại không có phương tiện thủy, cho nên việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Nhưng mệnh lệnh đặt ra là không để người dân gặp nguy hiểm lâu hơn và chúng tôi nhanh chóng có mặt tại thôn Tam Hương. Lúc này, nước ngập rất sâu và chảy xiết. Chúng tôi mặc áo phao và buộc dây vào tay nhau rồi bơi vào tiếp cận nhà chị Nguyễn Thị Minh. Sau khi giúp kê kích một số tài sản có giá trị lên chỗ cao nhất, chúng tôi đưa cả gia đình chị Minh sơ tán đến nơi an toàn".

Hôm gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Minh xúc động nói: "Gia đình tôi may nhờ các chiến sĩ công an cứu kịp thời, nếu không chẳng biết hậu quả ra sao nữa. Giờ cứ nhớ đến cảnh giữa đêm mưa lũ, hai đứa con ngồi trong chậu để các chú công an đẩy đi mà rơi nước mắt".

Ðêm 15/10, bốn chiếc tàu vận chuyển clanh-ke (HD 1255, HD1238, HD 2578 và HD 2626) bị nước lũ trên sông Gianh làm đứt dây neo, cuốn trôi ra cửa sông Gianh. Trên các tàu có nhiều công nhân thì một tàu bị sóng đánh chìm, một tàu sắp chìm. Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình lệnh cho Cảng vụ và Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đưa tàu ra cứu hộ nhưng do sóng to gió lớn, lũ sông Gianh chảy xiết cho nên gặp nhiều khó khăn.

Trong đêm đó, trực tiếp chỉ đạo ứng phó với mưa lũ tại Quảng Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng yêu cầu bằng mọi cách phải cứu được toàn bộ thủy thủ và trục vớt phương tiện. Phương án ban đầu đặt ra là dùng máy bay lên thẳng cứu hộ nhưng do thời tiết quá xấu cho nên không thực hiện được, sau đó quyết định dùng phương tiện thủy. Giám đốc Cảng vụ Quảng Bình Nguyễn Ðức Tùng cho biết, Cảng vụ huy động tàu Phong Nha 01 phối hợp tàu SAR 412 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III để cứu hộ các tàu vận tải bị nạn.

Sáng 16/10, nước lũ trên sông Gianh dù rút bớt nhưng vẫn chảy rất xiết làm cho tàu vận tải biển số hiệu HD 2626 bị đẩy xoay ngang và nghiêng về mạn phải khoảng 30 độ, có nguy cơ bị lật úp. Lực lượng cứu nạn điều tàu SAR 412 neo đậu phía cửa biển, sau đó xuồng cứu sinh hàng hải tiếp cận được tàu hàng và đưa bốn thuyền viên xuống.

Do nước lũ chảy xiết, phải rất vất vả lực lượng cứu hộ mới đưa xuồng cứu sinh thoát khỏi vùng xoáy nguy hiểm, đưa bốn thuyền viên lên tàu cứu nạn hàng hải và đưa về cảng Gianh an toàn trong sáng cùng ngày. Tiếp đó, tàu cứu trợ trở lại hiện trường để phối hợp tìm kiếm thuyền viên nghi bị mắc kẹt trong tàu chìm. Theo thuyền trưởng tàu Phong Nha 01 Ðào Xuân Tài, sau hai ngày tìm kiếm cứu nạn, anh em trên tàu đã cứu nạn thành công 10 thuyền viên, hai ngư dân, lai dắt hỗ trợ bốn tàu cá về bờ an toàn trong điều kiện sóng to và nước lũ chảy xiết.

Chỉ trong hơn nửa tháng, Quảng Bình xảy ra hai trận lũ liên tiếp gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nhưng trong khó khăn hoạn nạn ấy, xuất hiện nhiều tấm gương tập thể và cá nhân vượt qua lũ dữ để cứu người và tài sản, góp phần mang lại sự an toàn cho hàng trăm người. Ðể kịp thời động viên và tôn vinh các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, ngày 4/11, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định tặng bằng khen cho 6 tập thể và 45 cá nhân tiêu biểu. "Chúng tôi mong muốn ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sáng, có sức lan tỏa trong cộng đồng như thế", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài nói.

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.