Ấn tượng người lính trong lòng dân

Bài và ảnh: HỒNG HÀ, NGỌC LONG

Thứ Ba, 29/01/2019 09:59
Khẩn trương, kịp thời xả thân cứu người trong lũ, giúp dân sửa nhà, làm đường, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ đã thể hiện rất đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn sát cánh cùng nhân dân, nhất là trong khó khăn, hoạn nạn.
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Thanh Sơn giúp người dân khắc phục thiệt hại sau bão năm 2018.
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Thanh Sơn giúp người dân khắc phục thiệt hại sau bão năm 2018.

Những năm qua, Ðảng ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ tăng cường chỉ đạo các hoạt động gắn kết tình quân dân trên địa bàn với những hoạt động có hiệu quả cụ thể. Nhiều lượt chiến sĩ hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, về với bà con vùng sâu, vùng xa, cùng ăn, cùng ở với đồng bào. Ðiểm nổi bật trong thời gian qua là phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới" được cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh tham gia tích cực trên nhiều lĩnh vực, đem lại hiệu quả thiết thực.

Năm qua, cùng các đơn vị đóng quân trên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh giúp dân hơn 28 nghìn ngày công, tu sửa, nâng cấp và làm mới 78 km đường liên thôn, nạo vét 65 km kênh mương nội đồng, lợp lại 62 nóc nhà cho hộ nghèo bị tốc mái do mưa bão… Qua những hoạt động đó, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình được tôn vinh trong các đợt sơ kết học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nổi bật trong công tác dân vận khéo là Ban Chỉ huy quân sự huyện Thanh Sơn. Vừa qua, để giúp xã Văn Miếu (huyện Thanh Sơn) xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ huy quân sự huyện cử một tổ công tác, đồng thời huy động dân quân năm xã khác trong vùng giúp Văn Miếu sửa sang các công trình đường sá, trường học và nhà dân. Ngôi nhà của bà Hà Thị Ái, vợ liệt sĩ, bị xuống cấp, đã được bộ đội, dân quân hỗ trợ cát sỏi, sửa sang chắc chắn. Trung tá Nông Quốc Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Thanh Sơn cho biết, thông qua các phong trào "Bộ đội về làng", "Chiến sĩ sao vuông", các hoạt động dân vận đi vào chiều sâu với nhiều việc làm cụ thể. 5 năm qua, đơn vị đã cùng địa phương giúp dân tu sửa 27 km đường giao thông nông thôn, xây mới và sửa chữa 24 nhà tình nghĩa, xây dựng mới 16 nhà văn hóa, đổ sân bê-tông cho các trường học vùng khó khăn. Ở các xã Yên Lãng, Thượng Cửu, Văn Miếu, Yên Lương (cùng huyện Thanh Sơn), nhiều con đường được gắn biển "Ðường quân dân".

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh thường tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo ở những xã đặc biệt khó khăn. Bộ đội cùng lãnh đạo các xã tổ chức nấu bánh chưng tặng nhân dân, trao quà Tết tặng nhiều hộ gia đình chính sách ở xã Minh Hòa (huyện Yên Lập), tu sửa đường liên thôn, nhà văn hóa và giúp các gia đình chính sách sửa chữa nhà ở xã Yên Dưỡng (huyện Cẩm Khê) ...

Trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh luôn là người xuất hiện sớm nhất, xông pha những công việc khó khăn nhất. Khi cơn bão số 3 năm 2018 đổ bộ vào tỉnh Phú Thọ, gây ra lũ cuốn, lũ ống, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh là những người đầu tiên có mặt ứng phó, cứu hộ, cứu nạn. Ðại úy Nguyễn Trọng Lộc, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ là người trực tiếp tham gia chiến dịch này, nhớ lại: Ngay trong đêm mưa bão, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lên đường đi về vùng nguy hiểm. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động hơn 300 bộ đội thường trực, hơn 5.500 dân quân các địa phương, bốn xuồng máy, sáu ô-tô các loại, đưa hơn 6.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm thuộc các huyện Thanh Sơn, Tam Nông, Cẩm Khê, Tân Sơn. Lực lượng bộ đội cùng các phương tiện ô-tô, tàu, xuồng có mặt tại đúng những điểm ngập lụt sâu nhất ở huyện Thanh Sơn, Tam Nông, nơi dòng nước từ sông Bứa và các triền núi đang đổ về rất nhanh.

Trong đêm tối, mưa rét, những chiếc xuồng chở cán bộ, chiến sĩ luồn lách giữa dòng nước xiết đến với từng nhà dân. Người già, trẻ em, phụ nữ được đưa ra trước. Sau cứu người, bộ đội cùng thanh niên địa phương giúp dân cứu tài sản. Công tác cứu hộ diễn ra thâu đêm suốt sáng, bộ đội, dân quân cùng các lực lượng khác đã đưa hàng nghìn người dân bị mắc kẹt và nhiều tài sản đến nơi an toàn. Ðiều hết sức may mắn là nhiều gia đình vừa được cứu thì nước ập đến, cuốn trôi nhà cửa.

Nhớ lại thời khắc đó, bà Nguyễn Thị Thành ở khu 2, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn cảm động nói: "Nếu không có các chú bộ đội đến kịp thời, giúp chúng tôi sơ tán khẩn cấp thì bây giờ tính mạng của mọi người trong gia đình chưa biết ra sao. Khi nước vừa rút, cán bộ, chiến sĩ tiếp tục giúp gần 2.500 hộ dân và nhiều cơ quan, trường học vệ sinh nhà cửa, khơi thông cống rãnh thoát nước. Những ngày bão lũ, bộ đội và nhân dân chia sẻ với nhau những bữa ăn vội chỉ có lương khô, mỳ tôm, nước lọc, tình quân dân càng thêm gắn bó.

Còn nhiều hoạt động nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ được chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Các anh đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng dân, xứng đáng với tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ đổi mới.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.