Anh Nam Thuận ở Miệt Thứ

Bài và ảnh: VIỆT TIẾN

Thứ Hai, 02/04/2018 19:07
Chúng tôi được lãnh đạo huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) giới thiệu viết về anh Nam Thuận - một điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ở một vùng đất xa xôi, khó khăn như Miệt Thứ, anh Nam Thuận là một điển hình vượt khó, có đóng góp lớn cho cộng đồng.
Anh Nguyễn Văn Thuận (bên phải) và những sản phẩm mà cơ sở anh sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Thuận (bên phải) và những sản phẩm mà cơ sở anh sản xuất.

Về Miệt Thứ lần này, chúng tôi đến Thứ Bảy - một địa danh quen thuộc ở xã Đông Thái, huyện An Biên để tìm hiểu về cách làm ăn, cũng như những đóng góp cho xã hội của anh Nam Thuận. Tên đầy đủ của anh là Nguyễn Văn Thuận, 46 tuổi, sinh ra và lớn lên trên vùng đất U Minh Thượng phèn mặn quanh năm.

Anh bảo, ông bà mình đến vùng này lập nghiệp từ rất sớm, khẩn hoang được nhiều đất đai, nhưng phần lớn diện tích chưa được cải tạo, trồng trọt dựa vào “ông trời” và đôi tay nên năng suất rất thấp. Mang tiếng gia đình có nhiều đất đai nhưng đời sống luôn thiếu thốn, khó khăn, anh phải bỏ dở việc học hành để phụ giúp cha mẹ chuyện đồng áng khi mới học hết lớp bảy.

Là người ở quê nên anh Nam Thuận cũng như nhiều thanh niên khác lấy vợ, sinh con khi còn rất trẻ. Trồng cấy trên hai mươi công đất ruộng (2 ha) phần cha mẹ cho không đủ trang trải cuộc sống gia đình, anh Nam Thuận phải làm thêm nhiều nghề khác như thợ sửa xe, thợ may, đến buôn bán nhỏ, cuộc sống gia đình mới tạm gọi là đủ ăn đủ mặc. “Lúc mới ra ở riêng, cuộc sống vợ chồng mình khó khăn, vất vả lắm! Ở cái xứ đồng chua nước mặn này quanh năm chỉ trông chờ vào cây lúa, mà hai mươi công ruộng cũng mới đủ phần cơm no, áo ấm. Muốn ăn ngon, mặc đẹp phải bứt phá, ông bà ta có câu “có chí thì nên” mà”, anh Nam Thuận chia sẻ.

Miệng nói tay làm, anh Nam Thuận quần quật với công việc. Vừa làm vừa tích lũy vốn và kinh nghiệm, đầu năm 2009, anh mạnh dạn đầu tư số vốn tích cóp được, mở cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Bắt đúng mạch thị trường, cộng với kinh nghiệm, sự chân thành trong kinh doanh nên cơ sở của anh ăn nên làm ra. Chẳng lâu sau, anh đã đủ tiền mở thêm cơ sở sản xuất nước đá, nước lọc đóng chai và mua thêm đất để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp.

Anh Nam Thuận có đầu óc kinh doanh, biết cái thị trường đang cần để cung cấp. Anh vừa làm giàu cho bản thân, vừa cung cấp nguồn hàng bảo đảm chất lượng, giá thành giảm cho người dân địa phương. Cửa hàng vật tư nông nghiệp của anh đã cung ứng đầy đủ những mặt hàng mà người nông dân ba xã Đông Thái (An Biên), An Minh Bắc (U Minh Thượng) và Đông Hòa (An Minh) đang cần. Cơ sở sản xuất nước đá đáp ứng nhu cầu ướp đông lạnh các mặt hàng thủy sản ngày càng tăng khi nông dân đang chuyển dần từ trồng lúa sang nuôi tôm. Cơ sở nước lọc cung cấp đủ cho các cơ quan, đơn vị và nhân dân… khi nguồn nước ngọt tự nhiên ở vùng này ngày càng thiếu và ô nhiễm.

Anh Lê Thanh Thắng, Phó Trưởng ấp Phú Lâm (nơi anh Thuận sinh sống) chia sẻ: “Khi kinh tế gia đình khá giả, anh Thuận đã tích cực đóng góp cho công tác xã hội, từ thiện. Những cơ sở sản xuất, kinh doanh của anh Thuận giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương, với mức lương mỗi người từ bốn đến tám triệu đồng/tháng. Đây là mức lương khá so với thu nhập của người nông dân trong vùng”.

Anh Đỗ Trường Khánh, ngụ ấp Phú Hưởng, xã Đông Thái nói: “Không có anh Thuận, chắc gia đình tôi đã phiêu bạt lên tận Bình Dương, Đồng Nai tìm việc làm rồi”. Sáu năm trước, gia đình Khánh thuộc diện hộ nghèo, anh phải làm đủ nghề để lo cuộc sống gia đình. Khánh có dự định lên Bình Dương, Đồng Nai tìm việc. Nhưng nay, anh đã có nguồn thu nhập ổn định, với mức lương bảy triệu đồng/tháng bằng nghề tài xế cho cơ sở của Nam Thuận.

Anh Nam Thuận đã vận động các doanh nghiệp thường xuyên có hợp đồng kinh tế với cơ sở mình để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Tính từ năm 2009 đến nay, anh Nam Thuận hỗ trợ chính quyền cơ sở, nhân dân các ấp Kinh I, Phú Lâm, Phú Hưởng (xã Đông Thái), ấp Minh Hòa (xã Đông Hòa) xây bảy cây cầu nông thôn, láng xi-măng ba sân trường học giúp các em học sinh và người dân đi lại dễ dàng hơn. “Các doanh nghiệp khi ký kết làm ăn với tôi sẽ có điều khoản hỗ trợ tiền, cùng tôi khảo sát để xây dựng các công trình phúc lợi. Nguồn hỗ trợ ít nhiều, tương ứng với trị giá của các hợp đồng kinh tế”, anh Nam Thuận chia sẻ.

Mỗi năm, anh Nam Thuận dành hai tấn lúa để hỗ trợ khoảng 150 suất cho các hộ nghèo, bình quân mỗi người nhận 10 kg gạo. Anh đầu tư mua một xe cấp cứu trị giá gần 700 triệu đồng làm phương tiện vận chuyển những người có hoàn cảnh khó khăn khi bị đau ốm, tai nạn bất ngờ. Nhiều trường hợp bệnh nặng như ông Nguyễn Văn Tồn (70 tuổi, ngụ ấp Kinh I), bà Nguyễn Thị Hoằng (77 tuổi, ngụ ấp Phú Lâm) đều bị tai biến hmạnh máu não đã được xe cấp cứu “nghĩa tình” của anh Nam Thuận đưa đến bệnh viện kịp thời.

Với những đóng góp của mình, năm 2017 anh Nguyễn Văn Thuận vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Kiên Giang về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.