Bắc Giang vào cuộc vận động lớn

TIỂU PHƯƠNG

Thứ Năm, 12/07/2007 04:13
Tọa đàm tuổi trẻ học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Bắc Giang.
Tọa đàm tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Bắc Giang.

Từ nhận thức...

Về công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Cuộc vận động lớn tại tỉnh Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết, Bắc Giang có điểm khác một số nơi trong triển khai đó là không lấy đảng bộ mà lấy chi bộ là nơi phát động, triển khai quán triệt, nghiên cứu và học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền tới từng cán bộ, đảng viên, viên chức, đoàn viên, hội viên.

Từ tháng 2/2007, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo đưa nội dung hướng dẫn tổ chức Cuộc vận động, các câu chuyện tiêu biểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào bản tin Thông báo nội bộ, phục vụ sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Ngoài số lượng phát hành định kỳ, mỗi tháng Ban Tuyên giáo phát hành thêm 2.640 cuốn cho các trưởng ban công tác mặt trận ở thôn, bản, tổ dân phố, cụm dân cư, tăng số lượng từ 30 lên 40 trang. Ðồng thời, chỉ đạo các cấp tích cực triển khai tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên.

Ðến hết ngày 6/4/2007, tất cả huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã hoàn thành việc tổ chức hội nghị tập huấn, nâng cao chất lượng cho hơn 1.380 báo cáo viên. Ðúng dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, 100% số chi bộ, đảng bộ cơ sở đã hoàn thành việc tổ chức nghiên cứu, học tập các chuyên đề về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các đối tượng theo đúng kế hoạch của Tỉnh ủy, tỷ lệ đảng viên tham gia đạt 95,26%.

Kết thúc các lớp học, ban chỉ đạo các cấp đã triển khai cho các học viên tham gia viết bài thu hoạch, liên hệ bản thân. Nhiều đơn vị, tỷ lệ người tham gia viết bài thu hoạch đạt hơn 91%, như đảng bộ các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Việt Yên, Yên Dũng...

Tại Ðảng ủy các cơ quan tỉnh, rất nhiều bài thu hoạch được viết tỉ mỉ, chi tiết, thể hiện nhận thức sâu sắc về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như sự cần thiết thực hiện tốt Cuộc vận động lớn này, thậm chí nhiều người còn nối thêm giấy để viết phần nhận thức.

Chị Ðào Kim Thoa tâm sự, nếu để chị viết hết những cảm nghĩ của mình về phẩm chất cách mạng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì có lẽ phải nối thêm hàng chục trang giấy, bởi tất cả những đức tính cao đẹp của Người đã thấm vào suy nghĩ và tình cảm của chị qua những câu chuyện, những bài học từ thuở ấu thơ.

Và với Cuộc vận động này, chị nhận thức rằng học tập tư tưởng và đạo đức Bác Hồ là hết sức cần thiết, trước hết là cho bản thân, gia đình và sau đó góp phần cùng đơn vị, địa phương đẩy lùi tệ suy thoái tư tưởng, đạo đức. Khẳng định thêm, Phó Bí thư Ðảng ủy các cơ quan tỉnh Nguyễn Hồng Phương bày tỏ: Ðảng ta triển khai Cuộc vận động lớn trong lúc này là hết sức cần thiết, bởi hơn lúc nào hết chúng ta cần tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; phòng, chống tham nhũng, lãng phí của công. Nhiều ý kiến còn cho rằng, lẽ ra Cuộc vận động nên được tiến hành sớm hơn nữa...

Theo đánh giá kết quả bước 1 của Cuộc vận động, nhìn chung dư luận nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là ở vùng nông thôn rất đồng tình và hưởng ứng, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn của Ðảng. Tuy nhiên, hiệu quả triển khai bước 1 tại một số địa phương chưa cao, do lớp học quá đông, đội ngũ báo cáo viên còn cứng nhắc, lệ thuộc quá nhiều vào tài liệu, không đưa ra được dẫn chứng, không liên hệ thực tế khiến việc học tập trở nên hình thức...

... Ðến góp ý kiến

Sau khi sơ kết bước 1, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở trong việc tổ chức thực hiện bước 2 Cuộc vận động, lấy ý kiến đóng góp của quần chúng nơi công tác và nơi cư trú cho cán bộ, đảng viên. Xác định, đây là một nội dung quan trọng của Cuộc vận động, do đó, ban chỉ đạo các cấp đã tích cực triển khai thực hiện. Ðến hết ngày 20/6, tất cả huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của quần chúng ở 234 tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị.

Về triển khai, tổ chức lấy ý kiến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã họp, thảo luận và thống nhất cách thức tổ chức hội nghị góp ý: Về đối tượng tham gia gồm đại diện ban chi ủy, ban công tác mặt trận thôn, làng, tổ dân phố, ban chấp hành các đoàn thể đến dự cùng quần chúng, mỗi nơi hơn 10 người.

Chi ủy phải lập danh sách cán bộ, đảng viên, công chức cư trú trên địa bàn, in thành văn bản phát cho những người tham gia hội nghị, người chủ trì (bí thư chi bộ hoặc đại diện ban công tác mặt trận) quán triệt mục đích, yêu cầu, công bố danh sách, trên cơ sở đó tham gia đóng góp cho ý kiến bằng cả hai hình thức phát biểu trực tiếp hoặc qua phiếu không ký tên, tập trung vào phần khuyết điểm.

Sau đó, cấp ủy tổng hợp bằng văn bản gửi về cơ quan, nơi đảng viên được góp ý kiến đang công tác. Nếu người đó đồng ý với những khuyết điểm được quần chúng nêu ra phải ký vào biên bản của chi bộ nơi công tác, nếu không thấy thỏa đáng phải quay lại chi bộ nơi cư trú đối thoại với chi bộ và quần chúng nhân dân. Hướng dẫn của cấp trên như thế nhưng từng đơn vị cụ thể có những hình thức linh hoạt và phù hợp.

Hội nghị góp ý của Chi bộ khu phố Huyền Quang (phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang) có 23 người dân đại diện cho 350 hộ tham gia góp ý cho 337 cán bộ, đảng viên, do trưởng ban mặt trận khu phố chủ trì, bí thư chi bộ đến dự với tư cách khách mời (chỉ nghe mà không phát biểu ý kiến). Ðể bảo đảm tính khách quan, những người được mời tham gia góp ý kiến được chọn trong các gia đình không có ai là đảng viên, đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Phần lớn các ý kiến đóng góp qua phiếu.

Sau khi tổng hợp, rất nhiều phiếu chỉ rõ những đảng viên không gần dân, có biểu hiện kiêu căng, hống hách, ít tham gia phong trào của khu phố, thậm chí có đồng chí bị quần chúng tỏ ý bất bình vì không hiếu đễ với cha mẹ... nhìn chung tập trung chủ yếu vào tác phong, lối sống. Các ý kiến trên được cấp ủy tiếp thu và thông báo cho cán bộ, đảng viên được biết để sửa chữa.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý còn chung chung, có đơn vị, cơ quan, đảng viên nhiều hơn quần chúng nên thiếu khách quan, chủ yếu là khen, hoặc phê bình nhưng không rõ địa chỉ... Nhiều nơi làm mẫu phiếu theo kiểu "trắc nghiệm", người tham gia chỉ điền có hoặc không, hiệu quả lấy ý kiến chưa đạt yêu cầu.

... Và hành động

Không chỉ nhận thức, thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đến Bắc Giang thời điểm này dễ nhận thấy tinh thần Cuộc vận động đã thấm dần vào đời sống, qua những việc làm cụ thể, trước hết ở tầng lớp cán bộ, đảng viên, viên chức.

Tôi đến cơ quan Ðảng bộ Các cơ quan tỉnh Bắc Giang lúc 7 giờ sáng đã thấy hầu hết cán bộ, nhân viên có mặt đầy đủ, ngoài hành lang dán một tờ thông báo được ép cứng, đề rõ: Nếu bạn là người ra khỏi cơ quan cuối cùng, xin vui lòng tắt hết thiết bị điện và khóa cửa hành lang.

Tiễn khách ra khỏi phòng, đồng chí Phó Bí thư tự tay tắt tất cả các thiết bị điện trong phòng, dù chỉ ra ngoài 10 phút. Ðồng chí nói, làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ bắt đầu từ những việc nhỏ như vậy.

Trụ sở làm việc của Ðảng bộ phường Hoàng Văn Thụ vừa mới xây xong, chung quanh còn bừa bộn như công trường, tất cả các phòng làm việc không có người, đều tối đèn. Trao đổi về thực hiện Cuộc vận động xong, đồng chí Nguyễn Văn Hiển, Bí thư Ðảng ủy vui vẻ "khoe", thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và Cuộc vận động, Ðảng ủy đề cao tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, vừa qua lễ khánh thành trụ sở làm việc được tổ chức tiết kiệm, Ðảng ủy xã chỉ mời đại diện các chi bộ trực thuộc lên chứng kiến chứ không bày vẽ rình rang, ăn uống tốn kém.

Tại buổi làm việc với cấp ủy, công đoàn Sở Kế hoạch-Ðầu tư, tinh thần chủ đạo trong quá trình thực hiện Cuộc vận động ở cơ quan Sở là nhận thức phải gắn với hành động. Cấp ủy luôn quán triệt chủ trương thực hành tiết kiệm: điện, nước, in ấn, văn phòng phẩm, trong đó tận dụng tối đa những tiện ích của công nghệ thông tin, tất cả công văn, giấy mời họp đều phát qua thư điện tử, tiết kiệm công đoạn in ấn, chuyển phát.

Ðặc biệt, thực hiện triệt để cơ chế một cửa, liên thông với ngành công an và thuế trong việc hoàn tất thủ tục cấp đăng ký kinh doanh. Ðúng quy định 10 ngày, người dân đến lấy đăng ký kinh doanh và được cấp luôn mã số thuế, chống thói cửa quyền, sách nhiễu.

Kết quả ban đầu là những tín hiệu vui, để Ðảng bộ và nhân dân Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết X của Ðảng.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.