Bác Hồ chăm sóc cán bộ(*)

HOÀNG TÔ, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thứ Năm, 13/09/2007 02:33

Hồi ấy, có đồng chí Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm phụ trách bảo vệ cơ quan Bác và tổng Lục Khu. Còn tôi thì được phân công trực tiếp phụ trách tổng Hà Quảng (gồm những xã Sóc Hà, Nà Sắc và vùng mỏ Sắt bấy giờ), kiêm nhiệm vụ kiểm tra tổng Thông Nông.

Trước khi chúng tôi đi xuống cơ sở công tác, bao giờ Bác cũng bảo báo cáo chương trình, kế hoạch cụ thể cho Bác nghe. Bác bổ sung thêm rồi bảo chúng tôi nhắc lại thật đúng rồi mới cho đi. Do đó, bọn tôi rất vững dạ, như người đi rừng có địa bàn trong tay.

Cứ mỗi lần có đồng chí rời hang là Bác lại lo lắng: lo sao anh em được bình yên trở về, thoát khỏi mọi sự bất trắc dọc đường. Khi thấy anh em về, Bác vui hẳn lên. Câu đầu tiên Bác nói là hỏi han sức khỏe, sau đó tuyên bố cho anh em nghỉ ngơi, tắm giặt, rồi mới làm việc. Lúc ấy, phong trào đang lên, công việc rất nhiều, nên anh em chúng tôi không ai muốn nghỉ, đợi được báo cáo tình hình, xong là đi ngay. Nhưng Bác không nghe.

Thỉnh thoảng đi công tác về, chúng tôi lại được Bác chia cho kẹo. Hỏi đồng chí Cáp mới biết đó là quà của nhân dân Pác Bó đi chợ mua về biếu Bác. Bác chỉ ăn một, hai chiếc. Còn bao nhiêu gói lại, cất vào ống tre, Bác bảo:

- Ðể dành cho các chú ấy đi công tác về ăn.

Quà Bác tuy nhỏ, nhưng cử chỉ của Bác là cả một tình thương, có sức động viên chúng tôi rất mạnh. Mỗi lần đi lâu ngày mới về, bao giờ Bác cũng dặn đồng chí cấp dưỡng cố gắng tìm mua thức ăn về "thết tiệc" anh em. Gọi là tiệc, nhưng chỉ thêm vài miếng thịt lợn luộc chấm muối.

Ở hang, nhưng hằng ngày Bác vẫn giữ đúng giờ giấc. Ðến giờ, nếu ai ngủ chưa dậy thì Bác khẽ đánh thức. Song, đối với anh em chúng tôi mới đi công tác về, Bác bảo anh em khác phải im lặng, giữ ý từng bước chân, để chúng tôi được ngủ thêm một lúc.

Tôi còn nhớ một lần, đồng chí Ðức Thanh đi công tác về bị ốm, nằm liệt giường. Bác buồn lắm. Bác bảo đồng chí Cáp vào rừng lấy lá thuốc về cho đồng chí Thanh uống và xông. Chốc chốc Bác lại đến sờ trán đồng chí Ðức Thanh.

Ngồi làm việc ở một góc hang, tôi im lặng theo dõi từng cử chỉ của Bác. Nhìn nét mặt lo âu của Bác, tôi bỗng nhớ đến lúc còn bé, bị ốm chốc chốc mẹ lại sờ trán tôi, nét mặt vui buồn đều gắn vào độ nóng, lạnh trong người tôi truyền qua bàn tay răn reo của mẹ. Cử chỉ của Bác trong lúc này chẳng khác dáng dấp của mẹ tôi khi xưa.

Những tình cảm sâu sắc của Bác đối với chúng tôi hơn ruột thịt, đã động viên chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ những năm tháng sống trong hang giữa rừng.

-----------

(*) Trích từ cuốn: Bác Hồ sống mãi với chúng ta (Hồi ký), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, trang 596, 597.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.