Bác vẫn dõi theo từng trang sách học trò

NGUYỄN PHAN TOÀN

Thứ Năm, 09/07/2009 03:09

Ðối với thầy và trò các trường học phổ thông và các trung tâm giáo dục ở TP Hồ Chí Minh, giáo dục tấm gương đạo đức Bác Hồ từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp được gìn giữ và vun đắp hằng năm.

Tấm hình Bác với năm Ðiều Người dạy thiếu niên, nhi đồng được treo ở nơi trang trọng nhất trong trường và trong lớp luôn nhắc nhở các em học sinh phấn đấu vươn lên. Lời dạy của Bác: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người" đã thôi thúc thầy cô luôn xứng đáng với trách nhiệm cao cả mà đất nước giao phó. Và dường như đâu đó đôi mắt trìu mến của vị cha già dân tộc vẫn ngày ngày dõi theo từng trang sách học trò.

Kể từ khi Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được phát động trong toàn ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh, truyền thống tốt đẹp này càng có dịp đơm hoa, kết trái.

Với chủ trương lồng ghép Cuộc vận động này với các hoạt động chuyên môn của ngành giáo dục thành phố, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở nên gần gũi và thiết thực với thầy trò. Ðó là các cuộc vận động: "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức và tự học", "Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục, không vi phạm đạo đức nhà giáo, không để học sinh không đạt yêu cầu lên lớp", "Sống có trách nhiệm", "Trường học thân thiện, học sinh tích cực"...

Các trường học phấn đấu xây dựng nhà trường tiên tiến, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt và học tốt trên cơ sở phát động ba bài học trong giáo viên là: Yêu nước, yêu nghề, mến trẻ, có nghị lực vượt khó; có đạo đức, trách nhiệm, là tấm gương giáo dục học sinh; có tinh thần cầu tiến... Trong học sinh cũng phát động ba bài học là: Yêu nước, ham học, có động cơ học tập và tinh thần vượt khó tốt; trung thực, đoàn kết, tự giác và chuyên cần, chăm chỉ, rèn luyện tốt...

Qua Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", hầu hết các trường học trong thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Ðiển hình là Trường THPT Lê Quý Ðôn đã xây dựng thành công nhà trường tiên tiến, theo các tiêu chí: "Không dạy thêm, học thêm; không thu phí nhiều; thực hiện hiệu quả phương pháp giảng dạy tiên tiến trên cơ sở chương trình của Bộ Giáo dục và Ðào tạo; phát huy tốt năng khiếu của từng học sinh". Năm học 2007-2008, số học sinh khá, giỏi của trường chiếm tỷ lệ 91,2%, không có học sinh yếu kém.

Trường THPT Nguyễn Thái Bình đưa ra mô hình: "Không thu tiền phụ đạo học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh giỏi". Từ đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng từ 70% lên 90%, giáo viên có đời sống ổn định, yên tâm công tác và dành nhiều thời gian đầu tư cho hoạt động chuyên môn nhiều hơn. Ðặc biệt, tập thể thầy cô giáo Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Ðình Chiểu, bất chấp những khó khăn về thời gian và kinh phí, sau sáu năm tìm tòi, nghiên cứu, đã hoàn thành bộ sách giáo khoa về chữ nổi Braie (lần đầu được phát hành ở Việt Nam) phục vụ việc học tập cho các em học sinh khiếm thị...

Còn biết bao tấm gương khác của các thầy giáo, cô giáo vì học sinh thân yêu. Ðó là thầy giáo Trần Tuấn Anh, giáo viên bộ môn giáo dục công dân trường THCS Bạch Ðằng (quận 3) khắc phục khó khăn đời thường, mang đến cho các em học sinh những tiết dạy giáo dục công dân sinh động, thiết thực, giàu nhân tính. Ðó là thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Mỹ Phi Phụng, Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Thủ Ðức vượt qua hoàn cảnh gia đình khó khăn, dành nhiều thời gian, sức lực đầu tư tìm tòi sáng tạo trong công tác chuyên môn, được mọi người tin yêu.

Ðối với các cơ sở đảng trong ngành, Cuộc vận động này đi sâu vào các nội dung: thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân... 100% số tổ chức cơ sở Ðảng với gần 94% số đảng viên và gần 92% số cán bộ, công chức, viên chức tham gia các cuộc hội nghị quán triệt các nội dung của Cuộc vận động. Công đoàn ngành tổ chức Hội thi báo cáo viên giỏi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, giáo viên, công chức, viên chức. Hơn 70% số đơn vị cơ sở tổ chức Hội thi này và đã có 47 đơn vị lọt vào vòng chung kết toàn ngành để chọn ra ba đơn vị dự Hội thi toàn thành phố (trong đó có một cá nhân đoạt giải nhất hội thi).

Cuộc vận động này tác động tích cực đến kết quả dạy và học của toàn ngành. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007, thành phố đạt 95,4%, đứng đầu toàn quốc và năm học 2007-2008 là 93,4%, xếp thứ nhì toàn quốc.

Tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh TP Hồ Chí Minh phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đưa Cuộc vận động đi vào chiều sâu, thiết thực, từng bước nhân rộng các điển hình đến từng cá nhân, đơn vị, coi đó là một trong những tiêu chí phấn đấu của toàn ngành giáo dục thành phố trong những năm học tới.

Tin liên quan

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Mấy ngày qua, nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Vĩnh Lợi đến viếng, thắp hương, báo công với Bác Hồ tại Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các giai đoạn trước.
 Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Mùa Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ có Thơ mừng năm mới gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, trong đó Người viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Đó là mùa xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội III (tháng 9/1960) của Đảng, đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc vì cuộc sống ấm no, sung sướng, hạnh phúc của nhân dân.