Bài học về quản lý cán bộ ở Khánh Sơn

PHONG NGUYÊN

Thứ Tư, 08/01/2014 20:56
Vượt lên những khó khăn, thậm chí là mất mát, Ðảng bộ huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang từng bước chấn chỉnh kỷ cương, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Chăm sóc cây ăn trái ở vườn gia đình anh Cao Văn Sang, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa).
Chăm sóc cây ăn trái ở vườn gia đình anh Cao Văn Sang, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa).

Khánh Sơn trước đây là một huyện nghèo. Dân cư sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, quen du canh du cư, đời sống khó khăn. Từ những nỗ lực không mệt mỏi của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân, đời sống của người dân ngày càng ổn định, nhiều hộ vươn lên khá giả. Ðến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn dưới 20%. Mặc dù liên tục bị kẻ xấu lôi kéo, kích động, nhưng người dân Khánh Sơn một lòng kiên trung đi theo Ðảng, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhưng những năm gần đây, Khánh Sơn trở thành "điểm nóng" về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép. Ðiều đau lòng là có không ít cán bộ, công chức tiếp tay, tham gia phá rừng. Hậu quả là có tới 5 cán bộ lãnh đạo huyện bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện vì để xảy ra tình trạng phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép diễn ra trong thời gian dài trên địa bàn.

Gần đây, hàng trăm người dân từ khắp nơi kéo về Khánh Sơn vào rừng, đào bới tìm trầm, kỳ nam - một loại dược liệu rất đắt tiền. Huyện phải thành lập đội công tác liên ngành để vận động, giải tán những nhóm người này. Song, chính một số cán bộ trong đội liên ngành lại tiếp tay phá rừng, thậm chí còn "ăn chặn" kỳ nam do người dân đào được. Thêm một tổn thất đối với đội ngũ cán bộ, một số người, trong đó có nguyên trưởng công an huyện bị khởi tố, bắt tạm giam.

Tại sao "tai nạn" lại dồn dập xảy ra như vậy? Tại sao có những cán bộ mới vừa bị xử lý sau đó lại tiếp tục vi phạm? Có phải mức xử lý kỷ luật chưa thật nghiêm, chưa đủ sức răn đe? Hay những buổi sinh hoạt đảng, những đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của đảng viên định kỳ hoặc những đợt kiểm điểm học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mới dừng lại ở hình thức, chưa thật sự phát huy tác dụng? Rõ ràng, sự lơi lỏng trong tu dưỡng, rèn luyện; sự thiếu sâu sát, kiểm tra, thiếu kiên quyết trong quản lý cán bộ là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc ấy.

Ngay sau khi có kết luận của cấp trên về việc xử lý kỷ luật cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Sơn đã tổ chức hội nghị chuyên đề, đánh giá, rút kinh nghiệm những khuyết điểm, đồng thời, chấn chỉnh tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức. Tại hội nghị kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Ðảng, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy góp ý thẳng vào từng vấn đề, phân tích làm rõ trách nhiệm được phân công của từng đồng chí, từng địa phương. Nhiều đồng chí khi viết kiểm điểm còn thiếu nội dung theo chức trách nhiệm vụ được giao đã được tập thể góp ý thẳng thắn, nghiêm túc.

Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Sơn đã chỉ ra một trong những khuyết điểm lớn là tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình chưa tốt. Một số địa phương, đơn vị, trong đó có những đồng chí lãnh đạo huyện còn có biểu hiện "ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm; kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm; chưa làm tròn bổn phận, chức trách được giao..."; một số đồng chí trong Ban Thường vụ có biểu hiện thiếu gương mẫu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi nhưng chưa được nhắc nhở, phê bình, ngăn chặn kịp thời. Nếu như đồng chí, đồng nghiệp thẳng thắn góp ý với nhau, động viên nhau sửa sai thì sẽ không có nhiều cán bộ biến chất như thời gian qua.

Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Trần Mạnh Dũng cho biết, bài học đắt giá nhất mà Khánh Sơn phải rút kinh nghiệm đó là việc lỏng lẻo trong công tác quản lý cán bộ. Do vậy, Huyện ủy đang nghiêm túc đánh giá lại thực trạng cán bộ, đảng viên trong cả hệ thống chính trị của huyện. Hầu hết họ là những người có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm, gắn bó với mảnh đất còn nhiều gian khó này. Nhưng, bài học về công tác quản lý cán bộ cũng như sự cả nể vẫn là lời cảnh báo.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.