Một thí dụ: Các cán bộ ấy, người thì cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở. Có người thì bao giờ "sấm ra đá kêu" mới gặp dân chúng một lần. Khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà "huấn thoại", nói hàng giờ, nói bao la thiên địa. Song, những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết, thì không nói đến.
Chứng bệnh ấy tỏ ra bằng màu vẻ:
Ðối với người:
Cấp trên đối với cấp dưới, cán bộ đối với nhân dân, quân quan đối với binh sĩ, bộ đội đối với dân chúng - chỉ biết dùng mệnh lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền. Không biết làm dân chúng tự giác và tự động.
Ðối với việc:
Chỉ biết khai hội nghị, viết nghị quyết, ra chỉ thị. Chứ không biết điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích, kiểm tra.
Ðối với mình:
Việc gì cũng kềnh càng, chậm rãi, làm cho qua chuyện.
Nói một đường làm một nẻo.
Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí.
Một vẻ quan liêu nữa là: chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng; chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình.
Tham ô, hủ hóa. Trước mặt dân chúng thì lên mặt "quan cách mạng".
Ðó là mấy vẻ chính của bệnh quan liêu.
Nếu không lo chữa, thì bệnh quan liêu sẽ đưa bệnh nhân đến chỗ hoàn toàn bị đào thải.
Thang thuốc chữa bệnh quan liêu:
- Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết.
- Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân.
- Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình.
- Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.
Mong rằng toàn thể cán bộ ta, ai không mắc bệnh quan liêu thì phải giữ gìn, tránh nó. Ai đã mắc bệnh ấy, thì phải cố gắng mà chữa cho khỏi đi, cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng, chớ để bị đào thải.
HỒ CHÍ MINH
----------------------
(*) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2002, t.6, tr.88 - 90.