"Bí thư lúa mới"

Bài và ảnh: TRỌNG DUY

Thứ Hai, 21/01/2013 19:09
Nhắc đến Bí thư Huyện ủy vùng sâu Hồng Dân (Bạc Liêu) Võ Văn Út, ở Bạc Liêu và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhiều cán bộ, nông dân đều biết, thường gọi đồng chí bằng cái tên trìu mến "Bí thư lúa mới". Từ nhiều năm nay, đồng chí Võ Văn Út luôn ngày đêm tâm huyết tìm tòi giống lúa mới, là một trong những người có công đưa giống lúa mới chịu mặn, phèn cao vào đồng ruộng.
Bí thư Huyện ủy Hồng Dân Võ Văn Út (người bên phải) trò chuyện với nông dân.
Bí thư Huyện ủy Hồng Dân Võ Văn Út (người bên phải) trò chuyện với nông dân.

"Ðặt cược" chức Chủ tịch huyện với giống lúa mới

Bí thư Huyện ủy Hồng Dân Võ Văn Út, người dân địa phương thường gọi bằng cái tên gần gũi Út Nhỏ, mùa Xuân Quý Tỵ này tròn 57 tuổi. Anh Út Nhỏ sinh ra và lớn lên trên cánh đồng Chó Ngáp (thuộc huyện Hồng Dân cũ), là huyện vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu nhất của tỉnh Bạc Liêu.

Năm 2000, Hồng Dân được tách thành hai huyện Hồng Dân và Phước Long, đầu năm 2005, anh Út Nhỏ được giao trọng trách Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân. Khi mới chia tách,  huyện vùng sâu Hồng Dân, nơi có hơn 12% số dân là đồng bào dân tộc Khmer, 8/9 xã nghèo thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, "sở hữu" cánh đồng Chó Ngáp mà bao đời nhiều người cho rằng "cánh đồng chết", vì trồng lúa chẳng ra lúa, nuôi tôm chẳng ra tôm, trồng khóm (dứa) cũng chẳng ra khóm.

Ðứng trước thực trạng trên, trong những năm từ 2006 đến 2010, Bí thư Huyện ủy Út Nhỏ, khi ấy với trách nhiệm là Chủ tịch UBND huyện, luôn trăn trở, ngày đêm vắt óc suy nghĩ, tìm mọi cách để người dân trước hết phải có đủ gạo ăn, sau đó mới tính đến chuyện làm giàu.

Muốn làm được điều này, đồng chí xác định: Hồng Dân phải tìm mọi cách cải tạo đồng đất để chiến thắng nước mặn, nước phèn, tìm ra những giống lúa chịu mặn, phèn cao. Trong nhiều năm, anh Út Nhỏ xông xáo, lăn lộn xuống từng xóm, ấp, từng hộ nông dân, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của nhiều cán bộ cơ sở và nông dân sản xuất giỏi, tìm các giải pháp để đưa cánh đồng Chó Ngáp  trở thành cánh đồng lúa có năng suất, chất lượng gạo ngon, đưa đời sống nhân dân thoát khỏi cảnh nghèo khó. Sau nhiều lần trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, tận mắt chứng kiến một vài lão nông tri điền ở các xã Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, Ninh Hòa... trồng được giống lúa Một bụi đỏ trên đất phèn, mặn đạt hiệu quả, nhiều hộ đạt năng suất năm tấn/ha, một chuyện lạ chưa từng có trên cánh đồng Chó Ngáp này. Anh Út Nhỏ rất mừng và đã tìm mọi cách nâng cấp chất lượng giống lúa để trở thành gạo đặc sản Một bụi đỏ ở huyện Hồng Dân, cho cơm trắng, dẻo, thơm ngon, bổ dưỡng hơn trước; đồng thời nhân rộng mô hình này trong toàn huyện, với ý chí và quyết tâm cao biến vùng đất gần 25.000 ha của huyện Hồng Dân và một phần đất thuộc huyện Phước Long hoang hóa trở thành những cánh đồng vàng...

Ðể quyết tâm thực hiện ước mơ cháy bỏng của hàng nghìn hộ nông dân trong huyện từ bao đời nay, anh Út Nhỏ đã lặn lội lên Trường đại học Cần Thơ đặt vấn đề nhờ lãnh đạo trường hợp tác, giúp đỡ, đưa các nhà khoa học về huyện nghiên cứu, thử nghiệm thật kỹ, nhằm nâng cấp và nhân rộng diện tích giống lúa Một bụi đỏ, Một bụi hồng của địa phương.

Người đã nhiều năm hợp tác chặt chẽ và lăn lộn với anh Út Nhỏ, cùng nhiều hộ nông dân là PGS,TS Võ Công Thành (Trưởng phòng Thí nghiệm di truyền giống Nông nghiệp, Trường đại học Cần Thơ). Ðể có kinh phí thực hiện dự án, đồng chí Út Nhỏ đã không ít lần phải giải trình, thuyết phục Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND tỉnh cho phép huyện xuất ngân sách hơn hai tỷ đồng để thực hiện đề tài nghiên cứu "Chọn giống lúa Một bụi đỏ, Một bụi hồng thích nghi với cánh đồng Chó Ngáp Hồng Dân", do PGS,TS Võ Công Thành làm chủ nhiệm đề tài.

Ðể thêm sức thuyết phục, đồng chí Út Nhỏ cam kết: "Việc triển khai dự án này đã và đang đem lại hiệu quả rất khích lệ, mở ra cho huyện hướng phát triển mới, bà con nông dân trong huyện rất phấn khởi. Nếu dự án không thành công, đời sống nhân dân trong huyện không đi lên, tôi xin nhận hình thức kỷ luật cách chức Chủ tịch UBND huyện...".

Ðổi thay từ giống lúa mới

Mấy năm nay, hàng nghìn hộ nông dân ở huyện Hồng Dân và một số nông dân huyện Phước Long (giáp huyện Hồng Dân) rất phấn khởi thu hoạch giống lúa Một bụi đỏ, Một bụi hồng. Ðặc biệt, trong năm 2011 và 2012, năng suất cao hơn gấp đôi so với cách đây vài năm, cho chất lượng cao, thương lái thu mua rất mạnh. Kết quả này có được là nhờ  bà con nông dân trong huyện sử dụng giống lúa HD5, HD6 do Trường đại học Cần Thơ chuyển giao, nông dân trong huyện tổ chức nhân giống.

Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho gạo "Một bụi đỏ" của huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), là thương hiệu sản phẩm quốc gia. Từ một giống lúa chủ yếu tiêu thụ tại chỗ, hiện nay gạo Một bụi đỏ, Một bụi hồng ở huyện Hồng Dân đã trở thành thương hiệu khá nổi tiếng, được nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hợp tác bao tiêu "đầu ra" lâu dài, với giá cả hợp lý, người sản xuất có lãi khá cao.

"Nhờ sử dụng giống lúa mới, mấy năm nay nông dân chúng tôi canh tác đạt năng suất cao 35-40 giạ/công, đời sống khá hơn trước rất nhiều. Bây giờ nhiều xã trong huyện đã có khoảng hơn 60% số hộ khá, có hàng trăm hộ giàu lên nhờ mô hình lúa - tôm, nông dân không còn cảnh nghèo khổ như trước nữa. Nếu cứ làm giống lúa cũ, năng suất thấp không đến 20 giạ/công như trước đây, thì nông dân chúng tôi biết chừng nào mới "nở mày, nở mặt" có của ăn, của để như ngày hôm nay" - ông Mai Hồng Kỉnh, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thành Lợi, xã Ninh Hòa và nhiều hộ nông dân huyện Hồng Dân mà tôi đã gặp đều khẳng định như vậy.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, anh Út Nhỏ tâm sự: Trong cuộc đời đi theo cách mạng và làm cán bộ của mình, tôi luôn tâm đắc lời dạy của Bác Hồ, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Theo tôi, đây là lời dạy vô cùng quý giá, cụ thể và thiết thực của Bác Hồ mà người cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo cần phải luôn ghi nhớ và làm theo. Việc thực hiện dự án cải tạo, phục hưng, nâng cấp giống lúa Một bụi đỏ, Một bụi hồng của huyện Hồng Dân thành công như ngày hôm nay là cả một quá trình đầy khó khăn, gian khổ. Nếu người cán bộ lãnh đạo không vì lợi ích của nhân dân, không có bản lĩnh và không quyết tâm thì không thể có kết quả cao...

Nói về nguyện vọng, mục tiêu phấn đấu của mình, anh Út Nhỏ tâm sự: "Chỉ còn gần ba năm nữa tôi đến tuổi về hưu. Thời gian không còn nhiều. Tôi đang tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu của mình kết hợp các nhà khoa học Trường đại học Cần Thơ và những hộ nông dân sản xuất giỏi của huyện thí nghiệm, nhân rộng giống lúa Sỏi vào sản xuất. Ưu điểm của giống lúa Sỏi chịu được độ mặn, phèn từ 7 đến 9 phần nghìn, rất phù hợp diện tích phèn, mặn cao ở huyện vùng sâu Hồng Dân và một vài huyện lân cận. (Giống lúa Một bụi đỏ, Một bụi hồng chịu được độ mặn, phèn bốn phần nghìn, còn các giống lúa khác chỉ chịu được dưới hai phần nghìn). Ðáng lưu ý, hiện nay toàn huyện còn hơn 5.000 ha đất trũng bỏ hoang hóa, vì nhiễm phèn, mặn quá cao. Nếu việc sản xuất giống lúa Sỏi này thành công, huyện sẽ không còn diện tích bỏ hoang hóa từ hàng trăm năm qua, nhiều hộ nông dân sẽ có cơ hội vươn lên khá giả. Cùng với phát triển kinh tế, huyện đặc biệt coi trọng nhiệm vụ xây dựng Ðảng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) về xây dựng Ðảng...

Muốn đạt được mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nêu trên, theo tôi, trước hết bản thân mình phải gương mẫu đi đầu và quyết tâm thực hiện. Vì mình có gương mẫu đi đầu, khi phát động anh em cán bộ, đảng viên ở địa phương họ mới nể và noi theo..." - đồng chí Út Nhỏ khẳng định.

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.