Bí thư "tự làm khổ mình"

Anh đã về hưu nhưng mỗi khi tôi xuống các xã, phường thuộc huyện Krông Búc và thị xã Buôn Hồ (Ðác Lắc) đều được nghe cán bộ và nhân dân nói về anh, "con người của công việc, luôn sâu sát cơ sở, có tinh thần trách nhiệm cao trước nhiệm vụ được giao...".
Ðồng chí Nguyễn Thế Duy trồng cây lưu niệm tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị thị xã Buôn Hồ (Ðác Lắc).
Ðồng chí Nguyễn Thế Duy trồng cây lưu niệm tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị thị xã Buôn Hồ (Ðác Lắc).

Có người thì nói, ông ấy "tự làm khổ mình" chứ Bí thư một huyện muốn gì chẳng được. Nhưng với anh Nguyễn Thế Duy, nguyên Bí thư Huyện ủy Krông Búc và Bí thư Thị ủy Buôn Hồ (2004-2010), một cán bộ, đảng viên được Ðảng, Nhà nước giáo dục - đào tạo, ăn cơm của dân, mặc áo của dân thì phải làm cái gì có ích cho nước, có lợi cho dân mới làm. Chính từ suy nghĩ đó mà anh đã "tự làm khổ mình" như một số người nói.

Khi còn đương chức, việc sử dụng xe ô-tô con cơ quan đi công tác hay xuống cơ sở làm việc là chuyện bình thường hằng ngày, nhưng đồng chí Nguyễn Thế Duy đã đề ra quy định nếu độ dài quãng đường từ trụ sở cơ quan đến nơi công tác dưới 10 km thì không được sử dụng xe ô-tô cơ quan.

Vì thế, những hôm đi về các xã Pơng Drang, Ea Drông, Thống Nhất, Ðoàn Kết, Êa Ðê, Ea Blang (thuộc huyện Krông Búc trước đây) hay về các phường Bình Tân, Thống Nhất, Ðạt Hiếu, Ðoàn Kết... (thuộc thị xã Buôn Hồ hiện nay), anh đều đi xe máy cá nhân, hoặc đi xe buýt. Nhiều lúc văn phòng điều xe nhưng anh kiên quyết không đi, anh nói "mình không gương mẫu chấp hành thì sao nói được người khác". Những ngày đi họp hay công tác ở tỉnh, anh về nhà hôm trước (nhà anh ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðác Lắc) bằng xe người quen, hôm sau đi xe máy từ nhà đến nơi hội họp, làm việc, không dùng xe cơ quan đưa đón và cơ quan cũng không phải chi trả tiền lưu trú cho anh.

Trong sáu năm (2004-2010), đồng chí Nguyễn Thế Duy về làm Bí thư Huyện ủy Krông Búc và Thị ủy Buôn Hồ, với hàng trăm chuyến đi công tác, xuống cơ sở không dùng xe ô-tô cơ quan, anh đã tiết kiệm cho Nhà nước một khoản kinh phí không nhỏ.

Ðồng chí Duy cũng đề ra quy định cán bộ, đảng viên đọc báo đầu giờ làm việc buổi sáng hằng ngày. Có người cho rằng, thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần gì phải bắt nhau làm việc theo kiểu "trống đánh thì đi, trống đánh thì về" như thời bao cấp; hoặc thời buổi công nghệ thông tin, ai muốn xem gì mở mạng là có, cần gì phải bắt nhau ngồi nghe đọc báo. Nhưng sau khi thực hiện, chỉ mất 15 phút đầu giờ buổi sáng nhưng cái được là mọi người đều chấp hành giờ giấc làm việc một cách nghiêm túc, nhất là các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp; mặt khác, qua đọc báo, nhiều người đã nắm bắt được thông tin, tiếp thu kiến thức, giúp họ thực hiện công việc hiệu quả hơn. Chính vì vậy, đến nay nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn tiếp tục thực hiện.

Ðồng chí Nguyễn Thế Duy chủ trương đưa công nghệ thông tin vào trong các hội nghị do Huyện ủy, Thị ủy tổ chức bằng máy chiếu. Ðây là một việc làm bình thường đối với nhiều đơn vị, địa phương ở thành phố, đồng bằng, nhưng với một huyện miền núi như Krông Búc thì đây là một việc làm mới mẻ, lúc đầu gặp không ít khó khăn, vì cán bộ từ nhiều nguồn, số đông là trung và cao tuổi, trình độ tin học không có hoặc mới biết sử dụng các thao tác giản đơn. Nhưng nếu làm được thì rất có ý nghĩa, vừa tiết kiệm được một khoản kinh phí lớn trong in ấn tài liệu phục vụ hội nghị, vừa nâng cao được trình độ, kiến thức tin học cho cán bộ, công chức trong cơ quan. Ðồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải thực hiện và thực tế đã thành công. Ðến nay, việc làm này đã trở thành phổ biến, có chất lượng, hiệu quả trong các hội nghị...

Xuất phát từ câu nói của Bác "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", do đó, trên cơ sở chương trình, kế hoạch cả nhiệm kỳ, hằng năm, quý, tháng của Huyện ủy, Thị ủy, đồng chí Nguyễn Thế Duy đã gương mẫu thực hiện và yêu cầu mọi cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt từ huyện, thị xã đến các xã, phường, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng chương trình làm việc cụ thể hằng tuần và làm đúng lịch đã đề ra, không phải đụng đâu làm đó, chạy theo sự vụ...

Ðồng chí luôn quan tâm và dành nhiều thời gian đi cơ sở nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở, địa phương thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của mình. Những việc quan trọng, cấp bách có liên quan đến an ninh chính trị, bố trí dân cư, xây dựng mới các công trình như điện, đường, trường, trạm..., anh đều xuống tận nơi xem xét, nghiên cứu, tham khảo ý kiến nhân dân, nhất là các đồng chí lão thành cách mạng, già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín mới tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy triển khai thực hiện.

Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong những năm đồng chí làm Bí thư Huyện ủy Krông Búc và Thị ủy Buôn Hồ đều được giữ vững ổn định, kinh tế phát triển tốt, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Thị trấn Buôn Hồ được nâng cấp từ đô thị loại V lên đô thị loại IV và thị xã Buôn Hồ được ra đời sớm hơn hai năm so với nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Krông Búc (cũ) lần thứ 13 đã đề ra.                            

Là con người của công việc nên nhìn anh lúc nào cũng trầm tư suy nghĩ, nhưng nội tâm không như vẻ bên ngoài. Anh luôn sống tình cảm, hòa đồng với mọi người chung quanh, luôn quan tâm đến việc làm, đời sống của nhân dân; đồng thời không quên chăm lo nơi làm việc cho cán bộ các xã, phường; nhà sinh hoạt thôn, buôn, tổ dân phố; nơi khám, chữa bệnh cho nhân dân và nơi học hành cho các cháu, nhất là các vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn...

Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả đó, anh đã vinh dự được Ðảng, Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý, thể hiện phần nào tinh thần trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên trước Ðảng, trước nhân dân, nhất là trong việc nêu gương về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Bài và ảnh: LÊ VIẾT NGỤ

(Thị ủy Buôn Hồ, tỉnh Ðác Lắc)

 

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.