Bộ đội Biên phòng trong lòng dân

Bài và ảnh: VIỆT TIẾN

Thứ Ba, 12/03/2013 07:54
Tôi quen Trung tá Nguyễn Việt Quân, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên lần về xã Mỹ Ðức (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) viết về chương trình "Mái ấm biên cương". Bà con ca ngợi những việc tốt mà cán bộ Quân đã làm. Anh là điển hình của Bộ đội Biên phòng Kiên Giang trong đợt tuyên truyền "Hướng về chủ quyền biên giới hải đảo".
Trung tá Nguyễn Việt Quân, cha đỡ đầu của hai em Lập và Nghiệp.
Trung tá Nguyễn Việt Quân, cha đỡ đầu của hai em Lập và Nghiệp.

Ðọc báo dân nghe

Hẹn làm việc lúc 18 giờ, vì Trung tá Quân xuống ấp Mỹ Lộ, xã Mỹ Ðức củng cố các điểm đọc báo về trễ. "Dịp Tết, các điểm đọc báo tạm nghỉ, mình phải cùng cán bộ Ðồn vận động quần chúng xốc lại".

Mỹ Ðức là xã biên giới thuộc phạm vi Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên quản lý, đồng bào dân tộc Khmer chiếm đến hơn 53% số dân, nhiều ấp lên đến 70% như Mỹ Lộ, Thạch Ðộng. Phần đông bà con còn nghèo nàn về đời sống vật chất, thiếu thốn về đời sống tinh thần, nên dễ bị xúi giục tham gia, làm tai mắt cho bọn buôn lậu. Trình độ học vấn của người dân thấp, nhiều người không biết tiếng phổ thông, nên khi tuyên truyền vận động gặp không ít khó khăn.

Năm 2007, Chính trị viên Nguyễn Việt Quân đề xuất và chịu trách nhiệm thực hiện xây dựng các điểm đọc báo, đưa thông tin, văn hóa đến với đồng bào. Hằng ngày, Trung tá Quân và các cán bộ thông thạo tiếng Khmer của Ðồn đến từng nhà gặp gỡ, chuyện trò nắm đời sống, tâm tư nguyện vọng, vận động bà con ngày dành một tiếng đồng hồ (từ 17 đến 18 giờ chiều) đến các điểm đọc báo, nghe cán bộ Ðồn đọc những bản tin kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh khu vực biên giới, thủ đoạn của phần tử xấu, thông tin chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông báo những quy định, việc làm của địa phương, của Bộ đội Biên phòng... bằng tiếng Việt và tiếng Khmer.

Ðể duy trì các điểm đọc báo này, cán bộ Ðồn kiên trì gặp bà con, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn thu nhận lao động, tìm các nhà tài trợ hỗ trợ tiền, gạo... để bà con thấy cái lợi trước. Mưa dầm thấm lâu, bà con từ từ mới cảm được cái lợi từ những buổi sinh hoạt tập thể, tiếp nhận được những thông tin bổ ích nên tự giác chấp hành.

Thành công của việc duy trì tốt các điểm đọc báo đã làm thay đổi nhận thức của người dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, giúp bà con thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Những người trước đây làm nghề cửu vạn, vận chuyển hàng lậu từ Campuchia vào nội địa đã tự nguyện từ bỏ, tìm nghề nghiệp chính đáng làm, không tiếp tay, giúp đỡ những kẻ buôn lậu và tố giác những người xúi giục nhân dân làm việc xấu. Một số người quen thói rượu chè, cờ bạc, chơi nhiều hơn làm cũng quay về với những sinh hoạt có ích cho gia đình. Bà con hai nước qua lại canh tác ruộng, làm ăn, thăm thân nhân không còn tự tiện mà trình báo rõ ràng với Bộ đội Biên phòng.

Có 76 hộ dân đã tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ chín cột mốc, 14 km đường biên giới và đã có những báo cáo, thông tin có ích giúp Ðồn xử lý hiệu quả các vụ việc vi phạm biên giới.

Ðặc biệt, 15 gia đình nghèo chấp hành tốt, chăm chỉ làm ăn đã được Ðồn tín chấp vay 225 triệu đồng để bà con phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, từ đó thoát nghèo. "Ðể các hộ làm ăn hiệu quả, bảo tồn nguồn vốn vay, chúng tôi đã cử cán bộ xuống từng nhà cho hộ dân làm cam kết, kiểm tra chặt chẽ từ tiền mua con giống, thức ăn, giúp làm chuồng trại, kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh... đến khi thu hoạch phải có sự giám sát, nhất trí của Ðồn, nên hộ nào cũng làm ăn có lãi"- Trung tá Quân nói.

Ông Nguyễn Phước Hồng ở tổ nhân dân tự quản số 9, ấp Mỹ Lộ cho biết: "Cán bộ Quân tốt lắm, Bộ đội Biên phòng tốt lắm! Lập điểm đọc báo, cất nhà, cho bà con vay vốn làm ăn, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi. Bà con giờ nghe theo Bộ đội Biên phòng, nghe chú Quân không tiếp tay cho bọn buôn lậu, không cờ bạc, rượu chè, lo làm ăn vươn lên. Có chuyện gì xảy ra chúng tôi cũng trình với Bộ đội Biên phòng và chú Quân".

Nuôi trẻ trong Ðồn

Cách đây hơn một năm, trong một lần xuống ấp Mỹ Lộ công tác, Trung tá Quân đã đưa về đơn vị hai đứa trẻ: Nguyễn Văn Lập và Nguyễn Văn Nghiệp, bàn với đơn vị nhận nuôi dưỡng. Cha của Lập và Nghiệp làm nghề thủy thủ, trong một lần ra biển đánh bắt hải sản đã chết do tai nạn.

Quá khó khăn trong việc gánh vác gia đình, mẹ của hai cháu đã ra đi tìm kiếm hạnh phúc riêng, bỏ hai cháu sống với bà nội, tuổi đã hơn 70, làm nghề giặt đồ thuê, ở trong một căn nhà rách nát.

Nghe thủ trưởng kể gia cảnh của hai trẻ, toàn đơn vị nhất trí, hằng tháng mỗi cán bộ trích 50 nghìn đồng tiền lương, đồng thời vận động thêm các nhà hảo tâm phụ nuôi dưỡng và tiếp tục cho hai trẻ đến trường. Trung tá Quân đứng ra vận động xây căn nhà tình thương trị giá 20 triệu đồng cho bà nội của Lập và Nghiệp và hằng tháng trợ cấp tiền nuôi dưỡng bà và một cụ bà khác cũng có hoàn cảnh tương tự.

Ðại úy Danh Kim Huôl Phó chính trị viên Ðồn cho biết: "Trên địa bàn Ðồn quản lý hiện còn bảy trường hợp neo đơn cần được giúp đỡ, nhưng là đơn vị bộ đội chúng tôi không thể đưa hết về Ðồn nuôi dưỡng được. Trung tá Quân thay mặt đơn vị đang liên hệ với xã, xin một lô đất tái định cư, đồng thời liên hệ với các địa chỉ nhân đạo vận động tiền xây một căn nhà, để gom tất cả về ở, phụ cấp tiền nuôi dưỡng họ".

Ở biên cương nơi cực tây nam của Tổ quốc, người dân còn nhắc nhiều về Bộ đội Biên phòng, về Trung tá Nguyễn Việt Quân với lòng kính trọng và ngưỡng mộ qua việc vận động và tham gia xây trường, xây nhà, giúp hàng trăm trẻ em có nơi học tập, hàng chục hộ dân nghèo có được mái ấm an cư để họ yên tâm lạc nghiệp.

Ông Trần Văn Mía, ấp Mỹ Lộ tâm sự: "Do hoàn cảnh nghèo, cả nhà làm thuê mà còn nhọc nhằn lo cái ăn, cái mặc thì đâu dám mơ đến chuyện cất nhà. Nhiều lúc nhìn ngôi nhà rách nát, xiêu vẹo, tủi thân lắm! Cũng nhờ có Bộ đội Biên phòng, chú Quân xây nhà cho ở, vay tiền cho làm ăn... cuộc sống mới khá lên!".

Ðại tá Ðặng Văn Thống, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang khẳng định, Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Hà Tiên cũng như Trung tá Nguyễn Việt Quân, Chính trị viên Ðồn, không chỉ vận động xây được hai điểm trường trị giá hơn 350 triệu đồng cho địa bàn biên giới, xây 47 căn nhà cho người dân nghèo và một số việc khác mà các anh đã xây dựng được hình tượng tốt đẹp về người Bộ đội Biên phòng trong lòng nhân dân, xây dựng được địa bàn biên phòng vững mạnh, phục vụ công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.