"Bốn cùng" với dân Bản Máy

Bài, ảnh: KHÁNH TRÌNH

Thứ Sáu, 16/08/2013 18:40
Những khó khăn mang tính cố hữu cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu ngàn đời của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Bản Máy theo mãi người dân nơi đây. Nhưng cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trên địa bàn "không cam chịu đói nghèo" mà "xắn tay" vào cuộc bằng sự đồng lòng, tính sáng tạo, lòng nhiệt tình đã đưa Bản Máy thoát nghèo và xây dựng biên cương ngày một trù phú, phát triển.
Bộ đội Biên phòng Bản Máy giúp dân sửa chữa nhà.
Bộ đội Biên phòng Bản Máy giúp dân sửa chữa nhà.

Xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn nằm ở phía tây của tỉnh Hà Giang, nơi định cư và sinh sống từ lâu đời của năm dân tộc Mông, Tày, Nùng, La Chí và Phù Lá. Ðây cũng là nơi được biết đến bởi địa hình chia cắt, xa trung tâm huyện lỵ, giao thông đi lại khó khăn. Tình hình dân cư phân bố không đều, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, song diện tích đất canh tác ít, lại bạc màu, trình độ canh tác của đồng bào còn hạn chế chưa biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và luân canh tăng vụ... dẫn đến năng suất thấp, hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao.

Hơn nửa ngày ngược ngàn, chúng tôi được đến thăm và tìm hiểu về Bản Máy, được tiếp xúc với bà con, cấp ủy chính quyền địa phương và những người lính biên phòng Bản Máy đêm ngày bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc để được nghe những lời từ đáy lòng người bản xứ về Bộ đội Biên phòng đồn Bản Máy: "... các anh làm nhà, các anh trồng rừng, các anh làm đường, các anh chữa bệnh... nhiều nhiều lắm, không kể hết đâu", ông Vương Thanh Quang, Trưởng thôn Tà Chải nói. Vẻn vẹn có vậy sau lời Trưởng thôn Tà Chải nói, tôi đã có thể hiểu được phần nào tình cảm quân dân như cá với nước và hiệu quả của xây dựng biên giới lòng dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.

Quán triệt và học tập các chỉ thị, hướng dẫn, kế hoạch của cấp trên về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với Bộ đội Biên phòng, đơn vị thường xuyên quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, bổ sung và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm hoạt động của đơn vị, chức trách nhiệm vụ được giao. Ðồng thời triển khai và thực hiện có hiệu quả trách nhiệm "nêu gương" của đảng viên, cán bộ, chỉ huy đơn vị.

Thấm nhuần và đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bên cạnh công tác xây dựng Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, những cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Bản Máy còn thực hiện tốt công tác xây dựng cơ sở chính trị địa phương và tham mưu cho địa phương thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Ðơn vị đã lựa chọn và tham mưu cho cấp trên ra quyết định điều động cán bộ tăng cường là người của đơn vị giữ chức Phó Bí thư Ðảng ủy xã với chức năng nhiệm vụ tham mưu cho địa phương trong việc củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu. Là cầu nối giữa Ðồn Biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường mối quan hệ quân dân thêm gắn bó bền chặt, xây dựng, củng cố và phát huy hiệu quả các mặt công tác, đặc biệt là giúp đỡ địa phương những khâu yếu, mặt yếu.

Chính trị viên Ðồn Biên phòng Bản Máy, Thượng tá Trương Văn Dương nói: "Việc lựa chọn và phân công cán bộ, đảng viên của đơn vị tham gia sinh hoạt chi bộ thôn trong thời gian qua đã đạt được kết quả thiết thực giúp chi bộ tại các thôn hoạt động có hiệu quả. Duy trì nghiêm nguyên tắc sinh hoạt Ðảng, nắm được quy trình ra nghị quyết lãnh đạo và triển khai thực hiện nghị quyết tại thôn. Trước đây khi chưa có cán bộ Ðồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ, việc duy trì sinh hoạt tại các thôn không đều đặn, xây dựng và triển khai nghị quyết hiệu quả thấp. Chi bộ các thôn là vậy, với Ðảng ủy xã, hằng quý, tháng trong Ðảng ủy đồn luôn có cán bộ xuống tham gia cùng Ðảng ủy xã đánh giá kết quả triển khai thực hiện nghị quyết Ðảng ủy xã và triển khai phương hướng lãnh đạo quý, tháng tiếp theo".

Trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa và tham gia xây dựng nông thôn mới, với những việc làm cụ thể mang tính định hướng lâu dài "dạy nghề cho nhân dân", thời gian qua, Ðồn Biên phòng Bản Máy đã liên kết với Trung tâm dạy nghề của huyện và Trung tâm dạy nghề/Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mở sáu lớp dạy nghề cho nhân dân và hội viên phụ nữ xã các kiến thức về kỹ thuật canh tác trồng nấm rơm, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, luân canh, xen canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Ngoài ra, đơn vị đã triển khai chương trình nuôi dê luân chuyển; vận động nhân dân trồng được 20 ha dong riềng cho thu hoạch tốt.

Hoạt động nhân đạo, từ thiện được cấp ủy, chỉ huy đồn và cán bộ, chiến sĩ đơn vị quan tâm, hưởng ứng cao. Cùng với thực hiện "mô hình giúp dân" và trung tâm cầu nối của các hoạt động từ thiện, những năm qua, đơn vị đã vận động cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trường học đứng chân trên địa bàn, cán bộ, công chức xã, các đơn vị kết nghĩa quyên góp ủng hộ trị giá 80 triệu đồng giúp đỡ hai cháu mổ tim bẩm sinh; tham mưu xây dựng quỹ khuyến học từ sự ủng hộ quyên góp của cán bộ, công chức xã, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng, các cơ quan, đơn vị, nhà trường trên địa bàn cấp 40 suất học bổng trị giá 8,4 triệu đồng cho các cháu học sinh nghèo và các cháu tham gia thi học sinh giỏi đoạt giải cao.

Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, đơn vị đều vận động các cơ quan, đơn vị tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trị giá hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị còn trực tiếp phối hợp với Trung tâm dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng một căn nhà cho hội viên phụ nữ nghèo tại thôn Tà Chải trị giá 25 triệu đồng, trao năm sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cho phụ nữ nghèo vượt khó; vận động cơ quan doanh nghiệp ủng hộ 600 tấm lợp pro-xi-măng; bốn tấn xi-măng; 2.000 ngày công lao động góp phần xóa nhà tạm cho 22 hộ nghèo...

Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Bản Máy đã ghi đậm dấu ấn của "Bộ đội Cụ Hồ", tô thắm thêm tình quân dân gắn bó máu thịt. Ðó là những việc làm cụ thể, điển hình trong thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với Bộ đội Biên phòng, góp phần không nhỏ trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, phát triển.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.