Cách làm mới để giáo dục truyền thống ở huyện Quảng Trạch

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG

Thứ Tư, 08/08/2012 19:25
Phòng Hồ Chí Minh ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trong thời gian qua đã góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân về tấm gương đạo đức ngời sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình văn hóa sinh động này càng có ý nghĩa hơn trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng  tại huyện Quảng Trạch.
Cán bộ và nhân dân xã Cảnh Dương tham quan Phòng Hồ Chí Minh của xã.
Cán bộ và nhân dân xã Cảnh Dương tham quan Phòng Hồ Chí Minh của xã.

Chúng tôi về xã Cảnh Dương đúng vào dịp Ðảng bộ xã tổ chức học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay". Trước khi vào học Nghị quyết, toàn thể cán bộ, đảng viên trong Ðảng bộ đã vào thăm Phòng Hồ Chí Minh nằm trên tầng hai của hội trường. Ðây là hoạt động thường xuyên ở Cảnh Dương mỗi khi có các sự kiện chính trị, hội họp quan trọng hoặc ra quân đánh cá đầu năm... Hàng trăm bức ảnh, hiện vật về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về truyền thống vẻ vang của Ðảng bộ và nhân dân Cảnh Dương đã làm cho người xem rất xúc động.

Ðảng viên Nguyễn Tiến Nên ở thôn Trung Vũ, Cảnh Dương xúc động nói: Ðã nhiều lần ông đến tham quan Phòng Hồ Chí Minh nhưng mỗi lần đến là trong ông lại dâng trào cảm xúc tươi mới và thiêng liêng trước sự nghiệp vĩ đại và tình cảm bao la mà Người đã dành cho nhân dân.

Kính yêu Bác, ông tự nhủ rằng phải làm những việc có ích, đóng góp phần công sức bé nhỏ của mình cho cộng đồng. Trong những năm qua, từ một thông tin viên của xã, ông trở thành một cộng tác viên tích cực của các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Bình để tuyên truyền góp phần phát triển bền vững nghề cá Cảnh Dương. Ông đi đầu trong các hoạt động khuyến học, bảo vệ môi trường, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống ở làng biển nổi tiếng này.

Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Trần Trung Thành cho biết, theo nguyện vọng tha thiết của đảng viên và nhân dân, năm 2011, Ðảng bộ xã chủ trương xây dựng Phòng Hồ Chí Minh trên cơ sở nâng cấp tầng hai của hội trường trụ sở xã và một lượng lớn ảnh, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh do cán bộ, nhân dân xã đóng góp. Cảnh Dương là xã biển giàu truyền thống cách mạng của tỉnh Quảng Bình, nơi đây từng ghi dấu nhiều chiến công qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, vì vậy nguồn tư liệu, hiện vật còn rất phong phú. Phòng Hồ Chí Minh xã Cảnh Dương có diện tích gần 200 m2 với hơn 500 bức ảnh và hiện vật gắn với thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ và quê hương Cảnh Dương. Hiện nay, nhân dân trong xã tiếp tục đóng góp ảnh, hiện vật gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Ðảng và vùng đất Cảnh Dương, làm phong phú và bổ sung nguồn tư liệu rất có giá trị cho công trình văn hóa giàu ý nghĩa này.

Cũng theo đồng chí Trần Trung Thành, Phòng Hồ Chí Minh không chỉ góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, là nơi sinh hoạt chính trị có ý nghĩa sâu sắc mà còn giúp cho cán bộ, đảng viên học tập và làm theo Bác, tự rèn luyện mình để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy kinh tế biển Cảnh Dương phát triển.

Anh Trần Văn Hành, công an viên xóm Me, xã Quảng Thuận vinh dự được kết nạp Ðảng ngay tại Phòng Hồ Chí Minh trong dịp 3-2 năm nay. Gặp gỡ và trò chuyện với chúng tôi, đồng chí xúc động nói: "Ðược kết nạp Ðảng tại Phòng Hồ Chí Minh đối với tôi là một vinh dự lớn, là kỷ niệm không thể nào quên. Ðứng tuyên thệ dưới cờ Ðảng và ảnh Bác, tôi thấy mình càng phải phấn đấu vươn lên, rèn luyện mình trở thành một công an viên giỏi, bảo vệ tốt trật tự trị an ở thôn xóm".

Bí thư Ðảng bộ xã Quảng Thuận Nguyễn An Bình cho biết thêm, đồng chí Trần Văn Hành là đảng viên đầu tiên được kết nạp tại Phòng Hồ Chí Minh của xã.

Cũng theo đồng chí Nguyễn An Bình, Quảng Thuận là địa phương đi đầu trong xây dựng Phòng Hồ Chí Minh ở huyện Quảng Trạch. Quả thật, căn phòng không rộng nhưng cách bài trí, trình bày  tư liệu về Bác Hồ và các hoạt động của Ðảng bộ và nhân dân Quảng Thuận rất hợp lý, tạo cảm giác ấm cúng và trang trọng.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quảng Thuận Nguyễn Quang Trung, người được giao công việc thuyết minh, đón khách tham quan giới thiệu với chúng tôi, phòng có 99 ảnh tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và 86 bức ảnh về quê hương Quảng Thuận được trưng bày một cách có hệ thống, theo diễn tiến về thời gian của con người và vùng đất, qua đó giúp người xem dễ nắm bắt sự kiện. Nguồn ảnh tư liệu về Bác Hồ được tập hợp từ nhiều nguồn: vận động cán bộ, nhân dân địa phương đóng góp, từ thư viện, phòng tư liệu huyện, tỉnh, huy động từ con em Quảng Thuận trên mọi miền đất nước. Không chỉ là nơi trưng bày, giới thiệu  về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, mà đây còn là nơi kết nạp đảng viên, đoàn viên; nơi tham quan, học tập và tìm hiểu của người dân trong xã. Cứ vào mỗi dịp sinh hoạt ngoại khóa cuối tháng, ba trường học trong xã Quảng Thuận thường tổ chức cho học sinh đến tham quan Phòng Hồ Chí Minh.

Tại Phòng Hồ Chí Minh xã Quảng Thuận, chúng tôi trò chuyện với bác Trần Thuận, 60 tuổi ở xóm Ðình. Bác cho biết, công trình văn hóa này rất có ý nghĩa để giáo dục truyền thống cho người dân. Qua việc học tập và làm theo Bác, mong cán bộ, đảng viên trong xã nêu cao tính gương mẫu, vì nhân dân và phục vụ nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải soi vào tấm gương Hồ Chí Minh để tự rèn luyện mình, rút ra bài học cho mình trong công việc cũng như trong lối sống, cách cư xử hằng ngày.

Sau ba năm thực hiện chủ trương xây dựng Phòng Hồ Chí Minh, đến nay huyện Quảng Trạch đã xây dựng được 34 công trình văn hóa đặc trưng này, trong đó có một Phòng Hồ Chí Minh cấp huyện với tổng giá trị tư liệu, hiện vật gần 1,6 tỷ đồng. Các Phòng Hồ Chí Minh đều có tủ sách, mỗi tủ sách có từ 200 đến 1.000 cuốn, góp phần phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của cán bộ và nhân dân.

Dù còn ở mức độ khiêm tốn, chưa thật sự đồng bộ về kiến trúc và cách trưng bày, nhưng đây là loại hình tuyên truyền trực quan sinh động rất có ý nghĩa và hiệu quả, phản ánh một cách khoa học, trung thực, có hệ thống và tiêu biểu về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những thành tựu của Ðảng bộ và nhân dân địa phương. Nơi đây là địa điểm sinh hoạt chính trị của Ban Chấp hành Ðảng bộ địa phương, đơn vị, các tổ chức đoàn thể và là nơi tham quan, học tập để nâng cao nhận thức về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Quảng Trạch.

Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch Trần Thắng cho biết, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Trạch lồng ghép nội dung tiến hành các giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua việc tuyên truyền bằng tư liệu trực quan sinh động, kết hợp giáo dục, rèn luyện để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay. Thông qua Phòng Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về tấm gương đạo đức của Bác, về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó thay đổi phong cách làm việc, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.