Cách làm sáng tạo, hiệu quả thiết thực

TIỂU PHƯƠNG, BÌNH ĐỊNH

Thứ Năm, 27/08/2009 01:54

Khó vạn lần, dân liệu cũng xong...

Ðây là nhận thức của Ðảng bộ xã Ea Kênh khi được Huyện ủy Krông Pác chọn làm điểm trong triển khai bước hai của Cuộc vận động. "Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong" - câu nói của Bác đã trở thành nghị quyết để triển khai mô hình toàn dân chung sức làm đường giao thông nông thôn, do chi bộ thôn Tân Ðông phát động. Những băn khoăn, trăn trở đã được chi bộ đưa ra tổ chức họp bàn, thống nhất phương án và xây dựng thành nghị quyết. Sau đó, nghị quyết được quán triệt đến từng cụm dân cư. Từng cụm lập kế hoạch, dự trù kinh phí, cử ra ban chỉ đạo làm đường của mỗi cụm, gồm ba thành viên, tự bàn thảo mức đóng góp, thu kinh phí, quản lý, huy động nhân công và tự hạch toán công khai, có sự giám sát của chi bộ.

Kết quả sau hai năm, toàn thôn đã làm được gần 2.000 m đường rải đá, với tổng vốn đầu tư là 129 triệu đồng, trong đó có 52 m đường  bê-tông do các gia đình đảng viên tự nguyện đóng góp, nên được gọi là đoạn đường gia đình đảng viên.

Ở Tân Ðông, chúng tôi được nghe kể về niềm vui của người dân khi không còn phải "sống chung" với cảnh trồi sụt, lầy lội của những con đường mỗi khi mưa xuống, và cả những "cái khó" khi bắt đầu triển khai mô hình này, bởi  một vài ý kiến không đồng tình. Nhưng sau nhiều lần chi bộ cử người thuyết phục, động viên họ tham gia tổ quản lý làm đường, khi đó vai trò trách nhiệm của họ lại được phát huy tối đa, góp phần hoàn thành kế hoạch sớm. Nghị quyết của chi bộ thôn đề ra, từ nay đến hết quý 4 năm 2009, phấn đấu toàn bộ các tuyến đường  được lát đá. "Với tiến độ này, đây là việc chúng tôi thực hiện được trong tầm tay" - đồng chí trưởng thôn Trịnh Văn Ý - một trong những đảng viên gương mẫu cùng gia đình đi đầu trong chiến dịch làm đường của thôn, khẳng định như vậy.

Từ hiệu quả của mô hình này, Ðảng ủy xã Ea Kênh đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc tiến hành học tập, rút kinh nghiệm để triển khai ra diện rộng tại một số thôn như Tân Thành, Tân Trung, Tân Mỹ...

Cũng ở Ea Kênh, chủ trương xây dựng mô hình "Tấc đất, tấc vàng" là điển hình được chi bộ thôn Tân Ðức xây dựng và triển khai thực hiện, dựa trên đặc điểm, điều kiện tự nhiên của thôn. Với tổng diện tích 225 ha, chủ yếu trồng cây công nghiệp như cao-su, cà-phê, trong đó có 38,5 ha ruộng nước, chi bộ đã bàn biện pháp nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Trước đây, diện tích ruộng nước này chỉ gieo sạ được một vụ trong năm, do bị phụ thuộc nguồn nước, thu nhập 2,5-3,5 triệu đồng/năm trên 1.000 m2. Chi bộ  cùng ban tự quản thôn đề ra kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Khi xây dựng mô hình "Tấc đất, tấc vàng", chi bộ Tân Ðức đã tổ chức cho đảng viên học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ  kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, sau khi có hiệu quả thì chuyển giao đến các hộ gia đình để thực hiện quy hoạch 30 ha ruộng nước trồng xen canh một vụ lúa - ba vụ màu. 

Ban đầu chỉ có 30 hộ gia đình tham gia, qua một số vụ làm thử, chi bộ cùng bà con tổ chức rút kinh nghiệm, đến nay đã có hơn 100 hộ tham gia thâm canh tăng vụ, nâng thu nhập lên 15-20 triệu đồng/1.000 m2/năm, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7,7%, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 10,5 triệu đồng/năm. Hiện nay, Tân Ðức đã trở thành vùng cung cấp rau xanh cho TP Buôn Ma Thuột và các vùng lân cận.

Tiết kiệm chi để đầu tư sản xuất, giúp đỡ người nghèo

Nội dung này được nhiều doanh nghiệp xác định là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình hành động làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà nổi bật là Công ty cao-su Ðác Lắc. Kết quả thực hiện Cuộc vận động  đã góp phần giúp công ty vượt qua khó khăn của thời điểm lạm phát tăng cao, giá cả thị trường biến động mạnh.

Ðồng chí Huỳnh Văn Khiết, Giám đốc công ty cho biết: Là đơn vị sản xuất kinh doanh, với chi phí đầu tư mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, nên Ðảng ủy, Ban giám đốc công ty tổ chức thực hiện tốt phong trào "thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" theo tấm gương của Bác. Trong năm 2008, ngoài thực hiện tiết kiệm 10% theo chủ trương chung, Công ty cao-su Ðác Lắc còn  đưa ra chỉ tiêu tiết kiệm thêm 20% tổng chi phí đầu tư sản xuất kinh doanh. Mục tiêu là triệt để "thực hành tiết kiệm" nhưng phải bảo đảm sự phát triển của vườn cây, sản xuất kinh doanh vẫn tăng trưởng và đời sống người lao động tiếp tục được cải thiện. Theo đó, công ty đã rà soát các định mức tiêu hao vật tư, nguyên liệu, thực hiện cắt giảm những chi phí bất hợp lý, đã giảm 50% công làm cỏ trong đường lô, giảm 20% công làm cỏ trong hàng; cơ giới hóa ở địa bàn có giá thuê nhân công cao; áp dụng thành công sáng kiến "trồng thảm phụ họ đậu" trong đường lô cao-su, vừa giảm công làm cỏ lại tăng chất mùn cho đất; tuyển dụng thành công bộ giống cao-su mới, rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản của vườn cây từ 8 năm xuống còn hơn 6 năm, đồng thời tăng năng suất vườn cây từ mức bình quân 1,7 tấn mủ quy khô/ha lên  2,5 tấn mủ quy khô/ha. Với những việc làm thiết thực đó, Công ty cao-su Ðác Lắc tiết kiệm được 45 tỷ đồng. Số tiền tiết kiệm được, công ty đưa vào tăng vốn cổ phần cho công nhân lao động và nhờ vậy đã chủ động được nguồn vốn đầu tư, giảm bớt được khoản tiền vay.

Ngoài "thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", Công ty cao-su Ðác Lắc còn vận động cán bộ, công nhân lao động tham gia tích cực vào việc hỗ trợ người nghèo trên địa bàn thông qua những hoạt động như "mái ấm công đoàn" và "xây dựng buôn định canh định cư" cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Hiện tại, với 22.600 ha cao-su, Công ty cao-su Ðác Lắc đã bảo đảm việc làm cho gần bảy nghìn lao động, với mức thu nhập bình quân hơn 2,6 triệu đồng/người/tháng, trở thành đơn vị sản xuất có quy mô lớn nhất  tỉnh.

Học tập và làm theo tấm gương của Bác, trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, mô hình hỗ trợ bệnh nhân nghèo của Bệnh viện Ða khoa Ðác Lắc đã được nhân dân đồng tình ủng hộ. Bên cạnh việc tiếp thu những ý kiến phê bình, tìm ra các giải pháp khắc phục tình trạng luôn quá tải, Ðảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo thành lập bếp ăn tình thương, để hỗ trợ hơn 150 suất ăn mỗi ngày cho những bệnh nhân nghèo. Mô hình này đã được Sở Y tế Ðác Lắc triển khai thực hiện ở tất cả các bệnh viện công trong tỉnh. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi điều trị  tại các bệnh viện đều nhận được sự hỗ trợ. Ðặc biệt là đối với bệnh nhân nghèo là người dân tộc thiểu số ở địa phương, ngoài chế độ 10.000 đồng/người/ ngày, còn được hỗ trợ chi phí đi lại. Hằng tháng, hằng quý, các y sĩ, bác sĩ của các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện về tận buôn làng, khám, cấp thuốc miễn phí, thực hiện điều trị tại cộng đồng cho bà con.

Những ngày ở Tây Nguyên, chúng tôi còn được biết đến các phong trào "Nuôi heo đất giúp bạn nghèo đến trường" của Trường THPT Quang Trung; hay "Hũ gạo tình thương giúp người nghèo" của Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pác; được tiếp xúc với những cán bộ người dân tộc thiểu số như đảng viên trẻ Y Thuôn Mlô, Phó Chủ tịch xã Krông Buk, Bí thư chi bộ buôn Kla, người góp phần nâng cao đời sống của đồng bào nơi đây, bằng việc tuyên truyền, vận động bà con  bỏ  hủ tục như cúng ma, cúng ốm đau... động viên đồng bào áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hay việc làm tốt của anh Ama Minh, trưởng buôn Mduk, Chủ tịch Hội đồng già làng phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột). Với vai trò là trưởng buôn, anh đã động viên con trai lên đường nhập ngũ. Sự gương mẫu của gia đình anh đã động viên 12 thanh niên cùng buôn sẵn sàng lên đường làm nghĩa vụ quân sự trong đợt tuyển quân đầu năm 2009...

Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, nhân lên những bông hoa đẹp để có một rừng hoa đẹp đúng như mong muốn của Bác Hồ, và đây cũng chính là mục tiêu phấn đấu của  Ðảng bộ và nhân dân Ðác Lắc, nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong thời gian tiếp theo.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.