Cán bộ, đảng viên gương mẫu về đạo đức

PGS,TS Lương Gia Ban

Thứ Năm, 05/07/2007 03:05

Ðạo đức làm gương, gương mẫu về đạo đức, gương mẫu về hành động, nói đi đôi với làm là những vấn đề cơ bản của đạo đức cán bộ, đảng viên. Gương mẫu đạo đức của đảng viên phải được thể hiện trên ba mối quan hệ chủ yếu là: Ðối với mình, đối với người và đối với việc, và được thể hiện cụ thể ở gia đình, trong tổ chức, cơ quan và ngoài xã hội.

Trong gia đình, đảng viên có nhiều mối quan hệ khác nhau, vừa là con, là cháu, là chồng (vợ), là bố (mẹ) là anh (chị) là em... ở từng vị trí của mình phải thật sự đúng mực, gương mẫu từ lời nói đến việc làm, có trách nhiệm và gương mẫu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; làm cho gia đình mình thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.

Trong gia đình, người đảng viên phải gương mẫu kế thừa, giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam và kết hợp những yếu tố mới, tiến bộ. Yêu thương, chăm sóc, học tập lẫn nhau, chờ đợi nhau, lắng nghe và chia sẻ vui buồn cùng nhau, kính già, yêu trẻ, trên bảo dưới nghe.

Vợ chồng chung thủy, một vợ một chồng, làm gương cho con cái. Gương mẫu thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, gương mẫu giáo dục con cái, chăm sóc bố mẹ già. Gương mẫu đi đầu cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt cho gia đình. Cần cù lao động, tiết kiệm trong chi tiêu, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đưa vào xã hội những công dân tốt...

Ở tổ chức, cơ quan, là đảng viên phải gương mẫu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Gương mẫu nói và làm theo nghị quyết của Ðảng. Gương mẫu phục tùng tuyệt đối sự phân công, điều động của Ðảng, của Thủ trưởng cơ quan. Gương mẫu trong học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị. Gương mẫu thực hành phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin". Gương mẫu trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Gương mẫu thực hành tự phê bình và phê bình. Gương mẫu nêu cao ý thức tập thể, tinh thần trách nhiệm, hòa nhã cởi mở với mọi người, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những việc làm của mình. Hăng hái đi đầu trong chống tham nhũng, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ. Gương mẫu học tập và làm theo các tấm gương "người tốt, việc tốt". Phải làm kiểu mẫu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Gương mẫu về nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Gương mẫu về sinh hoạt đảng và trong các tổ chức xã hội - chính trị mà mình tham gia, v.v.

Ngoài xã hội và sinh hoạt cộng đồng, đảng viên phải tự giác, gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông, vệ sinh công cộng, trật tự xã hội. Có ý thức trách nhiệm công dân, lịch sự, giản dị trong ăn mặc, ứng xử có văn hóa nơi công cộng, v.v.

Không chỉ gương mẫu nói và làm những điều tốt mà đảng viên cần gương mẫu chống lại tất cả những thói hư, tật xấu, những tiêu cực trong gia đình, trong cơ quan và ngoài xã hội.

Ðể phát huy phẩm chất gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, đòi hỏi chúng ta phải biết phát huy mặt tích cực, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại mặt tiêu cực.

Hiện nay cán bộ, đảng viên nói chung giữ vững tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên cộng sản và phát huy được nhiều truyền thống quý báu của con người Việt Nam như:

Có lòng yêu nước, yêu nhân dân, tin yêu Ðảng, có ý thức xây dựng Ðảng, xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

Có tinh thần đoàn kết trong đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, tương thân, tương ái, sống nhân nghĩa, giàu lòng vị tha. Trong lao động cần cù chịu khó, dũng cảm, thông minh sáng tạo, ham học hỏi, cầu tiến bộ. Phát huy tinh thần truyền thống lạc quan, yêu đời, tự tin, tự trọng, tự lực cánh sinh. Giữ vững và phát huy những truyền thống quý báu của Ðảng và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới toàn diện sâu sắc trên mọi lĩnh vực, đặc biệt nước ta đã gia nhập WTO. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ chưa từng có đối với các đảng viên. Nhất là đảng viên làm kinh tế tư nhân, điều mà từ trước tới nay chưa từng có, nó tác động nhiều đến phương diện đạo đức và sự gương mẫu của người đảng viên.

Cơ chế kinh tế mới đòi hỏi người đảng viên phải năng động, nhạy bén trong mọi tình huống, phải có hiệu quả trong mọi hoạt động, dám đối mặt với mọi thách thức, dám đương đầu với mọi rủi ro. Làm kinh tế tư nhân, phải công khai minh bạch, phải cạnh tranh có văn hóa; cần sự thông minh, dũng cảm, sáng tạo, phải giữ chữ tín, phải biết chia sẻ, đồng cảm, kiên nhẫn và phải có cái tâm trong sáng, không lừa lọc, không dối trá; không chấp nhận sự chậm chạp, lề mề, càng xa lạ với thói ỷ lại, dựa dẫm, lười biếng...

Tất cả đảng viên hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay phải gương mẫu thực hành đạo đức mới, đạo đức do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, dày công xây dựng và thực hành làm gương. Ðảng viên phải gương mẫu nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ: Mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hằng ngày. Phải gương mẫu, kiên trì bền bỉ suốt đời, không đảng viên nào có thể chủ quan, tự mãn.

Bởi vì, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện có ác ở trong bản thân mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc, thấy cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục.

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.