Chim đầu đàn trên núi Pạc Bo

 Bài và ảnh: QUỐC HỒNG

Thứ Hai, 17/06/2013 18:40
LTS - Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, thiết thực góp phần thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, Báo Nhân Dân phối hợp Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), tiếp tục tổ chức cuộc thi viết về đề tài "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" lần thứ 3 (2013-2014). Sau một thời gian phát động, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được nhiều bài viết của bạn đọc, bạn viết trên cả nước.
Anh Lục Thượng Cường bên vườn ươm cây cao-su giống chịu lạnh.
Anh Lục Thượng Cường bên vườn ươm cây cao-su giống chịu lạnh.

Từ số báo hôm nay, chúng tôi lựa chọn, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những bài dự thi có chất lượng mà Ban Tổ chức vừa nhận được.

Ban Tổ chức cuộc thi rất mong bạn đọc, bạn viết trên cả nước tiếp tục gửi bài dự thi (kèm ảnh, dung lượng 1.000 đến 2.000 từ, chưa đăng trên các báo và tạp chí, ghi rõ địa chỉ và số điện thoại liên hệ) về một trong các ấn phẩm: Nhân Dân hằng ngày (Ban Xây dựng Ðảng, Email: xaydungdang@gmail.com, Fax: 04.39381837); Nhân Dân cuối tuần (Ban Nhân Dân cuối tuần, Email: nhandancuoituan@nhandan.org.vn); Nhân Dân điện tử (Ban Nhân Dân điện tử, Email: nhandandientu@nhandan.org.vn); Thời Nay (Ban Thời Nay, Email: thoinay@nhandan.org.vn); 71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

"Mình hỏi Lục Cường à? Nó tài nghĩ, giỏi làm, hay giúp đỡ mọi người nên được dân bản quý trọng lắm. Dân bầu nó làm Trưởng ban Mặt trận thôn Pạc Bo này hơn mười mùa rẫy rồi đấy, xứng đáng là chim đầu đàn đưa dân bản ta thoát nghèo" - Già làng Thào Sủ phả khói thuốc lào trắng sương bay, nói.

Ăn củ mài để khai hoang ruộng nước

Tôi lần theo địa chỉ, tìm đến căn nhà gỗ ba gian, nằm ngay ven con đường tuần tra biên giới vừa được mở rộng, láng nhựa đen bóng, chủ nhân đi vắng nên cửa đóng im lìm.

Hỏi thăm vào nhà  già làng Thào Sủ ở gần đó. Bên ấm trà Tuyết San xanh óng ngọt thơm, già làng kể về Lục Thượng Cường như người thân trong gia đình. "Ðang mùa chăm dứa, trồng cây có mủ (cao-su), nó ở trên lều nương cả tuần trăng đấy. Cán bộ muốn gặp nó thì để xe máy ở đây, đi bộ vào nương mới gặp được thôi" - già làng bảo thế.

Ðể xe lại nhà già làng, tôi cuốc bộ trên con đường đất mới mở còn trơn tuột sau trận mưa đêm, tìm đến lều nương của Lục Cường. Con đường này được người dân trong bản góp sức đốn cây rừng, bạt núi để nối thông từ Pạc Bo sang  vùng dứa Na Lốc 1, rút ngắn quãng đường được hơn 10 km, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Vượt qua con dốc cao, đã thấy trải dài tầm mắt cơ ngơi của Lục Cường trên núi Pạc Bo xanh ngăn ngắt một mầu dứa, cao-su, cây ăn quả. Chiếc lán nhỏ lọt thỏm trong mầu xanh bất tận đó.

Nhìn trang trại quy củ, trù phú, ít người biết rằng Lục Cường đã phải "nếm mật nằm gai", ăn củ mài  hai năm liền để khai hoang ruộng nước, đánh từng gốc cây, bẩy từng tảng đá hộc để cắm cây dứa lên đồi, đào từng cái hố trên núi cao để trồng cao-su.

Lục Cường vừa từ trên nương về, đôi giày bộ đội cao cổ bê bết đất đỏ, tận dụng mưa xuống, hai cha con tranh thủ lên núi trồng cao-su xen vào nương dứa đã bén rễ, đang lên xanh.

Ngồi giữa lều nương bộn bề thóc, ngô và phân bón, Lục Cường kể: Mình là con một, bố mẹ cứ bắt ở chung nhà, không cho ở riêng, lấy vợ có hai con rồi vẫn thế. Ở Na Pao đất chật người đông, không có đất sản xuất, trong khi ở Pạc Bo thì đất bỏ hoang nhiều, vì hiếm nguồn nước, lại sát biên giới còn sót nhiều vật liệu nổ sau chiến tranh nên không ai chịu đến ở. Không cam chịu nghèo đói, mình quyết chí đến Pạc Bo lập nghiệp. Ðến Pạc Bo với hai bàn tay trắng, vợ yếu con thơ, mình lên rừng đào củ mài ăn chống đói kỳ giáp hạt để cắt rừng tìm nguồn nước, rồi dồn sức khai hoang ruộng cấy lúa. "May mà ngày ấy, ở Pạc Bo này, dây củ mài mọc rất nhiều. Mình chọn dây to, củ nhiều, đào trước, còn thừa mang phơi khô cho vợ con ăn dần trong "tháng ba ngày tám" - Lục Cường bồi hồi nhớ lại.

Làm được ruộng nước, có gạo ăn rồi mới tính chuyện làm giàu. Mình bỏ ra hai vụ dứa, sang bên kia biên giới nước bạn làm thuê để học cách trồng dứa, trồng cao-su trên đồi cao cho quả to, ngọt, thơm; chọn giống cao-su chịu được lạnh, không bị chết rét. Hiện tại, mình đã có 500 gốc cao-su, loại sáu tuổi, chuẩn bị cho thu hoạch và gần 2.000 cây cao-su loại ba tuổi, trồng xen với dứa, đến khi khép tán thì thôi không trồng dứa nữa. Mình làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông để "lấy ngắn nuôi dài" mà. Còn về dứa, nhà mình thường xuyên trồng khoảng 

50 - 70 nghìn gốc, thu hoạch mỗi năm khoảng 30 - 40 tấn dứa quả, trị giá khoảng 150 - 170 triệu đồng. Ngoài ra, mình có khoảng năm tấn thóc, bốn tấn ngô, nuôi đàn trâu sáu con, đắp đập ngăn nước để thả cá nữa... Tổng thu hằng năm đạt khoảng 200 - 300 triệu đồng. Nhờ kinh tế khá giả, vợ chồng anh Lục Thượng Cường nuôi các con ăn học đầy đủ. Con trai cả Lục Văn Quý, là người Nùng đầu tiên ở Pạc Bo này tốt nghiệp đại học công nghệ thông tin Hà Nội, chuẩn bị nhận việc đi làm. "Mình thấy sướng nhất là con cái được học hành, để sau này có nghề nghiệp mà tiến bộ. Hoặc có ở địa phương làm ăn thì biết tính toán đỡ vất vả như mình ngày trước" - Lục Cường bộc bạch suy nghĩ của mình.

"Thuê nương" giúp dân xóa nghèo

Từ năm 2000, được nhân dân trong thôn bầu làm Trưởng ban công tác Mặt trận, Lục Cường luôn trăn trở làm sao để bà con phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Ban ngày thì lên nương rẫy, tối đến Lục Cường họp bản, tổ liên gia; đến từng nhóm hộ nghèo để vận động chuyển đổi sản xuất, cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, bảo vệ an ninh trật tự, đường biên mốc giới. Nghe Lục Cường tuyên truyền, vận động, người khó tính nhất bản cũng thông hiểu và tự nguyện tham gia, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; bài trừ hủ tục, giảm thách cưới, không làm đám ma kéo dài...

"Vậy anh có bí quyết gì để mọi người nghe, học tập và làm theo nghị quyết của chi bộ và Ban Mặt trận thôn"- tôi hỏi. Không đắn đo, Lục Cường trả lời gọn: "Mình nói cho mọi người hiểu và làm cho mọi người thấy. Làm cán bộ Mặt trận nói mà không làm, dân trong bản không tin thì việc khó thành lắm". Ví như chuyện giúp người nghèo làm ăn, mình phải phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả thì mới thuyết phục được người khác. Không chỉ bày cách, mà phải trực tiếp "ba cùng" với họ thì mới thu được kết quả. "Cụ thể như thế nào?" - tôi hỏi. Lục Cường nêu trường hợp gia đình Lý Cồ Dền, người Dao. Gia đình này nghèo nhất bản, do chồng lười lao động, vợ yếu, con lại đông, trong khi có diện tích nương đồi khá rộng bỏ hoang cho cỏ mọc. Lục Cường tìm đến hỏi thuê nương, nhưng anh không trả tiền ngay mà theo cách góp giống dứa, phân bón; nhà kia góp đất và công lao động. Anh còn cắt cử người con trai út thường xuyên có mặt kèm cặp, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái đúng thời vụ. Sản lượng dứa thu hoạch được chia đôi. Sau hai vụ dứa, khi nhà kia đã quen nếp làm ăn, anh trả nương lại cho gia chủ.

Bằng cách này, Trưởng ban Mặt trận Lục Cường đã giúp được hàng chục gia đình trong thôn Pạc Bo thoát nghèo bền vững, ví như nhà Lý Cồ Dền, Vàng Phổng, Ðặng Văn Phúc...

Ðến nay, toàn thôn Pạc Bo có tới 90% số hộ trồng dứa, với khoảng 70 ha, mỗi năm đem về nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho đồng bào Mông, Dao, Nùng, Giáy ở đây. Toàn thôn có hơn 60% số hộ giàu, có thu nhập 100 - 300 triệu đồng/năm. Lục Cường đang vận động bà con trồng cây cao-su và đi đầu trong việc tự học chiết ghép thành công giống cao-su chịu lạnh để cung ứng giống cho mọi người phát triển loại cây công nghiệp này, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Hiến đất làm mương, mở đường

Tôi thật bất ngờ khi được biết để mở con đường mới nối Pạc Bo với thôn Na Lốc 1 (mà tôi đã đi qua để đến nhà Lục Cường), vợ chồng anh đã hiến tặng hơn 3.000 m2 đất (có khả năng làm được ruộng nước vì đất khá bằng phẳng và có nguồn nước tưới dồi dào). "Mình làm đường cho vợ, con mình và bà con cùng đi; chở dứa, ngô, thóc... ra chợ Bản Lầu bán thuận tiện và được giá thì tốt lắm chứ, sao lại đòi tiền bồi thường?"- Lục Cường nói tự đáy lòng.

Thấy anh gương mẫu hiến đất không đòi tiền đền bù, những hộ còn chần chừ liền xung phong góp đất, góp công sức mở đường giao thông liên thôn ở Pạc Bo và xã Bản Lầu. Ðến cuối thôn Pạc Bo, tôi gặp vợ chồng nhà Vàng Dìn, anh bộc bạch: "Mình thấy Lục Cường hiến nhiều đất tốt thế, bao nhiêu công sức mới làm được mà không đòi xã đền bù thì mình cũng làm theo thôi. Mình không có đất để hiến tặng thì bảo vợ, con trai, con gái đóng góp công sức để phát cây, đào đất mở đường cùng đi. Bây giờ có đường to rồi, vui lắm". Ngoài việc mở đường, anh Lục Cường còn hiến tặng gần 2.000 m2 ruộng và chặt hàng chục cây vải, nhãn đang cho thu hoạch, để bà con đào con mương dài đưa nước từ núi Pạc Bo về cấy hai vụ lúa chắc ăn.

Không chỉ vậy, Trưởng ban Mặt trận Lục Cường còn rất giỏi trong việc hòa giải những bất đồng, xích mích nhỏ xảy ra trong thôn. Anh kể về chuyện hòa giải tranh chấp ranh giới đất nương do chồng lấn giữa hai hộ Lý Văn Lùng (70 tuổi) và Tráng A Pằng (42 tuổi), hay việc hiểu nhầm đòi đâm đơn ly hôn giữa hai vợ chồng Tẩn Văn Tú và Bàn Thị Phương... rất thấu tình đạt lý, được cả hai bên "tâm phục, khẩu phục".

"Làm Trưởng ban Mặt trận thôn như thế, anh có thấy vất vả không?" - tôi hỏi. Lục Cường nói nhanh: " Nếu thấy vất vả, tính toán thiệt hơn thì mình đã không làm. Cái chính là vì bà con đã tin tưởng thì mình phải làm cho tốt, hiệu quả thiết thực. Mình tâm niệm,   hãy cố gắng mỗi ngày làm một việc tốt vì cộng đồng".

Ở trụ sở UBND xã Bản Lầu, huyện Mường Khương khi nói về những tấm gương sáng trong việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của địa phương, Bí thư Ðảng ủy Ðỗ Duy Phiên cho biết, Trưởng ban công tác Mặt trận Lục Thượng Cường là một điển hình tiêu biểu. Không những thế, anh còn là đại biểu của tỉnh Lào Cai đi dự Hội nghị điển hình toàn quốc tại Hà Nội.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.