Ông Quân chăm sóc ao cá. |
Tấm giấy khen của huyện Trấn Yên treo trang trọng trên tường ghi rõ: Khen ông Ðặng Hồng Quân, Chủ tịch làng văn hóa Khe Ðát, xã Tân Ðồng, vì có thành tích xây dựng làng văn hóa. Ðiều đó khẳng định người cầm "cái" phải uy tín và vận dụng tốt lời dạy của Bác Hồ. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.
Ở cái làng 100% đồng bào Dao quần trắng với gần 400 nhân khẩu quần tụ dưới chân núi Ðèo Thao và Chóp Dù, thì mọi việc lớn, bé đều có mặt của ông Quân từ góp ý kiến đến hỗ trợ vật chất. Ấy là cái tình, cái lý của đồng bào vẫn gắn chặt trong tâm khảm người lính già sau nhiều năm chinh chiến nay trở về đời thường: phải làm bất cứ điều gì, miễn là có ích cho dân bản.
Nhớ lại ngày này cách đây hơn mười năm, Khe Ðát chưa có điện lưới vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu tăm tối. Nhiều đêm về phép với gia đình, nằm suy nghĩ phải làm sao giúp dân mình đỡ khổ, cả đời mình đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là để có cuộc sống tự do, con em được đến trường, mọi người có cơm ăn, áo mặc, mà sao quê mình vẫn còn khốn khó. Nên ông dùng tiền tiết kiệm hơn mười triệu đồng và vận động thêm một số hộ khá hơn trong làng đóng góp vật liệu, nhân công đào chôn cột tre để kéo đường điện dài gần ba km từ đường trục về làng.
Có điện, người dân được xem ti-vi, lại có cái quạt mát thay cho quạt tay bằng lá cọ khi trời hè. Một số hộ còn sắm được máy xay xát, người trong làng không phải hàng đêm giã gạo bằng chân nữa.
Thấy trẻ nhỏ nhà mình và hàng xóm thường đau bụng, đau mắt đỏ, thậm chí có người bị bướu cổ do dùng nước lần (nước khe suối được dẫn qua máng tre về nhà) vì trâu bò thả rông thường đằm bùn và thải phân gây ra, sẵn kiến thức của người lính pháo binh, ông Quân dùng la bàn và kinh nghiệm căn chuẩn tọa độ, đường dẫn, độ chênh cao, áp lực nước... để đắp đầu nguồn chảy ra từ khe đá, rồi dẫn bằng đường ống về nhà sử dụng.
Có nước sạch, gia đình đào ao nuôi cá các loại, xây bể nuôi cá trê phi, tôm càng xanh bảo đảm nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Khách đến, không phải ra chợ, chỉ cần cầm cần ra ao chọn loại cá mà thả mồi, ắt hẳn sẽ có món chép om dưa, trê ướp hạt xẻn nướng trên than hoa, rô phi rán ròn thưởng thức.
Có nước về, ông nghĩ cách và vận động vợ con tham gia khai hoang ruộng bậc thang trồng lúa, mấy mùa liên tục đều cho thu hoạch tốt. Thấy gia đình ông làm được, hơn 30 hộ trong làng cùng học hỏi làm theo. Thế là mỗi hộ có thêm từ ba đến năm sào lúa nước, giải quyết dứt điểm được cái đói kinh niên vốn đeo đẳng bà con bấy lâu, không phải lo gạo ăn mỗi khi tháng ba ngày tám nữa.
Trưởng thôn Lý Văn Sỹ cho biết: Khe Ðát có 92 hộ người Dao, thuộc diện đặc biệt khó khăn được Nhà nước đầu tư theo chương trình 135 nên đến nay từng bước khởi sắc. Hiện làng có nhà văn hóa thôn ba gian hai trái, rộng hơn 200 m2, đủ chỗ cho bà con hội họp, nhưng có được điều ấy phải nhờ đến công lớn của bác Quân hiến 1.200 m2 đất mới có chỗ dựng đấy. Nói về điều này, trưởng thôn Sỹ nói lên một sự thật là nếu quy ra tiền mặt thì khu đất ấy trị giá cả trăm triệu đồng; nhờ có nhà văn hóa mà vào dịp lễ hội cầu mùa, lễ cấp sắc lại điệu hát giao duyên, các trò chơi thể thao truyền thống dân tộc như bắn nỏ, kéo co thu hút mọi người trong làng vui vẻ sau những ngày lao động mệt nhọc trên đồng.
Ngay như con đường giao thông nông thôn mới mở theo phương án 40-60 (Nhà nước hỗ trợ 60%, nhân dân đóng góp 40%), dân mình nghèo, lấy gì đóng góp đây là phải nghĩ thật kỹ, rồi từng đêm bên bếp lửa, hút thuốc lào tóp cả má để bàn với từng hộ dân cách làm đường. Thế là phương án chia nhỏ khoản đóng góp theo mùa vụ được mọi người ủng hộ góp. Rồi lại phát sinh việc vướng mấy ao cá, hàng rào nằm trong tuyến đường đi qua phải xử lý ra sao.
Không ngần ngại, ông Quân bàn với vợ tự nguyện phá 20 m rào, hiến thêm hơn 50 m2 đất ở để làm đường. Thấy ông làm trước, các hộ Ðặng Thị Nhầm, Lâm Văn Minh, Bàn Văn Hiền... tháo nước ở ao bắt cá để hiến đất làm đường giao thông nông thôn mà không đòi hỏi tiền đền bù. Cũng phải nói thêm rằng, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cách làng Khe Ðát có con sông Hồng, người dân bị ảnh hưởng được hỗ trợ đền bù cả trăm triệu đồng, thì việc tự nguyện hiến đất ở làng người Dao nơi đây thật trân trọng.
Bí thư Huyện ủy Trấn Yên Triệu Tiến Thịnh khẳng định: Ðảng viên Ðặng Hồng Quân là một tấm gương sáng trong việc vận động quần chúng thực hiện đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước, các hương ước của làng xã. Xuất thân từ người nông dân dân tộc vùng cao đi đánh giặc cứu nước, nay trở về làng đồng chí vẫn giữ vững bản lĩnh, gương mẫu cùng gia đình giúp người trong làng vươn lên xóa đói nghèo, có nhiều việc làm tốt điển hình được cộng đồng ghi nhận và làm theo. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được đồng chí Quân vận dụng sáng tạo, hiệu quả, đem lại sự tin yêu của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao với Ðảng, với chính quyền và thật sự nêu gương cho mọi người noi theo.