Chuyện của Ðại úy Công an thế hệ 8x

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ ANH ÐÀO

Thứ Hai, 30/07/2012 18:51
Trong ngần ấy năm công tác ở  một địa bàn phức tạp, là phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Ðà Nẵng), Ðại úy Nguyễn Công Hà luôn cố gắng hết mình vì công việc. Những thành quả gặt hái được, với đồng chí, đó là những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho tương lai lâu dài. Còn hiện tại, với sức trẻ, đồng chí xác định phải phấn đấu và cống hiến hết mình vì nhân dân phục vụ. 
Ðại úy Nguyễn Công Hà (người thứ hai từ phải sang) cùng các đại biểu tại Ðại hội thi đua Vì an ninh Tổ quốc.
Ðại úy Nguyễn Công Hà (người thứ hai từ phải sang) cùng các đại biểu tại Ðại hội thi đua Vì an ninh Tổ quốc.

Bài học gần dân và giữ lửa yêu ngh

Ðại úy Nguyễn Công Hà, sinh năm 1980, hiện là Phó Trưởng Công an phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Ðà Nẵng. Sinh ra và lớn lên trên vùng quê ngoại ô Ðà Nẵng ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Ðà Nẵng, từ bé, Hà đã sớm vun đắp ước mơ trở thành một cảnh sát, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho người thân trong gia đình và xóm, làng. Năm 2000, Hà tốt nghiệp Trường Trung học Cảnh sát nhân dân, về nhận công tác tại Công an phường Hòa Minh với nhiệm vụ được giao là cảnh sát khu vực.

Những ngày đầu mới về địa bàn này, Hà đã gặp không ít khó khăn, vì đây là địa bàn rộng, đông dân cư và đây cũng là địa bàn phức tạp nhất của quận Liên Chiểu và cả TP Ðà Nẵng. Ðến nay, khi đã nắm giữ một vị trí trọng trách tại Công an phường Hòa Minh, anh vẫn thầm cảm ơn những ngày đầu về đây công tác. Ðại úy Hà tâm sự:

- Hồi đó, khi về nhận nhiệm vụ tại phường, lúc đầu tôi bối rối và cái gì cũng mới. Ðây lại là địa bàn có bến xe, dân cư nhiều thành phần. Nhưng đúng là trăm nghe không bằng một thấy, khi đã vào cuộc và tiếp cận địa bàn bằng cách lắng nghe, tôi đã tự rút ra cho bản thân nhiều bài học quý. Giờ nhớ lại, vẫn cảm ơn những ngày làm cảnh sát khu vực.

- Nếu bây giờ được chọn lựa lại một lần nữa về công việc, anh có chọn nghề cảnh sát? Tôi hỏi anh.

- Dù khó khăn mấy tôi cũng cứ chọn nghề này. Khi còn tuổi trẻ, nếu đã chọn lựa nghề nghiệp đúng hướng, chúng ta nên chăm chút cho nghề và không quản ngại gian khó. Tuổi trẻ phải được tôi rèn trong khó khăn, có gian khó mới có ngày thành công.

Câu trả lời khẳng khái của Hà làm tôi tin, dù ở cương vị nào, anh vẫn giữ được phẩm chất của một người Chiến sĩ công an nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

Từ một cảnh sát khu vực, rồi cảnh sát trực ban hình sự và bây giờ là Phó Trưởng Công an phường, chỉ điểm qua bảng thành tích "đặc biệt" của Hà, cũng đủ nhìn nhận những nỗ lực không ngừng của anh trong hơn 12 năm: Ðại úy Hà vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba (2011); Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba (2006); Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì (2010); Bộ Công an tặng hai Bằng khen về thành tích Học tập Sáu điều Bác Hồ dạy đối với Công an nhân dân (2003 - 2008); 12 năm liền là Chiến sĩ tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở; Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân. Năm 2005, được tham dự Hội nghị điển hình tiên tiến năm năm phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" Công an TP Ðà Nẵng, là một trong ba đại biểu Thanh niên Công an TP Ðà Nẵng tham dự Hội nghị tiên tiến toàn lực lượng Công an nhân dân Học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy; được T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng danh hiệu Thanh niên tiên tiến toàn quốc; là một trong 20 đại biểu của Bộ Công an tham dự Ðại hội tài năng trẻ toàn quốc tại Hà Nội; Ban Tuyên giáo T.Ư tuyên dương tại giao lưu gặp mặt các gương điển hình trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" khu vực miền trung, Tây Nguyên; tặng giải thưởng "Gương mặt trẻ Công an Ðà Nẵng xuất sắc tiêu biểu năm 2011"...

Nhưng với anh, phần thưởng cao quý nhất mà anh nhận được cho đến bây giờ là niềm tin người dân khu vực đã dành trọn cho anh, giúp anh vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tôi hỏi anh, kỷ niệm nhớ nhất trong 12 năm qua là gì? Anh không đắn đo khi kể về những lần cùng anh em đồng đội truy bắt các đối tượng truy nã đặc biệt. Ðó là những ngày làm việc hết mình, quên thời gian, quên gia đình. Biết cách quản lý tốt địa bàn và đối tượng, thường xuyên thăm hỏi, động viên, tìm cách tiếp cận với đối tượng để giáo dục, cảm hóa. Cái khó nhất của một cảnh sát khu vực là phải hiểu rõ khu vực mình làm việc có những điểm nào nóng và "nóng khác thường".

Cũng từ tính cẩn trọng và nhiệt tâm với công việc, mà anh không ngừng nỗ lực để làm tốt nhất nhiệm vụ được giao. Anh đã trực tiếp tham gia bắt 18 đối tượng truy nã, vận động hai đối tượng bị truy nã ra đầu thú.

Bây giờ trên địa bàn phường, hầu như người dân ở tổ dân phố nào cũng biết anh, vì "tôi có thói quen làm tới đâu cũng tìm cách làm quen, trao đổi, tìm hiểu thông tin, mạnh dạn cho người dân số điện thoại di động để qua đó, họ gọi trao đổi, cấp báo tình hình khi cần thiết. Chính vì thế mà trong công việc, tôi đã cắm được một số nguồn tin tin cậy từ người dân", Ðại úy Hà khẳng định.

... Cưới được vợ nhờ làm cảnh sát khu vực

Bây giờ thì Ðại úy Hà đã có một tổ ấm với vợ hiền và hai cô con gái xinh ngoan học giỏi. Cô con gái lớn học lớp 5, cô con gái nhỏ học lớp 3.

Chị Hồ Thị Minh Lập, vợ Ðại úy Hà kể rằng, cái duyên trăm năm của vợ chồng anh chị là "nhờ anh Hà làm cảnh sát khu vực, gặp em rồi tụi em yêu nhau bao giờ không rõ". Cái mối duyên đó, là năm 2002, khi Hà còn là cảnh sát khu vực của phường, trong một lần đi kiểm tra tạm trú, tạm vắng đã phát hiện Minh Lập chưa đăng ký tạm trú tạm vắng mà lại ở cùng nhà với một bạn gái đang làm công nhân ở Ðà Nẵng.

Lần đó, sau khi kiểm tra thủ tục giấy tờ, Hà đã mời Lập về Công an phường "lập biên bản" xử phạt. "Ðúng là hồi đó mới vào nghề, làm gì cũng hăng hái và nguyên tắc". Sau lần ấy, cô giáo viên nhạc tương lai đã quyết định rời xa giấc mơ đứng lớp, ổn định cuộc sống mới với vô vàn khó khăn trên đất Ðà Nẵng. "Hồi đó lương anh Hà được 420 nghìn đồng/tháng. Mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào chừng đó. Vợ chồng em thuê trọ, rồi mở một quán cà-phê cóc để bán. Sau giờ làm việc, anh Hà về cùng vợ chạy bàn bán cà-phê. Nhưng chính những lúc vất vả như vậy mà giờ hạnh phúc gia đình em lại trọn vẹn", chị Lập nhớ lại.

Năm 2007, chị Lập xin được vào làm công nhân nhà máy nhựa, những tưởng cuộc sống vợ chồng đỡ vất vả hơn, nhưng rồi thời gian làm việc tăng ca liên tục, hai đứa con nhỏ gửi nhà trẻ không ai đón đưa, chồng bận làm việc cả ngày, Lập lại phải nghỉ việc giữa chừng.

Ðến năm 2010, trong một lần lãnh đạo Công an TP Ðà Nẵng về thăm đơn vị, khi được hỏi về những khó khăn, Hà chỉ có một băn khoăn là giờ vợ thất nghiệp, bởi vậy chỉ mong sao kiếm được một việc làm ổn định. Hiện tại, chị Lập đang làm cấp dưỡng, chăm lo từng bữa cơm hằng ngày cho anh em trong đơn vị Hà. Anh nói, từ ngày vợ có việc làm, nhà có nhiều tiếng cười hơn, anh cũng được sẻ chia trọn vẹn trong công việc và cuộc sống.

Ðối với một cán bộ trẻ thế hệ 8X như Ðại úy Nguyễn Công Hà, được làm việc và cống hiến cho sự nghiệp là một hạnh phúc. Anh tâm niệm rằng, học ở Bác Hồ thì mình không thể học bằng lời nói, mà phải thể hiện bằng việc làm cụ thể. Ðối với chiến sĩ Công an nhân dân, đó là sự tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân, mang lại bình yên cho cuộc sống. Ðó là bài học cao quý nhất mà anh học được từ Bác Hồ để không ngừng phấn đấu, trưởng thành.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.