Chuyện “ngân hàng” giúp nhiều nông dân thoát nghèo

Bài, ảnh: HOÀNG TRUNG

Thứ Ba, 11/12/2018 04:47
Khởi nghiệp từ nghèo khó, khi làm ăn khấm khá, ông Huỳnh Văn Đẹt, ngụ ấp Phú Lợi Thượng, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) nghĩ cách giúp nông dân nghèo bằng việc cho mượn tiền mua bò giống không tính lãi. Từ đó, “ngân hàng bò” của ông đã hỗ trợ 170 lượt bò giống với số tiền hơn hai tỷ đồng, giúp nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Nhiều hộ nông dân đã có vốn, phát triển chăn nuôi nhờ sự giúp đỡ của "ngân hàng bò".
Nhiều hộ nông dân đã có vốn, phát triển chăn nuôi nhờ sự giúp đỡ của "ngân hàng bò".

Cách đây gần 30 năm, ông Đẹt lập gia đình, được cha mẹ cho một công đất cất nhà ở rồi đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Lúc đó, cuộc sống nghèo khó ông Đẹt phải đi làm thuê để nuôi sống gia đình và lo cho ba đứa con ăn học. Mới lập gia đình chỉ còn đôi bông tai của vợ khoảng một chỉ vàng, ông Đẹt bàn với vợ bán lấy tiền mua một con bò giống về nuôi. Nhờ chăm chỉ chăn nuôi, số lượng bò ngày càng tăng, ông bán bò giống cho những hộ chung quanh rồi mua lại bò thịt, giết mổ, bán tại chợ nên cuộc sống ngày càng khấm khá.

Khi kinh tế đã ổn định, ông Đẹt nghĩ đến chuyện giúp những hộ dân nghèo khó như mình lúc trước. Cách đây khoảng 5 năm, ông Đẹt mua bò thịt của một hộ dân trong xã, tình cờ nghe người chủ bò than do vay vốn bên ngoài, phải trả lãi nên bán bò không còn lời sau gần hai năm tốn công chăm sóc. Lúc đó, ông Đẹt ngỏ ý muốn cho mượn tiền không tính lãi để người nông dân này mua bò giống về tiếp tục chăn nuôi. Từ đó, người này giới thiệu người kia, số nông dân đến nhờ ông giúp đỡ ngày càng nhiều. Trung bình, mỗi con bò giống giá 15 triệu đồng, ông Đẹt cho mượn đến khi nông dân bán bò thịt sẽ trả tiền gốc để ông tiếp tục cho người khác mượn. Tiêu chí để ông cho mượn tiền mua bò giống rất đơn giản chỉ cần là hộ kinh tế khó khăn, siêng năng làm ăn, mà không cần có giấy tờ hay tài sản gì thế chấp. Đến nay, “ngân hàng bò” của ông đã cho mượn 170 lượt bò giống, với số tiền hơn hai tỷ đồng mà không tính lãi đồng nào.

Gia đình ông Lê Văn Vui, sinh năm 1966 (ngụ xã An Định) vượt qua khó khăn cũng nhờ sự giúp đỡ bò giống của ông Đẹt. Trước đây, gia đình ông Vui chỉ có 1.400 m2 đất, thu nhập chủ yếu là làm thuê, làm mướn cho nên thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Khi đó, ông Đẹt cho mượn 30 triệu đồng để mua hai con bò con về nuôi. Ông Vui cho biết: “Trung bình mỗi con bò giống giá 15 triệu đồng, gia đình tôi nuôi gần hai năm bán bò thịt được khoảng 35 triệu đồng. Do mượn tiền mua bò giống không tính lãi nên gia đình thu lời và tích góp để mua thêm đất, có vốn làm ăn. Nếu không có ông Đẹt cho mượn vốn không biết bao giờ gia đình tôi mới thoát nghèo”. Hiện tại, gia đình ông Vui đã mua thêm được 1.700 m2 đất và đang xây dựng căn nhà tường kiên cố thay căn nhà lá xập xệ trước đây.

Câu chuyện ông Đẹt giúp gia đình ông Nguyễn Văn Nhan (ngụ ấp 4, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam) chẳng khác “ông Bụt” xuất hiện đúng lúc giúp đỡ người khốn khó. Cách đây khoảng bốn năm, ông Đẹt đến mua bò của người trong xóm nơi ông Nhan cư ngụ, thấy gia cảnh khó khăn nên ông cho mượn vốn để hộ dân này tiếp tục chăn nuôi. Khi nghe người hàng xóm kể lại, vợ chồng ông Nhan hỏi thăm đường để đến tận nhà ông Đẹt nhờ giúp đỡ. Dù không hề quen biết và ở khác xã nhưng ông Đẹt vẫn cho mượn tiền để ông Nhan mua hai con bò giống đem về nuôi. Nói về việc làm của ông Đẹt, ông Nhan cho biết: Lúc đó gia đình tôi thật sự rất khó khăn khi chỉ làm thuê, làm mướn mà còn phải nuôi đứa con đang đi học. Ông Đẹt thật sự là ân nhân đã giúp đỡ gia đình tôi vượt qua khó khăn. Bây giờ, kinh tế gia đình tạm ổn khi con tôi đã học xong và ra trường, có việc làm ổn định đều nhờ sự giúp đỡ của ông Đẹt.

Đến nay, ông Đẹt đã phối hợp cùng Hội Nông dân, UBND xã An Định giúp đỡ gần 100 lượt bò giống cho nông dân trong xã chăn nuôi, trong đó có 30 hộ nông dân đã thoát nghèo. Ngoài ra ông Đẹt còn giúp nhiều nông dân ở các xã chung quanh thoát nghèo. Chủ tịch UBND xã An Định Lương Văn Phong nhận xét: Gia đình ông Đẹt rất cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất. Từ nghèo khó gia đình đã phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi bò và trở thành hộ khá giả. Khi khấm khá, ông sẵn sàng giúp đỡ những nông dân nghèo khó bằng việc cho mượn tiền mua bò giống mà không tính lãi. Việc làm của ông hết sức ý nghĩa, giúp nhiều nông dân nghèo trong xã và các xã lân cận thoát nghèo. Với những đóng góp tích cực cho xã hội, ông Đẹt được UBND huyện Mỏ Cày Nam tặng giấy khen cá nhân tiêu biểu vào năm 2016; đến năm 2017 được tặng giấy khen gia đình tiêu biểu và giấy khen biểu dương gương điển hình tiêu biểu qua hai năm Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của UBND huyện Mỏ Cày Nam. Ngoài ra, ông còn được tặng nhiều giấy khen của các ngành do có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng cầu, đường ở nông thôn...

Căn nhà cấp bốn của gia đình ông Đẹt ở sâu trong vườn dừa được xây tường, lợp tôn như bao căn nhà bình thường khác tại vùng quê này. Nhiều người đến thăm không khỏi ngỡ ngàng vì gia cảnh hết sức bình thường nhưng ông lại có tấm lòng nhân ái sẵn sàng giúp đỡ người nghèo. Ông tâm sự: Học theo Bác, mình suy nghĩ hết sức đơn giản là thấy việc nào có ích cho xã hội thì làm bằng tất cả tấm lòng của mình. Trước đây, gia đình tôi khởi nghiệp từ nghèo khó, bây giờ mình khấm khá nên giúp đỡ những nông dân nghèo để họ mua con giống, phát triển chăn nuôi nhằm thoát nghèo.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.