Chuyện người Anh hùng xứ Dừa

Bài và ảnh: HOÀNG TRUNG

Thứ Ba, 24/07/2018 09:47
Người dân Bến Tre trìu mến gọi Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Trịnh Văn Y với cái tên thân thương là “Ông Hai cầu đường”. Suốt 17 năm qua, ông đã vận động xây gần 2.000 cây cầu và hàng trăm ki-lô-mét đường bê-tông.
Ông Trịnh Văn Y (thứ ba từ bên trái) cùng các nhà tài trợ khánh thành cầu nông thôn tại Bến Tre.
Ông Trịnh Văn Y (thứ ba từ bên trái) cùng các nhà tài trợ khánh thành cầu nông thôn tại Bến Tre.

Ông Trịnh Văn Y, sinh năm 1942, tại xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm. Trước đây, ông từng là cán bộ từ cấp xã, huyện, từ năm 1992 đến 2001 ông giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre. Bởi vậy, ông thấu hiểu những khó khăn, vất vả trong việc đi lại của người dân nông thôn với những cây cầu khỉ (cầu tạm bắc qua sông bằng tre, gỗ) nguy hiểm, trẻ em bị chết đuối do ngã sông, lật đò.

Ông tâm sự: “Lúc còn đương chức, phong trào làm đường, xây cầu cũng được tập trung quyết liệt, nhưng tỉnh còn nghèo; nhiều ốc đảo lớn, nhỏ bắt buộc phải đi cầu khỉ, đò ngang. Nghĩ lại, mình cảm thấy còn nợ dân nên quyết tâm vận động xây cầu, làm đường nông thôn giúp bà con đi lại thuận tiện”. Từ đó, ông phối hợp Sở Giao thông vận tải tỉnh Bến Tre thành lập Hội Khoa học - kỹ thuật Cầu đường Bến Tre và ông được bầu làm Chủ tịch Hội. Lúc mới thành lập, Hội Khoa học - kỹ thuật Cầu đường Bến Tre chỉ có 43 hội viên, nay đã lên gần 500 người và hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự giác và tự lực về kinh phí. Để hoạt động hiệu quả, ông thành lập Trung tâm tư vấn cầu đường để tư vấn xóa cầu khỉ, cầu tạm nhằm tìm nguồn và hỗ trợ kinh phí cho Hội hoạt động.

Suốt 17 năm ròng rã, thay vì nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu, ông Trịnh Văn Y lại đi khắp các vùng quê khảo sát, vận động kinh phí để xóa cầu khỉ, làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, ông vận động được hơn 500 tỷ đồng, xây dựng gần 2.000 cây cầu bê-tông và hơn 400 km đường giao thông nông thôn. Nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện trong nước và nước ngoài tìm đến ông để bàn việc tài trợ kinh phí xây dựng cầu, đường nông thôn như: Quỹ Schmitz (Cộng hòa Liên bang Đức) tài trợ số tiền tương đương 15 tỷ đồng; ông Tô-ni (nhà từ thiện người Thụy Sĩ) tài trợ 25 tỷ đồng, xây được 48 cây cầu; bà Trần Thị An Nghiên (Việt kiều Mỹ) giúp 1,8 tỷ đồng xây sáu cầu và 8 km đường bê-tông nông thôn; bà Võ Thị Bon (Việt kiều Mỹ) giúp 3,378 tỷ đồng xây 52 cầu, 6,5 km đường và 10 nhà tình thương… Ngoài ra, ông cùng Hội Khoa học - kỹ thuật Cầu đường tỉnh Bến Tre tư vấn kỹ thuật, vận động kinh phí xây dựng gần 200 công trình cầu, đường ở các tỉnh như: Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bình Dương, Bình Phước, Ninh Bình, Thanh Hóa...

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông là người khởi xướng chương trình “Vận động, hỗ trợ giao thông nông thôn” để cùng chính quyền ấp, xã vận động nhân dân đóng góp làm đường bê-tông ở nông thôn đạt hiệu quả cao. Hiện tại, cầu khỉ, cầu tạm trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được xóa, ông đang thực hiện sáng kiến bảo trì giao thông nông thôn dựa vào cộng đồng dân cư ở ấp, xã. Phong trào duy tu, sửa chữa cầu, đường phục vụ đi lại an toàn, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới đang được nhân rộng trong toàn tỉnh. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2009.

Ông là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông cùng gia đình hiến 500 m2 đất vườn để mở đường mới từ tỉnh lộ 887 vào trung tâm xã Lương Phú (huyện Giồng Trôm). Ông Trịnh Văn Y cho rằng: “Học tập Bác, mình học đức tính cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí trong nội bộ. Quan trọng nhất là lo cho dân, vì sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Đã là cán bộ đảng viên, mình phải đi đầu lo cuộc sống cho dân với tất cả khả năng của mình”. Trong việc vận động xây cầu, làm đường, ông luôn công khai, minh bạch với quyết tâm “Một đồng tiền hỗ trợ cho dân cũng không mất” cho nên đã tạo được uy tín để các nhà hảo tâm tin tưởng, mạnh dạn đóng góp.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre Nguyễn Hữu Thọ cho biết: “Ông Trịnh Văn Y là gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp Trung ương và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vào năm 2016. Từ đó đến nay, ông đã có những thành tích xuất sắc trong vận động xây dựng cầu, đường nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”. Với những đóng góp to lớn cho xã hội, năm 2018, ông là cá nhân tiêu biểu được Trung ương chọn để biểu dương, tôn vinh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2018).

Ở tuổi 76, dù sức khỏe đã yếu nhưng ông vẫn quyết tâm dành những năm tháng còn lại để lo cho dân, lo cho sự phát triển của địa phương. Ông tâm sự: “Tôi vẫn làm công việc này, bạc đầu cũng chưa thôi, mà đến khi nào không đi được nữa mới thôi. Bây giờ cầu khỉ đã cơ bản xóa thì sẽ tiếp tục duy tu, bảo dưỡng hoặc thay thế để nhân dân đi lại an toàn và cũng là để tôi trả món nợ ân tình với người dân, với quê hương”.

Tin liên quan

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Mấy ngày qua, nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Vĩnh Lợi đến viếng, thắp hương, báo công với Bác Hồ tại Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các giai đoạn trước.
 Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Mùa Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ có Thơ mừng năm mới gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, trong đó Người viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Đó là mùa xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội III (tháng 9/1960) của Đảng, đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc vì cuộc sống ấm no, sung sướng, hạnh phúc của nhân dân.