Chuyện về một người nuôi tôm giỏi

Bài và ảnh: TRỌNG DUY

Thứ Tư, 19/12/2012 18:31
Những ngày cuối năm, tôi đến thăm anh Lê Anh Xuân, ở xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu), người được nhiều nông dân quý mến gọi là "vua tôm đồng bằng", "bác sĩ tôm". Vượt khó vươn lên trở thành tỷ phú, anh Xuân có nhiều nghĩa cử cao đẹp, ủng hộ giúp đỡ người nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Anh Xuân (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu mô hình nuôi tôm sú cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Xuân (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu mô hình nuôi tôm sú cho hiệu quả kinh tế cao.

Ý chí vượt khó

"Bác sĩ tôm" Lê Anh Xuân có vóc người nhỏ nhắn, năng động, cởi mở và tính quyết đoán cao. Anh hiện là Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh, gọi tắt Công ty Trúc Anh, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu).

Lê Anh Xuân sinh năm 1976, trong một gia đình nông dân nghèo ở Thanh Hóa. Tốt nghiệp Trường đại học Thủy sản Nha Trang năm 1999, anh quyết định làm cuộc "nam tiến" về Bạc Liêu - vùng đất đang có phong trào nuôi tôm sú công nghiệp và bán công nghiệp lớn của cả nước.

Ðầu năm 2003, Xuân đến xã ven biển Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, thuê 7.600 m2 đất để nuôi tôm sú công nghiệp, khi đó trong túi Xuân chỉ có... 200.000 đồng (tiền thuê đất trả sau). Ai cũng cho rằng Xuân quá liều khi dám đánh cược với con tôm, bởi khi ấy không ít người nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long lâm vào cảnh điêu đứng, hàng chục nghìn héc-ta tôm chết trắng nhiều năm nên bị bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm. Không ít "đại gia" nuôi tôm cũng phải "bỏ của chạy lấy người". Với Xuân thì không, vụ nuôi tôm đầu tiên anh thắng lớn, với bốn ao nuôi tôm, anh thu được hơn 4,6 tấn, tôm đạt kích cỡ bình quân 25 con/kg, nhờ bán được giá cao, thu lãi ròng gần 500 triệu đồng, dư trả toàn bộ tiền thuê đất theo hợp đồng năm năm và tạo đà thuận lợi cho Xuân tiếp tục thực hiện khát vọng cháy bỏng tự lập thân, lập nghiệp.

Xuân khẳng định: Thành công của tôi trong nuôi tôm sú là nhờ áp dụng quy trình nuôi tôm sạch kể từ ngày thả giống đến lúc thu hoạch. Sau nhiều vụ nuôi tôm bất bại, thấy kỹ sư Lê Anh Xuân nuôi tôm đều trúng đậm, nhiều nông dân trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã kéo đến tận vuông tôm để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm. Xuân không ngần ngại "truyền" bí quyết giúp nhiều người thắng lớn. Những lúc trái gió trở trời, tôm nuôi của bà con đổ bệnh... đều được anh trực tiếp hướng dẫn rất tận tình, không nhận một đồng thù lao của ai.

"Vua" tôm đồng bằng

Khởi đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng nay Lê Anh  Xuân đã có trong tay một công ty lớn chuyên sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ trong nuôi tôm với hàng chục đại lý khắp các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền trung. Doanh thu mỗi năm của công ty đạt hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, anh Xuân còn có hơn 20 ha nuôi tôm công nghiệp, mỗi năm nuôi hai vụ, đạt sản lượng hơn 80 tấn, doanh thu 5- 6 tỷ đồng.

Không chỉ làm giàu cho mình, Xuân còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 60 lao động, với mức thu nhập từ 3 đến 7 triệu đồng/tháng (tùy theo trình độ năng lực, sự cống hiến của từng người). Phần lớn họ là kỹ sư vừa trực tiếp nuôi tôm, phụ trách kinh doanh ở các đại lý, đồng thời thường xuyên tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm miễn phí cho bà con trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Các lao động làm việc tại công ty được anh Xuân mua đầy đủ các loại bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, y tế, tai nạn và thất nghiệp. Trong công ty có Chi đoàn thanh niên, Công đoàn để chăm lo đời sống, tinh thần cho người lao động. Bản thân anh Xuân cũng là một đảng viên luôn gương mẫu, đang sinh hoạt tại Chi bộ ấp Công Ðiền, thuộc Ðảng bộ xã Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu).

Với những thành tích xuất sắc, kỹ sư Lê Anh Xuân đã vinh dự nhận nhiều phần thưởng. Năm 2009, anh nhận Cúp Vàng của Bộ Khoa học - Công nghệ và Cúp Vàng của Bộ Thủy sản Việt Nam về sản phẩm chất lượng cao. Năm 2010 anh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao giải "Vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn"; được Trung ương Ðoàn tặng "Giải thưởng Lương Ðịnh Của"...

Cũng trong năm 2010, Lê Anh Xuân vinh dự được đi dự Hội nghị toàn quốc "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác Hồ" lần thứ II và tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động "Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác", do Trung ương Ðoàn tổ chức.

Xuân tâm sự: "Ngay từ khi tốt nghiệp đại học ra trường, tôi đã luôn xác định cho mình mục tiêu và ý chí phấn đấu cao, quyết không cam chịu nghèo hèn. Trao đổi với tôi về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Xuân cho rằng, học ở Bác không phải học những gì cao siêu mà học và làm từ những gì gần gũi quanh mình, trong công việc. Hướng dẫn nhiều hộ dân địa phương kỹ thuật nuôi tôm, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, trợ giúp những trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh... cũng là học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ một cách cụ thể, thiết thực...".

Ân nhân của nhiều người nghèo

Không chỉ làm ăn thành đạt, Lê Anh Xuân còn nổi tiếng trong tỉnh về tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp ủng hộ, giúp đỡ người nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Không ít người nghèo coi vợ chồng anh Xuân là ân nhân của họ.

Lê Anh Xuân tâm sự: Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, ở vùng nông thôn nghèo Thanh Hóa, nên tôi luôn thấu hiểu nỗi khổ và nguyện vọng của những người nghèo. Ðặc biệt, sau khi dự Hội nghị toàn quốc Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác Hồ lần thứ II và tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động "Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác", tôi càng ý thức cao hơn về trách nhiệm của mình, nhận thức rõ hơn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là việc làm vô cùng có ý nghĩa. Vì vậy, năm 2011, Công ty Trúc Anh đóng góp hơn 1,8 tỷ đồng vào quỹ An sinh xã hội và giúp đỡ nhiều hộ nghèo ở địa phương.

Nhiều năm trước đó, mỗi năm Công ty ủng hộ Quỹ an sinh xã hội và giúp hộ nghèo trong tỉnh từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng. Ðặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Công ty Trúc Anh đã thành lập quỹ mang tên "Trúc Anh Vàng" giúp đỡ 10 học sinh nghèo học giỏi, mỗi em năm triệu đồng một năm.

Riêng em Trịnh Thị Mỹ Thuận, quê ở thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình), hiện là sinh viên năm thứ hai Trường đại học Cần Thơ, do hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, ba mẹ em đều bị bệnh nặng, không lao động được, mỗi tháng Công ty Trúc Anh giúp hai triệu đồng...

Trong năm 2012, Công ty Trúc Anh còn trao tặng hai căn nhà tình thương cho hộ ông Sơn Minh và Nguyễn Tấn Kiêm, người Khmer ở xã Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu), mỗi căn trị giá 15 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty Trúc Anh còn giúp đỡ tiền vốn, phương tiện, hướng dẫn cách làm ăn cho hàng chục hộ Khmer nghèo ở TP Bạc Liêu.

Bí thư Thành ủy TP Bạc Liêu Dương Thành Trung, nhận xét: "Anh Lê Anh Xuân là chủ doanh nghiệp tư nhân làm ăn giỏi, thành đạt của thành phố và tỉnh, có nhiều đóng góp tích cực vào quỹ an sinh xã hội, giúp đỡ hộ nghèo của địa phương bằng nhiều cách làm sáng tạo, cụ thể, hiệu quả cao. Từ nhiều năm nay, anh Xuân luôn được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, được bà con nông dân ở địa phương quý mến, khen ngợi. Anh cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu trong "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của địa phương...".

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.