Cô Chín "dưỡng lão"

Bài và ảnh: NHỰT TRUNG

Thứ Sáu, 14/02/2014 18:27
Dù đã nghe nói nhiều về nhà dưỡng lão này, nhưng trên suốt chặng đường 30 km từ TP Cao Lãnh xuống xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp, tôi cứ miên man suy nghĩ để tìm lời giải cho câu hỏi: "Không biết từ động cơ nào mà người phụ nữ năm nay đã hơn sáu mươi tuổi vẫn dám bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua đất, cất một căn nhà rồi đón những cụ già neo đơn, những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ về nuôi?".
Cô Chín Nga (bên phải) trao đổi công việc cùng các thành viên trong Ban quản lý nhà dưỡng lão.
Cô Chín Nga (bên phải) trao đổi công việc cùng các thành viên trong Ban quản lý nhà dưỡng lão.

Nhà cô Chín Nga nằm kề bên chợ của xã. Ngồi trước gian hàng tạp hóa là một phụ nữ có nước da ngăm đen, gương mặt phúc hậu. Sau mấy câu hỏi thăm, cô Chín liền đề nghị: "Thôi, cô cháu mình qua bển, các cụ chắc cũng trông cô lắm rồi".

Nằm nép mình bên dòng kênh Nguyễn Văn Tiếp A, ngay phía sau trụ sở UBND xã Mỹ Quý, một căn nhà tường mầu vàng nhạt rộng, khang trang được bao bọc và che mát bởi vườn cây đu đủ đang vào mùa sai quả. Không gian thật tĩnh lặng. "Ðúng là môi trường lý tưởng cho một nhà dưỡng lão", tôi nghĩ bụng. Khi hai cô cháu vừa vào nhà thì một bà cụ đang nằm võng liền bật dậy lên tiếng hỏi: "Chín qua đó hả con?". Cô Chín Nga nhẹ nhàng thưa: "Dạ con mới tới má ơi, má thiệt khỏe rồi chưa?".

"Ở đây như là ngôi nhà thứ hai của cô vậy" - sau khi đi một vòng hỏi thăm các thành viên trong nhà, cô Chín mới trở lại nói chuyện với tôi - Buổi sáng, cô ở chợ buôn bán, tan chợ thì qua đây phụ lo cơm nước cho các cụ, tuy lu bù công việc nhưng thấy rất thanh thản". Theo lời cô Chín kể, cha mẹ cô đã mất, nên các cụ ở đây cô coi như người cha, người mẹ thứ hai của cô vậy. "Trước đây, gia đình cô cũng nghèo lắm. Nhớ hồi cha cô còn sống, mỗi khi có dịp ngồi nói chuyện với những bạn bè thân quen lâu ngày gặp lại, ông cụ thường ước ao phải chi có tiền, ông sẽ cất riêng một căn nhà để các cụ cùng ở chung, vừa khỏi làm phiền con cháu, vừa có người sớm chiều tâm sự...", cô Chín nhỏ giọng kể sau khi nghe tôi hỏi về động cơ xây nhà dưỡng lão. Dừng lại một hồi, cô nói tiếp: "Bởi nhớ lời ông cụ dặn, chị em cô giờ đã có cuộc sống ổn định, nên mới hùn nhau mua đất cất căn nhà này...".

Khởi công xây dựng từ tháng 4/2005, hơn hai tháng sau thì hoàn thành và đưa vào hoạt động tới nay. Hiện nhà dưỡng lão của cô Chín Nga có 22 người, gồm 10 cụ ông, tám cụ bà, hai trẻ mồ côi và hai người "vì mang ơn cô Chín" đã giúp đỡ trước đây nay tự nguyện đến lo cơm nước, chăm sóc các cụ. Ngoài nguồn thu nhập từ việc buôn bán tạp hóa hằng ngày bên chợ, cô còn có một số ruộng thu hoạch mỗi năm cũng trên dưới ba trăm giạ lúa, có thể đủ ăn cho khoảng hơn 20 người.

"Quản lý" nhà dưỡng lão là anh Nguyễn Văn Minh, 47 tuổi, quê ở phường 1, TP Cao Lãnh. "Do hoàn cảnh nghèo khó, trước đây lại hay ốm đau, được cô Chín đưa về nuôi, chữa trị nên khi khỏi bệnh tui xin cô cho ở lại chăm sóc các cụ luôn. Vậy mà cũng hơn tám năm rồi", anh Minh kể. Công việc hằng ngày của anh Minh là tắm rửa cho các cụ ông, lái xe chở các cụ đi bệnh viện mỗi khi có người ốm. Khi rỗi thì anh đi làm thợ mộc, sửa chữa bàn ghế, hay sửa điện. Chăm sóc cho các cụ bà là cô Sáu, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Thấy truyền hình đưa tin cảm động về nhà dưỡng lão nên cô Sáu hỏi thăm địa chỉ và lên đây phụ giúp cô Chín hơn bốn năm nay.

Sau khi nhà dưỡng lão đi vào hoạt động, qua người thân, bạn bè, biết ở đâu có người già neo đơn cô Chín đều đến đưa về chăm sóc. Thủ tục được UBND xã hướng dẫn làm đơn cho các cụ, anh Minh về địa phương các cụ xác nhận, làm hồ sơ tạm vắng, đem về trình Công an xã Mỹ Quý để khai báo tạm trú cho các cụ. Trong nhà được bố trí khá ngăn nắp, các cụ bà có dãy phòng riêng, mỗi người ở một phòng, các cụ ông và các cháu nhỏ thì ở chung một phòng lớn. Có quạt điện và ti-vi. Hằng tháng, có một y sĩ công tác ở Bệnh viện đa khoa Ðồng Tháp tình nguyện xuống kiểm tra sức khỏe cho các cụ. Biết được việc làm thiện nguyện của cô Chín, hằng ngày, nhiều người dân xa, gần, sau phiên chợ, cũng "tiếp sức" với cô, người thì ủng hộ mớ rau, người thì dăm lon gạo...

Trò chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Hồ Thị Thắm cho biết, cô Chín rất nhiệt tình trong các hoạt động xã hội do Hội Phụ nữ vận động, tổ chức. Theo đề nghị của cô Chín, UBND xã đã hỗ trợ mở rộng mặt bằng và xây dựng dãy nhà ở cho các cụ bà, đồng thời làm thủ tục cho các cụ tham gia bảo hiểm y tế. Trường hợp các cụ mất, nếu có gia đình sẽ đưa về quê an táng, nếu không sẽ hỏa táng. Nhà dưỡng lão của cô Chín đã được địa phương làm thủ tục nâng lên thành cơ sở xã hội mang tên Hưng Phước Thành, đối tượng vào ở được mở rộng thêm gồm người già neo đơn, không nơi nương tựa, trẻ mồ côi...

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.