Nguyễn Ngọc Sơn tại bệnh viện. |
Vượt qua mặc cảm về bệnh tật, biết bao khó khăn của cuộc sống, Nguyễn Ngọc Sơn vẫn gượng dậy để khẳng định là người có ích cho đời và xã hội, trở thành tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vượt khó của lớp trẻ, luôn khát khao được sống để cống hiến.
Vượt lên số phận
Sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi đã gặp được Nguyễn Ngọc Sơn tại buồng số 3, Khoa tiết niệu-thận nhân tạo (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) vào một ngày đầu tháng 8. Trước mặt tôi là một người thanh niên nhỏ bé, với vầng trán cao và rộng, đôi mắt rất sáng dưới cặp kính cận cùng nụ cười thân thiện. Bên giường bệnh, với các thiết bị chạy thận nhân tạo, tiếng lạch tạch của máy lọc máu, Nguyễn Ngọc Sơn đã kể tôi nghe về những tháng ngày không thể nào quên.
Sơn sinh ra trong một gia đình công chức nghèo ở thị xã Phú Thọ. Bố mẹ Sơn đều là cán bộ Trường cao đẳng Công nghiệp quốc phòng, sinh được hai người con trai, Sơn là con cả sinh năm 1979. Lớn lên trong tình thương yêu, giáo dục của cha mẹ, Nguyễn Ngọc Sơn cũng có biết bao ước mơ và hoài bão như các bạn. Sơn luôn tâm niệm mình phải nỗ lực học thật giỏi, sau này trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Năm học lớp 10, Sơn thấy trong người mệt mỏi, chân tay bủn rủn và mọng nước, mí mắt húp xuống. Thấy vậy, bố mẹ đưa Sơn đi khám bệnh và được bác sĩ kết luận bị viêm cầu thận rất nặng, phải tiêm kháng sinh liều cao, có nguy cơ phải nghỉ học. Lo lắng cho sức khỏe của con, bố mẹ khuyên Sơn nghỉ học để chữa bệnh, nhưng Sơn nhất quyết không nghe, tiếp tục đi học. Suốt những năm học cấp ba còn lại, ngày nào mẹ cũng đưa Sơn đi học bằng chiếc xe đạp cũ. Nhìn Sơn khi ấy, với cơ thể gầy gò, yếu ớt, da xanh, bạn bè cùng lớp và mọi người ai cũng thương, động viên Sơn rất nhiều. Ðáp lại sự thương yêu của mọi người, năm nào Sơn cũng là học sinh giỏi.
Khi nhận giấy báo điểm thi đại học, bố mẹ, bạn bè không tin nổi vì Sơn đã thi đỗ hai trường đại học (Ðại học Sư phạm Hà Nội và Ðại học Sư phạm Thái Nguyên) với số điểm rất cao. Bố mẹ Sơn mừng rất nhiều, nhưng cũng rất lo lắng. Không biết Sơn có đủ sức khỏe để học hay không? Nhưng với quyết tâm vượt qua tất cả, Sơn vẫn nhập học, trở thành sinh viên Khoa Sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Những ngày đầu sinh viên, Sơn luôn hòa nhập, cởi mở với bạn bè, không ai biết về bệnh tình của Sơn. Ban ngày đi học, ban đêm chọn nơi vắng vẻ, khi mọi người đã ngủ, Sơn tự sắc thuốc để chữa bệnh. Ðể có tiền, Sơn tham gia dạy tiếng Việt cho các bạn sinh viên Hàn Quốc. Sơn còn tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, được Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo tặng bằng khen... Tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Hà Nội, Sơn tiếp tục theo học Khoa Xây dựng Ðảng và Chính quyền Nhà nước (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Trong thời gian này, Sơn được kết nạp Ðảng. Với hai bằng đại học, là đảng viên, trình độ cao cấp lý luận chính trị, Nguyễn Ngọc Sơn là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực của tuổi trẻ trong học tập.
Lo lắng cho sức khỏe của con, với diễn biến của bệnh tật ngày càng trầm trọng, bố mẹ đưa Sơn đi khám tại Bệnh viện Quân y 103. Sơn vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh của mình: Ðó là ngày 24-7-2006. Khi được gọi vào lấy lại mẫu thử nước tiểu, chị y tá thấy Sơn run lẩy bẩy nên an ủi: "Không có vấn đề gì đâu, chẳng qua là các chị sơ ý làm đổ mẫu thử của em nên phải lấy lại thôi". Kỳ thực là không thể tin vào kết quả của lần một, các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm lại lần hai xem có sự nhầm lẫn không? Nghe bác sĩ thông báo: "Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Sơn bị suy thận độ 4, tức giai đoạn cuối, thời gian sống chỉ còn tính từng ngày", đất dưới chân Sơn như chao đảo. Sơn khuỵu xuống, nói không thành lời. Sơn chia sẻ: "Hình như mỗi người một số phận, một nỗi buồn nhưng chẳng ai giống ai. Nhiều lúc tôi cố đi tìm lời giải đáp: Liệu con người có chiến thắng được số phận không?".
Sống là để yêu thương
Trước khi gặp Nguyễn Ngọc Sơn, chúng tôi được bác sĩ Thiều Thị Thanh Thủy, Trưởng Khoa tiết niệu-thận nhân tạo (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết: Sơn chạy thận nhân tạo tại đây từ tháng 8-2006. Khi ấy, sức khỏe của Sơn rất yếu, không ổn định. Nhưng Sơn đã tích cực phối hợp với bác sĩ, tự tìm hiểu thông tin trên mạng để thực hiện chế độ ăn uống, luyện tập sức khỏe. Vì vậy, bệnh của Sơn tiến triển tốt, chạy thận nhân tạo ba lần/tuần. Nếu tiếp tục duy trì chế độ như hiện nay, sức khỏe của Sơn rất ổn định. Ở Sơn có nghị lực phi thường và tấm lòng nhân ái.
Trở lại cuộc trò chuyện của chúng tôi, Sơn kể tiếp: Ðối với Sơn hai từ bi quan không bao giờ có, bởi vì bi quan không những không giúp được mình điều gì cả mà còn làm khổ bao người khác. Vì vậy, Sơn phải vượt qua tất cả để được sống. Ngoài lịch chạy thận ba lần/tuần, Sơn khá bận rộn với nhiều công việc như: đi giảng dạy các môn Chính trị, Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường cao đẳng Công nghiệp quốc phòng; nói chuyện với các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; viết sách, làm thơ; và cả chăn nuôi thỏ...
Ðã có hàng nghìn cuộc trò chuyện với hàng chục nghìn bạn trẻ, nhưng mỗi lần kể chuyện về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, Nguyễn Ngọc Sơn lại có một niềm cảm xúc dâng trào. Khi kể về tấm gương đạo đức của Bác, em thường kể dưới dạng những câu chuyện lịch sử, gắn với minh họa bằng âm thanh, hình ảnh. Ðiều quan trọng là người kể phải có hồn. Vì vậy, khi nghe những câu chuyện về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, nhiều bạn trẻ đã khóc.
Sơn cho rằng: Em học ở Bác rất nhiều điều, nhưng ấn tượng nhất là hình ảnh Bác Hồ tập leo núi khi vừa trong nhà tù Tưởng Giới Thạch ra. Ðó là hình ảnh một người vừa ra tù, với thân hình tàn tạ, vẫn nhích từng bước, cố gắng từng ngày, để tập leo lên từng bậc đá, tự rèn sức khỏe của mình cũng như suy nghĩ về việc nước. Mỗi bậc đá núi ấy, ngoài nghĩa đen kia còn có nghĩa khác là ý chí vượt qua tất cả, không có gì chùn chân, mỏi gối, quyết chiến, quyết thắng. Ðối với em, bệnh tật và những cái kim kia chỉ là nghĩa đen thôi, còn nghĩa bóng là mình phải vượt qua tất cả, vượt qua nỗi sợ hãi trong chính bản thân. Vì vậy, ngoài hai tập sách "Xin đừng khóc nữa mẹ ơi", "Không là cơn gió thoảng qua", em đang viết cuốn tiểu thuyết tạm đặt tiêu đề "Ði qua nỗi sợ hãi".
Ðộng lực để Nguyễn Ngọc Sơn vượt qua tất cả chính là niềm khát khao sống, khát khao được cống hiến; tình yêu thương của cha mẹ; nợ tình cảm của mọi người, nợ ơn của cuộc đời; tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu vô bờ bến với Bác Hồ...
Làm thế nào để "Hội thận nhân tạo và những người bạn tỉnh Phú Thọ" hoạt động và phát triển là mong muốn, trăn trở lớn nhất của Nguyễn Ngọc Sơn. Ðược sự ủng hộ của lãnh đạo Bệnh viên đa khoa tỉnh Phú Thọ và Khoa tiết niệu - thận nhân tạo, theo sáng kiến của Nguyễn Ngọc Sơn, Hội được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2012, với mục đích: Giúp đỡ, chia sẻ, động viên những người bị bệnh để họ tự tin, thấy vui hơn trong cuộc sống. Nếu ngày mai không may họ có ra đi thì hôm nay họ vẫn vui vẻ để sống, còn một ngày được sống là còn một ngày để yêu thương.
Ðể đạt được mục đích này, Hội triển khai các hoạt động thiết thực: vận động, quyên góp các tổ chức, cá nhân ủng hộ "suất cơm nghĩa tình"; tổ chức thăm, động viên đối với các gia đình có người bị bệnh suy thận qua đời; thành lập đội xe ôm tình nguyện để đưa, đón những người bị bệnh thận; thành lập tổ kinh doanh dịch vụ tại bệnh viện cho những người bị bệnh thận...
Mong muốn và hoạt động của Hội thì nhiều, nhưng khả năng và sức khỏe của hội viên có hạn, Sơn rất mong sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người, các cấp, các ngành.