"Còn sức khỏe, tôi còn nghiên cứu về Bác Hồ"

Bài và ảnh: TRUNG CẦN

Thứ Hai, 29/10/2012 17:58
Ở tuổi 80, GS, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Ðức (trong ảnh), vẫn ham mê nghiên cứu và sáng tạo. Năm 2010, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học-công nghệ với cụm công trình "Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận, thực tiễn văn hóa, văn nghệ Việt Nam". Với 55 năm giảng dạy, đào tạo đại học, trong đó có 30 năm nghiên cứu về sự nghiệp thơ văn và báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS Hà Minh Ðức bộc bạch: Tôi vẫn tiếp tục đọc và nghiên cứu về Bác...
"Còn sức khỏe, tôi còn nghiên cứu về Bác Hồ"

Không kể với vai trò làm chủ biên gần mười công trình về các vấn đề lý luận, đường lối phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật của Ðảng ta, GS Hà Minh Ðức đã hướng dẫn đào tạo 22 tiến sĩ; xuất bản hơn 50 tác phẩm nghiên cứu, phê bình, khảo luận và sáng tác thơ văn.

Ði theo con đường của những "đại thụ" như các GS Ðặng Thai Mai, Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Xuân Nhị, GS Hà Minh Ðức luôn kết hợp hài hòa giữa giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học và dành nhiều tình cảm, trí lực nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðã có hàng nghìn tác phẩm thơ ca, nhạc họa, kịch nói và tiểu thuyết của các tác giả ở mọi miền đất nước, ở những thời kỳ lịch sử khác nhau và cả những tác giả ở ngoài nước viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dưới góc độ nghiên cứu, GS Hà Minh Ðức có hướng đi riêng. Thực tế giảng dạy văn học và báo chí hơn 50 năm cũng như thời gian hơn 10 năm làm Viện trưởng Viện Văn học, Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã giúp ông có phương pháp tiếp cận, cảm thụ và đánh giá một cách hệ thống, toàn diện hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có lần ông tâm sự: Không ít nhà thơ, nhà văn viết về Bác Hồ rất cảm động, song đọc và suy ngẫm các bài thơ của Tố Hữu viết về Bác, trong đó có những câu như "Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già", hay "Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi/ Năm canh bớt nặng nỗi thương đời/ Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người..." đã thôi thúc tôi nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phương diện văn học và báo chí.

Cụm công trình đưa GS Hà Minh Ðức đến Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm hai nhóm công trình. Nhóm công trình một, gồm các cuốn sách "Sự nghiệp văn thơ Hồ Chí Minh", "Báo chí Hồ Chí Minh" (phần chuyên luận); nhóm công trình hai có "Tự lực văn đoàn, trào lưu và tác giả" (phần chuyên luận) và "Một nền văn hóa văn nghệ đậm bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú".

Khi còn là sinh viên đại học, GS Hà Minh Ðức đã có bài nghiên cứu về Tự lực văn đoàn đăng trên Báo Sinh viên Việt Nam. Song do bối cảnh xã hội hơn 30 năm sau, GS Hà Minh Ðức mới có điều kiện quay lại vấn đề này. Tự lực văn đoàn là một trào lưu văn học xuất hiện thời kỳ 1930 - 1945, có không ít ý kiến đánh giá trái chiều nhau và một thời gian dài trào lưu này dường như bị phủ nhận.

Nhờ công cuộc đổi mới toàn diện do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, lại có độ lùi lịch sử cộng với sự suy nghĩ tìm tòi, GS Hà Minh Ðức đã có một công trình nghiên cứu công phu và khách quan về Tự lực văn đoàn. Công trình "Một nền văn hóa văn nghệ đậm bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú" của GS Hà Minh Ðức ra đời giữa những năm 2000. Tác phẩm là một nhánh của đề tài cấp Nhà nước "Văn hóa Việt Nam - xã hội và con người" do Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì. Tác giả đã góp phần trả lời và định hướng những vấn đề quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ðây là công trình đoạt giải sách hay của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2009.

Nghiên cứu về sự nghiệp văn học và báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các GS Ðặng Thai Mai, Nguyễn Khánh Toàn và nhà thơ Xuân Diệu đều có chung suy nghĩ đây là những đề tài lớn, hấp dẫn nhưng cũng rất khó.

Ðầu những năm 70 của thế kỷ trước, sau tác phẩm "Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại" được xuất bản, gây tiếng vang trong giới nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật, GS Hà Minh Ðức bắt tay nghiên cứu thơ văn của Bác Hồ kính yêu. Với phong cách điềm tĩnh, theo lớp lang, hệ thống, giáo sư đi từ "quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật" thể hiện trong "Truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc - tác phẩm lớn mở đường cho nền văn học cách mạng" đến giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dành thời gian, tâm huyết nhiều hơn cả, giáo sư đi sâu phân tích, phát hiện giá trị lớn của "Nhật ký trong tù" cũng như các biểu hiện về vẻ đẹp trí tuệ và tấm lòng của Bác trong thơ được viết từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến khi Người qua đời...

GS Hà Minh Ðức cho rằng, hoạt động văn học là một phần nhỏ trong toàn bộ sự nghiệp lớn lao mà Bác Hồ cống hiến cho dân tộc, nhưng thật đáng quý biết bao khi qua từng bài thơ, truyện ngắn, tác phẩm chính luận của Người, chúng ta được sống lại không khí của thời đại với những hình ảnh rất tiêu biểu. Ðặc biệt, từng tác phẩm đều thể hiện đậm nét tấm lòng, tình cảm của Người với non sông đất nước, với nhân dân và toát lên vẻ đẹp của một trí tuệ sáng suốt, một tâm hồn cao thượng của nhà cách mạng vĩ đại.

Với nguồn tư liệu khoảng hai nghìn bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng trăm tư liệu viết về hoạt động báo chí của Người, GS Hà Minh Ðức sau hơn 10 năm nghiên cứu đã cho ra tập chuyên luận "Sự nghiệp báo chí Hồ Chí Minh" (Nhà xuất bản Sự thật, năm 2000) và sau đó Nhà xuất bản Giáo dục in lại

Theo ông, tìm hiểu về sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công việc lớn, đòi hỏi quá trình thu thập tài liệu, nghiên cứu công phu. Trên cơ sở đó mới khái quát được những nét nổi bật trong phong cách báo chí Hồ Chí Minh. GS Hà Minh Ðức khẳng định: Tính chiến đấu vì mục tiêu "Không có gì quý hơn độc lập tự do" thể hiện nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp báo chí của Người; Người đã vận dụng lý lẽ sắc bén của Chủ nghĩa Mác-Lê-nin làm cơ sở lý luận để giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội kết hợp với thực tiễn lớn nhất là phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc; vận dụng sáng tạo và hài hòa giữa báo chí với văn học là nét nổi bật trong phong cách báo chí Hồ Chí Minh...

Theo đánh giá của Hội đồng Giải thưởng cấp Nhà nước, cụm công trình của GS Hà Minh Ðức là thành tựu khoa học xuất sắc, nghiên cứu toàn diện, có hệ thống và thành công nhất về sự nghiệp, văn thơ, báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận về văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới, hội nhập của đất nước.

Là học trò của GS Hà Minh Ðức cách đây gần 40 năm ở khoa Ngữ Văn, Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội (trước đây), tôi thỉnh thoảng vẫn được gặp ông và được giáo sư tặng sách sau mỗi lần có công trình xuất bản. Lần gặp gần đây, giáo sư phàn nàn về trạng thái "chân yếu, mắt mờ", về quỹ thời gian đang rút ngắn dần khoảng cách... với mình.

Nhưng GS Hà Minh Ðức vẫn quả quyết: "Còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục nghiên cứu và viết về Bác Hồ. Bởi cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại và nhân cách cao đẹp của Người vẫn là đề tài chưa thể nào vơi cạn". GS Hà Minh Ðức dự định sang năm 2014 sẽ ra một cuốn sách mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.