Ðối với công việc phải tận tụy - là một trong Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (CAND) được cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Nam Ðịnh đang thực hiện ở từng lĩnh vực công tác tiếp dân và đấu tranh chống tội phạm. Tại Ðội Quản lý hành chính Công an TP Nam Ðịnh, cán bộ, chiến sĩ đã phấn đấu thực hiện cơ chế "một cửa" trong công tác đăng ký hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân (CMND). Theo quy định trước đây, công dân phải đi lại ít nhất bốn lần để làm thủ tục xin xác nhận của công an phường, xã... Nay người dân chỉ cần một lần đến nộp hồ sơ và một lần đến nhận kết quả. Về giải quyết hộ khẩu: cấp đổi, cấp lại, tách nhập hộ mới có kết quả trong ba ngày (trước là 10 ngày). Về CMND, đối với hồ sơ không phải tra cứu là năm ngày (trước là 15 ngày), với hồ sơ phải tra cứu là bảy ngày (trước là 30 ngày).
Trung tá Nguyễn Văn Chiến, Ðội trưởng Đội Quản lý hành chính giải thích: Ðể giảm bớt thủ tục phiền hà, rút ngắn thời gian chờ đợi của nhân dân, bù lại, cán bộ, chiến sĩ ở Ðội Quản lý hành chính đã phải làm cả ngày thứ bảy và chủ nhật, vì chỉ có chủ nhật học sinh được nghỉ học mới có thể làm thủ tục cấp CMND cho các em. Và có cán bộ, chiến sĩ phải đến làm việc cả buổi tối. Bởi theo quy định của Giám đốc Công an tỉnh, nếu không trả hộ khẩu và CMND theo đúng quy định, cán bộ, chiến sĩ sẽ phải mang đến nhà từng người dân. Ðặc biệt, để giúp người già, yếu cô đơn và người bệnh đang nằm viện có giấy CMND làm thẻ bảo hiểm, cán bộ, chiến sĩ Ðội Quản lý hành chính còn đến tận nhà và bệnh viện làm CMND. Công việc vất vả, khó khăn, nhưng khi trò chuyện, nhiều nữ chiến sĩ đã trả lời khiêm tốn: Quả là công việc vất vả, nhưng bù lại sau mỗi ngày làm việc chúng tôi thấy nhẹ nhõm, thanh thản vì giảm bớt được các thủ tục phiền hà đối với công dân.
Ðại úy Phan Thanh Hà kể rằng: Dù đã được hướng dẫn, nhưng có người phải khai lại nhiều lần biểu mẫu làm hộ khẩu nên cáu gắt. Những lúc như vậy, chúng tôi vẫn phải cười và nhẹ nhàng giải thích cặn kẽ giúp người dân kê khai chính xác. Tương tự như vậy, Ðại tá Phạm Quang Duyến, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết: cán bộ, chiến sĩ ở Ðội đăng ký xe và Ðội CSGT công an các huyện thuộc Công an tỉnh Nam Ðịnh không chỉ công khai các thủ tục, mà còn phấn đấu trả đăng ký xe máy và xe ô-tô trong ngày. So với những năm trước, người dân phải chờ đợi cả tuần mới lấy được đăng ký xe.
Với tinh thần phục vụ nhân dân "Gác cho dân vui chơi, thức cho dân ngủ ngon", các đơn vị phòng, ban và công an huyện trong tỉnh đã hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ở huyện Giao Thủy, có ổ nhóm gồm cả 50 đến 60 con bạc đêm đến thường sát phạt nhau đến sáng. Theo Ðại tá Trần Văn Nhận, Trưởng công an huyện, ổ bạc này hoạt động quy mô, có người bán heroin, cho vay tín dụng đen, người phục vụ ăn uống và tổ chức người canh gác từ xa tránh sự phát hiện của lực lượng công an. Nhiều gia đình do chồng, con ham mê cờ bạc đã lấy trộm tiền của gia đình đi chơi bạc, dẫn đến đâm, chém nhau, tan cửa nát nhà...
Ðể bắt gọn ổ nhóm cờ bạc này, Công an huyện Giao Thủy và Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm hình sự đã phối hợp huy động hàng trăm quân bí mật, bất ngờ ập đến bắt gọn, khiến các đối tượng không kịp trở tay. Công an đã thu tại chiếu bạc hơn 200 triệu đồng, hàng chục chiếc xe máy, cùng nhiều tang vật phục vụ việc cờ bạc. Chiến công của lực lượng công an đã nhận được sự đồng tình của nhân dân trong huyện. Chủ tịch UBND huyện gửi thư cảm ơn lực lượng công an đã dẹp được ổ bạc này, góp phần giữ bình yên thôn, xóm, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cũng với tinh thần phục vụ nhân dân, Tết Nguyên đán 2010, chưa kịp cùng gia đình đón giao thừa, 12 giờ kém 15 phút, toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự đã vội lên đường khi nhận tin báo, xảy ra trọng án tại huyện Vụ Bản, hai nhóm thanh niên đi lễ chùa đánh nhau, một đối tượng đã chết. Trắng đêm trong giá rét, vừa đói, vừa lạnh, các trinh sát hình sự đã chia nhiều nhóm tỏa đi nhiều nơi để xác minh, truy tìm tung tích thủ phạm. Ðến trưa mồng 1 Tết, mới xác định được thủ phạm gây án. Mọi người thở phào nhẹ nhõm trở về vui Tết cùng gia đình. Theo Ðại tá Ðặng Văn Sinh, Giám đốc Công an tỉnh Nam Ðịnh, việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Công an tỉnh phát động ở tất cả các phòng, ban, huyện, thị xã và Công an thành phố.
Theo đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải hiểu được, "dân vận khéo" là thường xuyên coi trọng công tác dân vận, biết tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền vì công việc chung; biết phối hợp MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở; biết cách vận động các tầng lớp nhân dân, duy trì và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn phụ trách với phương châm: Việc gì có lợi cho dân phải làm hết sức, điều gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Hiện ở tỉnh Nam Ðịnh, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã tham gia giúp nhân dân gặt lúa, ở các vùng nông thôn hay chằng, buộc nhà cửa ở những nơi hay xảy ra bão lũ... trở thành nghĩa cử, gắn bó lực lượng công an với nhân dân trong các xã, huyện và tỉnh.
Ðây cũng chính là công tác "dân vận khéo" để nhân dân giúp đỡ công an nhiều hơn trong công tác phòng, chống tội phạm. Ðồng thời là một trong những nội dung của Cuộc vận động "Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".