GS Vũ Văn Ðính kiểm tra sức khỏe cho người bệnh tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. |
Phó Chủ nhiệm Khoa Cấp cứu, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Chi dẫn tôi đi thăm mấy buồng bệnh chia sẻ: Ở đây quanh năm, may ra chỉ trừ chiều 30 và mồng Một Tết, còn thì ngày nào cũng quá tải. Hằng năm, khoa tiếp nhận và cấp cứu hơn 36.500 trường hợp, công suất giường bệnh luôn ở trạng thái từ 230% đến 250%. Nhờ không ngừng phát triển các kỹ thuật cấp cứu tiên tiến, xây dựng quy trình cấp cứu khoa học, hợp lý, tập thể thầy thuốc ở đây đã giành lại sự sống cho nhiều người bệnh thập tử, nhất sinh.
Lĩnh vực cấp cứu hồi sức khoảng mười năm trở lại đây có bước phát triển vượt bậc. Song ít ai biết rằng người đặt nền móng và tìm ra các kỹ thuật cấp cứu hồi sức mới là GS, Thầy thuốc Nhân dân Vũ Văn Ðính, nguyên Chủ nhiệm Khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội hồi sức, cấp cứu và chống độc Việt Nam.
Còn nhớ, cách đây 35 năm, từ một tổ cấp cứu chỉ có sáu người, theo quyết định của Bộ Y tế, Khoa cấp cứu hồi sức (trước đây thường gọi là A9) được thành lập ở Bệnh viện Bạch Mai. Vượt lên khó khăn, thiếu thốn trăm bề của thời kỳ bao cấp và những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, cán bộ, nhân viên Khoa A9 do GS Vũ Văn Ðính phụ trách, đối với người bệnh, luôn "đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình"...
Các thế hệ học trò của GS Vũ Văn Ðính, như PGS Nguyễn Ðạt Anh, nay là Chủ nhiệm khoa; Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi (Phó Chủ nhiệm khoa) khi nhắc đến người thầy của mình đều chung suy nghĩ, với GS Vũ Văn Ðính, y đức không chỉ dừng lại ở sự ân cần với người bệnh mà còn phải tìm ra biện pháp điều trị hiệu quả nhất.
Cuộc sống hiện đại, môi trường bị ô nhiễm nặng nề ngày càng làm gia tăng các bệnh cao huyết áp, tim mạch, các bệnh lý về não, ung thư... Vì thế, nhu cầu khám, chữa bệnh rất lớn. Từ chỗ chỉ có từ 15 đến 20 giường, năm 2010 nâng lên 35 giường và thực kê là 50 giường, nhưng khoa thường xuyên có từ 70 đến 80 người bệnh. Làm sao xử lý nhanh, "giải phóng" sớm bệnh nhân vào trước để lấy chỗ cho các trường hợp vào sau luôn là điều thôi thúc GS Vũ Văn Ðính và cộng sự ngày đêm tìm tòi, sáng tạo.
Hơn 50 năm qua, hằng ngày trực tiếp đối mặt với các căn bệnh nặng, phức tạp, cho nên gần 100 công trình khoa học của GS Vũ Văn Ðính chủ yếu là kỹ thuật, biện pháp hồi sức cấp cứu được giáo sư đúc kết từ thực tế điều trị và chăm sóc người bệnh.
Những năm 80, 90 của thế kỷ 20, giáo sư và tập thể thầy thuốc Khoa A9 đã từng bước ứng dụng thành công kỹ thuật đặt máy tạo nhịp, lọc màng bụng, lọc máu liên tục, thông khí nhân tạo, nguyên tắc cấp cứu ngộ độc, chọc hút dịch tràn màng phổi,... được ngành y tế ghi nhận và đánh giá cao.
Với những thành tích đặc biệt như thế, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào các năm 1985 và 2000; GS Vũ Văn Ðính vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này năm 2000.
Vốn là người làm nhiều, nói ít, khi được hỏi về những cống hiến của mình, giáo sư bộc bạch: "Có gì to tát đâu. Một lần đi công tác ở Cam-pu-chia, gặp một người sốt rét ác tính bị suy thận cấp và hôn mê, tôi áp dụng kỹ thuật đã thực hiện trong nước là lọc màng bụng bằng các dung dịch thông thường thay thận nhân tạo. Người bệnh được cứu sống. Sau đó, cán bộ ở khoa phối hợp Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 phát triển thành đề tài khoa học, phục vụ thiết thực hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt rét khi ấy hoành hành ở nước ta. Hay, nhân một lần đi tắm biển, nhờ nằm trên phao bơi mà tôi suy nghĩ, tìm ra cách cải tiến tấm đệm hơi dùng cho người bệnh phải nằm nhiều đỡ bị lở loét". Từ việc thử nghiệm đem lại lợi ích cho người bệnh ở Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, chẳng bao lâu chiếc đệm hơi được phổ biến rộng rãi cho những người bị đau lâu, ốm dài trong cả nước sử dụng...
Khoảng năm năm trở lại đây, đội ngũ thầy thuốc ở các Khoa cấp cứu, Ðiều trị tích cực hay Trung tâm chống độc (được tách ra từ Khoa A9 trước đây) đã có bước phát triển đáng kể, nghiên cứu và ứng dụng thành công một số kỹ thuật tiên tiến như theo dõi áp lực sọ não liên tục, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cho người bệnh thiếu máu não cục bộ cấp tính, xử lý tắc động mạch phổi...
Thế nhưng, các thế hệ bác sĩ, y tá ở đây luôn coi những giáo trình, tài liệu do GS Vũ Văn Ðính biên soạn là cẩm nang trong điều trị sốc nhiễm khuẩn, hen phế quản nguy kịch, đột quỵ, suy đa phủ tạng, liệt toàn thân do rắn độc cắn...
Năm nay, GS Vũ Văn Ðính vào tuổi 80. Hơn một năm nay sức khỏe có phần giảm sút, nhưng ông luôn sẵn sàng có mặt tại các bệnh viện hay cơ sở y tế nào cần sự tư vấn.
Ghi nhận những công lao, đóng góp của người thầy thuốc cả cuộc đời phấn đấu "giỏi y thuật, sáng y đức", tại Hội nghị quản lý Bệnh viện Châu Á diễn ra vào trung tuần tháng 9-2012, Ban tổ chức đã trao giải thưởng "Thành tựu cống hiến trọn đời" tặng GS Vũ Văn Ðính. Vẫn phong cách khiêm nhường, ông nói "vinh dự của tôi nhưng thành tích, công lao là sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của tập thể nơi tôi từng công tác...".