Mười bảy năm làm việc thiện
Từ TP Trà Vinh, chúng tôi theo quốc lộ 54, đi khoảng 15 km rồi rẽ trái qua hương lộ 25, đi khoảng 10 km nữa là về đến xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú. So với hơn 10 năm trước, đường đi bây giờ đã quá tốt rồi, chỉ mất gần 40 phút cho 25 km đi bằng ô-tô hoặc xe máy. Tân Hiệp là xã nghèo, với hơn 82% số dân là đồng bào Khmer; là một trong ba xã "vùng lõi" của huyện nghèo Trà Cú (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ). Vùng lõi không phải là no đủ, mà là nơi chứa đựng nhiều khó khăn nhất huyện, tỉnh.
Đó là chuyện của hơn 20 năm về trước. Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, cùng với nỗ lực vươn lên của đồng bào, ngày nay, các xã vùng lõi huyện Trà Cú, trong đó có Tân Hiệp đã có nhiều chuyển biến đi lên.
Chủ đích về Tân Hiệp của chúng tôi lần này là gặp Đại đức Thạch Sa Vane, Sư cả chùa Long Trường. Nhà sư là một trong những gương điển hình của Trà Vinh về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với nhiều việc làm từ thiện.
Mọi suy đoán của tôi đều sai cả. Không phải là một vị sư cả trụ trì hằn bao nếp nhăn năm tháng, ẩn chứa nhiều đức độ. Cái bắt tay nồng ấm với vị sư mới ngoài 30 tuổi, được giới thiệu Đại đức Thạch Sa Vane làm tôi ngỡ ngàng, nhưng đầy thú vị.
Như đọc được suy nghĩ của tôi, sư giới thiệu sơ bộ về quá trình tu, học của mình: Năm 1993, Thạch Sa Vane tròn 13 tuổi đã làm lễ xuất gia để vào chùa tu, học; đến năm 2000 thì lên làm sư cả. Khi biết chúng tôi muốn nghe về những việc làm từ thiện của mình, Đại đức Thạch Sa Vane nói: Vào tu được khoảng ba năm, khi qua chùa Vàm Ray để học, sư được nghe chuyện bà Thạch Thị Noi ở ấp Vàm Ray, xã Hàm Giang (Trà Cú) là gia đình nghèo, bị bệnh nặng, không có tiền trị bệnh. Thấy thương quá, nhà sư cũng không có tiền để giúp, nhà sư mới nghĩ ra cách thử vận động những hộ khá góp tiền cho bà đi trị bệnh. Với chất giọng trầm, Sư cả Sa Vane từ tốn nói như tâm sự: Giúp được người nghèo khó tôi thấy vui trong bụng, và từ đó cứ nghe có người gặp khó thì thầy đi vận động... tính đến nay cũng được 17 năm rồi, thầy đã vận động tiền để giúp cho cả nghìn gia đình nghèo khó. Có hộ thoát nghèo, có người hết bệnh... cũng có trường hợp được giúp nhưng chưa thoát cảnh nghèo, không qua khỏi bệnh. Thoát được nghèo, hết bệnh là điều đáng mừng; còn những trường hợp không vượt qua được, chắc họ cũng thấy ấm lòng. Vì họ thấy mình không bị bỏ rơi, mà tiếp tục phấn đấu để vươn lên, và sư cũng thấy an lòng.
Sư nói tiếp: Hồi đó, sư còn nhỏ tuổi nên đi vận động cũng gặp khó, không được nhiều tiền; góp được bao nhiêu thì sư đem giúp bấy nhiêu. Thường xuyên đi vận động riết rồi thành quen, nhiều nhà hảo tâm biết được việc làm của sư, họ cũng sẵn sàng phát tâm ủng hộ nhiều hơn. Những năm gần đây, mỗi năm sư vận động quyên góp được khoảng ba, bốn trăm triệu đồng để làm việc thiện.
Học Bác, làm thêm nhiều việc tốt
Nghe Đại đức Thạch Sa Vane kể về việc làm từ thiện của mình có phần khiêm tốn, đồng chí Tâm, cán bộ tuyên giáo Đảng ủy xã nói chen vào: Từ khi xã phát động việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ rộng ra quần chúng nhân dân, Sư cả đây làm nhiều việc thiện có ý nghĩa rộng hơn. Sư không chỉ quyên góp tiền để giúp người nghèo khó, bệnh tật, ma chay... mà còn góp tiền cất nhà tình thương, góp gần 100 triệu đồng để làm đường giao thông, hỗ trợ tiền cho học sinh, sinh viên trong xã, hỗ trợ kinh phí để tổ chức giải thể thao trong các ngày Tết, lễ cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số.
Không chỉ có vậy, sư còn giúp chính quyền tuyên truyền để bà con phật tử hiểu đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách về dân tộc, tôn giáo. Đặc biệt là nhờ uy tín, những mâu thuẫn, tranh chấp chòm xóm, có sư tham gia hòa giải đều thành, giữ mối đoàn kết trong phum sóc, an ninh trật tự được bình ổn.
Với giọng trầm ấm, từ tốn, Sư cả Thạch Sa Vane nói như giải thích: Khi được học và đọc những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác, nhà sư thấy Bác Hồ có tấm lòng thương dân như một vị thánh, như Đức Phật vậy. Sư nghĩ, học tập Bác, làm theo Bác thì phải ra sức vận động quyên góp nhiều hơn để giúp nhiều bà con nghèo hơn. Hồi trước vận động được ít tiền thì chỉ giúp được một số người nghèo trị bệnh, ma chay; bây giờ sư đi vận động được nhiều hơn thì giúp thêm các em học sinh nghèo, sinh viên đi học xa, làm đường để bà con thuận tiện đi lại, phát triển sản xuất. Sư nghĩ nếu tạo được điều kiện cho hộ nghèo thoát nghèo, cuộc sống đầy đủ rồi thì không phải lo giúp đỡ đột xuất nữa. Vì vậy, sư thấy còn tiền nên mới tặng xã 100 triệu đồng để giúp 10 hộ nghèo có vốn làm ăn. Tiền này sư không lấy về, nhưng nói với xã là cho người nghèo mượn, cố gắng trong hai năm thoát nghèo trả lại để cho người khác mượn.
Tôi đề nghị Đại đức kể lại bí quyết thành công, trong hòa giải mâu thuẫn là gì? Sư cả Thạch Sa Vane nói không có gì cao xa đâu, sư chỉ giải thích điều hay lẽ phải thôi cho từng bên nghe ra thì họ không còn xích mích mâu thuẫn với nhau nữa.
Đồng chí Lê Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp nói, Sư cả chùa Long Trường đã góp phần rất lớn trong việc làm tốt công tác an sinh xã hội không chỉ tại xã nhà mà còn rộng ra khắp huyện. Từ khi chúng tôi tuyên truyền, phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến các chùa Khmer trong xã, năm nào sư cũng có thêm mô hình làm từ thiện mới, với số tiền vận động được hỗ trợ nhiều hơn. Đặc biệt là nhờ vào uy đức của nhà sư nên việc tuyên truyền, vận động đồng bào Phật tử thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước rất tốt. Người dân nghe theo nhà sư chí thú làm ăn, bớt rượu chè bê tha, tệ nạn xã hội giảm dần.