Dấu ấn của chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quà tháng 5 dâng Người”

NGỌC KHÁNH

Thứ Tư, 14/05/2025 23:09
NDO - Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), tối 14/5, Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Quà tháng 5 dâng Người” đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Các màn biểu diễn trong chương trình được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp. (Ảnh: TRẦN HUẤN)
Các màn biểu diễn trong chương trình được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp. (Ảnh: TRẦN HUẤN)

Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Báo Văn hóa phối hợp Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tổ chức xây dựng và biểu diễn.

Đến dự chương trình, có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.

Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Mai Văn Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan.

Dau an cua chuong trinh nghe thuat dac biet “Qua thang 5 dang Nguoi” hinh anh 1
 Các đại biểu dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quà tháng 5 dâng Người”. (Ảnh: TRẦN HUẤN)

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quà tháng 5 dâng Người” là lời tri ân sâu thẳm từ trái tim hàng triệu người dân đất Việt, là bản tráng ca tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

 Từ mái tranh đơn sơ nơi quê mẹ Làng Sen đến khán đài danh giá của Liên hợp quốc, từ những dòng nhật ký tuổi đôi mươi rực cháy lý tưởng đến bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9 thiêng liêng, Người đã khắc sâu tên Việt Nam trên bản đồ thế giới bằng trí tuệ uyên bác, khí phách kiên cường và tình yêu thương bao la.

Thời gian trôi qua, nhưng ánh sáng tư tưởng, phong cách và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là nguồn suối trong lành tưới mát tâm hồn dân tộc, là ngọn đuốc soi đường cho mỗi bước tiến của đất nước hôm nay và mai sau. Tên của Người - Hồ Chí Minh - đã vượt khỏi biên giới một quốc gia, trở thành biểu tượng thiêng liêng của tự do, nhân ái và khát vọng hòa bình cho toàn nhân loại.

Trong không gian lắng đọng và giàu cảm xúc, “Quà tháng 5 dâng Người” đã tái hiện hành trình cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua âm nhạc, vũ đạo, nghệ thuật trình chiếu và những thước phim tư liệu quý giá.

Dau an cua chuong trinh nghe thuat dac biet “Qua thang 5 dang Nguoi” hinh anh 2
 Hình ảnh tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung được tái hiện chân thực trong chương “Người đi tìm hình của nước”. (Ảnh: TRẦN HUẤN)

Lần lượt 3 chương nội dung gồm “Người đi tìm hình của nước”, “Ngọn cờ vì hòa bình” và “Sáng mãi tên Người - Hồ Chí Minh” được thể hiện với sự dàn dựng công phu, kết hợp giữa nhiều loại hình nghệ thuật ca, múa, nhạc, kịch, hoạt cảnh, điện ảnh và công nghệ trình chiếu 3D mapping hiện đại.

Chương đầu tiên “Người đi tìm hình của nước” đã tái hiện tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung lớn lên từ làn điệu dân ca êm đềm của quê hương xứ Nghệ. Tiếp đến là chặng đường 30 năm Người bôn ba tìm đường cứu nước. Tiết mục múa kết hợp trình chiếu hologram đã tạo nên những hình ảnh xúc động về hành trình của Bác giữa những năm tháng nơi đất khách quê người.

Ở chương thứ hai, phóng sự “Hồ Chí Minh - Ngọn cờ vì hòa bình và sức lan tỏa toàn cầu” được xem là điểm nhấn. Khán giả đã được lắng nghe chia sẻ của các học giả quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả đều kính phục trước tầm vóc tư tưởng và trái tim nhân ái của Người.

Chương thứ ba “Sáng mãi tên Người - Hồ Chí Minh” tập hợp các tiết mục thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc, vững bước đi theo con đường Bác Hồ đã chọn.

Dau an cua chuong trinh nghe thuat dac biet “Qua thang 5 dang Nguoi” hinh anh 3
 Hành trình Người ra đi tìm đường cứu nước được khắc họa rõ nét trong chương trình nghệ thuật. (Ảnh: TRẦN HUẤN)

Hình ảnh Người giản dị giữa đời thường được tái hiện sinh động qua sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và tư liệu điện ảnh, lần lượt mang đến những cung bậc cảm xúc cho khán giả.

Từ mái tranh đơn sơ nơi quê mẹ Làng Sen đến khán đài danh giá của Liên hợp quốc, từ những dòng nhật ký tuổi đôi mươi rực cháy lý tưởng đến bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9 thiêng liêng, Người đã khắc sâu tên Việt Nam trên bản đồ thế giới bằng trí tuệ uyên bác, khí phách kiên cường và tình yêu thương bao la.

Nghệ sĩ Ưu tú Trường Bắc, Tổng đạo diễn chương trình chia sẻ, điểm đặc biệt của "Quà tháng 5 dâng Người" nằm ở cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa các loại hình nghệ thuật đa dạng như: múa, âm nhạc, trích đoạn kịch ngắn, phim tài liệu…

Bên cạnh những yếu tố về hình thức dàn dựng, chương trình còn đưa khán giả đến với hành trình âm nhạc đầy cảm xúc, gắn liền với những dấu mốc thiêng liêng trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dau an cua chuong trinh nghe thuat dac biet “Qua thang 5 dang Nguoi” hinh anh 4
 Khán giả xúc động khi theo dõi chương trình. (Ảnh: TRẦN HUẤN)

Trong chương trình, những giai điệu như: "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người", "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó", "Bài ca Hồ Chí Minh", "Quyền được sống trong hòa bình"... được thể hiện qua giọng hát của các ca sĩ hàng đầu.

"Quà tháng 5 dâng Người" là sự kết hợp giữa các nghệ sĩ kỳ cựu như: Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền, Nghệ sĩ Nhân dân Quang Vinh, Nghệ sĩ Nhân dân Trường Giang, Nghệ sĩ Nhân dân Phương Thảo, Nghệ sĩ Ưu tú Lệ Giang...; cùng những gương mặt trẻ như: Anh Tú, Minh Châu, Thảo Nguyên, Hoàng Hải, Trang Pháp, Hoàng Hồng Ngọc... Nhờ đó, những ca khúc bất hủ về Người đã trở nên gần gũi, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Đêm biểu diễn không chỉ là lời tri ân, mà còn là lời nguyện ước sâu thẳm của mỗi người con đất Việt, nguyện sống và cống hiến theo tư tưởng của Bác, xây dựng một đất nước hòa bình, nhân văn, độc lập và hùng cường như Người hằng mong ước.

Thông qua những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quà tháng 5 dâng Người” đã khẳng định vai trò lịch sử, tầm vóc tư tưởng, di sản vĩ đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho cách mạng Việt Nam và cho tiến trình phát triển của dân tộc. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tin liên quan

Tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí

Tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí

Nhân kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2025), nhà báo kỳ cựu Martin Hacthoun - Trưởng đại diện Hãng thông tấn Prensa Latina tại Argentina, dành nhiều lời ca ngợi về vai trò tiên phong và tư duy vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp báo chí cách mạng.
Khẳng định tính chiến đấu của báo chí cách mạng Việt Nam

Khẳng định tính chiến đấu của báo chí cách mạng Việt Nam

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tờ Pasaxon - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đăng bài xã luận “Báo chí cách mạng luôn có tính chiến đấu”, khẳng định quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính chiến đấu của báo chí cách mạng là một trong những quan điểm cơ bản nhất.
Lễ báo công dâng Bác nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Lễ báo công dâng Bác nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Sáng 20/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm Trưởng Đoàn đại biểu người làm báo tiêu biểu dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67 trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.