Cựu chiến binh, bác sĩ chuyên khoa mắt Nguyễn Văn Nghiên khám mắt cho người bệnh. |
"Kính gửi các bác!
Là những y, bác sĩ từng phục vụ trong quân đội, nay đã về hưu nhưng các bác vẫn luôn hết lòng với công việc khám, chữa bệnh, tư vấn và cấp thuốc miễn phí, động viên, giúp đồng chí, đồng đội và người nghèo ấm lòng, hồi phục sức khỏe. Từ đáy lòng, cháu xin tặng các bác vần thơ: Sống vì đời lòng không bao giờ cạn/Bởi nghĩa nhân luôn xem nặng hơn vàng."
Rất nhiều lá thư như thế gửi về Phòng khám đa khoa từ thiện cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa, số 31 Trần Quý Cáp, thành phố Nha Trang. Phòng khám là ngôi nhà hai tầng với diện tích 150 m2 được UBND tỉnh cấp, gồm sáu phòng khám.
Ðến đây, chúng tôi xúc động khi chứng kiến các y, bác sĩ tận tình thăm khám, ân cần hướng dẫn người bệnh cách dùng thuốc, cách ăn uống, sinh hoạt, giữ gìn sức khỏe.
Bác sĩ Trần Văn Ðồng cho biết: Khánh Hòa hiện còn hơn sáu nghìn cựu chiến binh và khoảng 15 nghìn cựu quân nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Hồi ở chiến trường Lào, Cam-pu-chia, đã bao lần tôi đau lòng khi thấy nhiều đồng chí bị thương nhưng vì không có đủ bác sĩ, thuốc men và các phương tiện của ngành y để cứu chữa, nên không qua khỏi, hoặc phải cắt bỏ một phần cơ thể để có thể sống. Ðã về hưu, nhưng trước bệnh tật, khó khăn của đồng đội nghèo, tôi chỉ mong đem khả năng của mình để góp phần giúp các đồng chí, đồng đội, chiến thắng bệnh tật.
Bác sĩ Ðồng năm nay gần 70 tuổi, phụ trách phòng khám, từng tham gia nhiều chiến trường, làm Chủ nhiệm quân y của Trường Sĩ quan Thông tin. Ông đã từ chối nhiều lời mời làm việc ở những cơ sở khám, chữa bệnh với mức lương cao, để tình nguyện làm việc tại phòng khám này mà không một đòi hỏi. Tiếp xúc với các y, bác sĩ ở đây, chúng tôi đều cảm nhận được những tình cảm ấm áp của họ dành cho người bệnh, các đồng chí, đồng đội qua từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt.
Cựu chiến binh, lương y Trần Trung Kiên cũng vậy. Trong những năm phục vụ ở chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên và qua thực tiễn, học tập, cựu chiến binh này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu và sử dụng hiệu quả các bài thuốc y học cổ truyền. Ông còn tìm tòi, nghiên cứu và tổng hợp các bài thuốc hay của nhiều lương y nổi tiếng để chữa lành cho nhiều người bệnh.
Tâm sự với chúng tôi, ông chia sẻ: "Nếu so với nhiều đồng chí, đồng đội đã ngã xuống và bao người trở về không lành lặn, thì chúng tôi may mắn hơn rất nhiều. Tôi càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ, rằng bác sĩ phải như mẹ hiền. Ðối tượng của người thầy thuốc là con người, là sự giành giật sự sống cho người bệnh, y như chiến sĩ lúc xông pha trận mạc, đâu có thể lùi bước đầu hàng. Chính họ đã cho chúng tôi cơ hội được thấy mình còn có ích cho đời.
Từ khi hoạt động (năm 2007) đến nay, phòng khám với biên chế 15 y, bác sĩ đã khám, chữa bệnh, tư vấn miễn phí cho hơn 12.330 lượt cựu chiến binh, cựu quân nhân nghèo chưa có thẻ bảo hiểm y tế, nạn nhân chất độc da cam/dioxin,... với tổng trị giá gần 400 triệu đồng.
Nhờ luôn chủ động chuẩn bị tốt chuyên môn, bảo đảm an toàn trong kết hợp chẩn đoán, điều trị, cho nên phòng khám chưa để xảy ra sai sót đáng tiếc. Không ít trường hợp cấp cứu đột xuất được phòng khám sơ cứu kịp thời, an toàn. Nhiều bài thuốc tổng hợp của Phòng khám còn chữa khỏi cho nhiều người bệnh mắc các bệnh khó chữa. Có người bị ung thư máu dòng huyết chứng, như cháu Nguyễn Ngọc Thảo Vy, con của một cựu chiến binh nghèo ở phường Ngọc Hiệp, hay như cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hoan không có thẻ bảo hiểm y tế, ở xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, bị xơ gan cổ chướng, sau khi được phòng khám điều trị kết hợp đông, tây y, bệnh đã thuyên giảm, sức khỏe dần hồi phục. Bác Hoan tâm sự: Tôi và gia đình vui lắm! Ðồng chí, đồng đội, y, bác sĩ ở đây giờ như người thân ruột thịt của mình.
Chị Trần Thị Cẩm, vợ của cựu chiến binh ở xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa bị u xơ hạch cổ, khi khám ở bệnh viện bác sĩ kết luận là ung thư không chữa khỏi, gia đình rất lo. Ðến với phòng khám này, chị được các y, bác sĩ tư vấn để khám lại, xác định u lành. Khỏi bệnh, chị vẫn thường đến thăm các y, bác sĩ, và đề nghị được ủng hộ tiền để phòng khám mua sắm thêm thuốc men, thiết bị.
Phòng khám thật sự là "dấu cộng" tin cậy, gần gũi của nhiều người bệnh và người nhà bệnh nhân. Ðây còn là nơi gửi gắm tin yêu, sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, đông đảo cựu chiến binh trong và ngoài tỉnh.
Trực tiếp theo dõi Phòng khám, ông Ðặng Viết Tú, cán bộ Hội cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm: Mọi nguồn ủng hộ đều được ghi chép chi tiết, thực hiện báo cáo đầy đủ, chính xác. Việc quản lý, sử dụng, cấp phát thuốc luôn được Phòng khám thực hiện đúng quy định và quy chế hoạt động.
Thực hiện giao kết hỗ trợ giữa Phòng khám với Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa và Bệnh viện Quân y 87 (Bộ Quốc phòng) ở Nha Trang, các trường hợp mà bệnh tình vượt khả năng, khi đến đây, đều được Phòng khám nhanh chóng giới thiệu, chuyển ngay đến các bệnh viện để được cứu chữa và điều trị kịp thời.