Dạy học tốt, làm công tác đoàn giỏi

HÀ HỒNG HÀ và CÔNG LÝ

Thứ Ba, 15/09/2020 01:01
Được hỏi đam mê lớn nhất là gì, anh Phạm Công Tuấn, Bí thư Đoàn trường kiêm Bí thư Chi bộ 2 của Trường THPT chuyên Nguyễn Du (tỉnh Đắk Lắk) không ngần ngại đáp ngay: Được dạy môn tin học, được gắn bó suốt đời với nghề dạy học, với học sinh thân yêu. Từ đam mê và khát vọng cống hiến, anh Tuấn đã đạt được nhiều thành công trong nghề nghiệp và cuộc sống.
Đồng chí Phạm Công Tuấn (bên phải), Bí thư Chi bộ 2 Trường THPT chuyên Nguyễn Du trao quyết định cho đảng viên mới được kết nạp.
Đồng chí Phạm Công Tuấn (bên phải), Bí thư Chi bộ 2 Trường THPT chuyên Nguyễn Du trao quyết định cho đảng viên mới được kết nạp.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2008, anh Phạm Công Tuấn về công tác tại Trường THPT chuyên Nguyễn Du với công việc chuyên môn là giáo viên môn tin học, bồi dưỡng đội tuyển tin học của trường, của tỉnh. Anh Tuấn làm Bí thư Đoàn trường chín năm liên tục. Từ năm 2015, anh còn làm Bí thư Chi bộ 2 gồm hai tổ chuyên môn Toán-Tin và Ngoại ngữ, đảm nhiệm các công việc khác do Đảng ủy, Ban Giám hiệu giao.

Anh Tuấn cho rằng mình là người may mắn khi vừa được làm đúng nghề yêu thích vừa được làm cán bộ đoàn. Chất tươi trẻ của ngành tin học và của hoạt động đoàn khiến cho anh Phạm Công Tuấn luôn cảm thấy yêu đời, yêu trường, gắn bó với công việc. Hơn 1.000 học sinh của Trường THPT chuyên Nguyễn Du đều là những học sinh xuất sắc của vùng đất cao nguyên Đắk Lắk, từ đủ mọi vùng, miền, gồm nhiều dân tộc khác nhau, tạo nên sắc thái đa dạng trong hoạt động Đoàn trường.

Do có sự tổ chức tốt, học sinh trong trường nô nức tham gia các hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, cuộc thi tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam”, các nhóm, câu lạc bộ thể thao, văn nghệ, kỹ năng, các giải bóng đá. Hoạt động đoàn diễn ra đều khắp ở cả cấp độ toàn trường, chi đoàn và nhóm, tổ, câu lạc bộ. Các hoạt động xuất phát từ niềm đam mê và nhu cầu hoạt động của học sinh, cuốn hút cả các thầy giáo, cô giáo tham gia. Chính sự chủ động của học sinh đã làm cho hoạt động Đoàn trường luôn mới mẻ, sáng tạo, giảm áp lực tổ chức lên Ban Chấp hành Đoàn trường.

Những năm học gần đây, Đoàn trường tổ chức nhiều hoạt động đồng hành với học sinh trong học tập. Một trong các sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng dạy học của Đoàn trường là tổ chức các hội thi “Giờ học tích cực” trong 5 năm qua. Thông qua cách làm này, học sinh được làm quen, định hình một giờ học theo tinh thần đổi mới giáo dục. Các tiết học có dự giờ, đánh giá nhưng là đánh giá xem tính tích cực của học sinh đến đâu, tham gia xây dựng bài thế nào, qua đó phát huy tinh thần tự giác học tập của học sinh.

Bên cạnh đó, Đoàn trường còn phối hợp với cựu học sinh nhà trường tổ chức cuộc thi “Đỉnh Tri thức” từ năm 2016. Thông qua cuộc thi, lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk đã có hai cầu truyền hình cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” với sự tham gia của hai gương mặt xuất sắc đại diện cho trường là em Phan Tiến Tùng và em Đoàn Nam Thắng. Cuộc thi góp phần thúc đẩy phong trào học tập của học sinh toàn trường.

Anh Tuấn và Ban Chấp hành Đoàn trường còn nghiên cứu tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, như: Tổ chức “Tuần văn hóa ứng xử”, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”, kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh khối 12, cuộc thi “Pháp luật học đường”, thi tìm hiểu an toàn giao thông, bằng nhiều hình thức như sân khấu hóa, phát thanh vào các giờ ra chơi. Qua đó học sinh có thể chia sẻ, trao đổi, cổ vũ thói quen tốt, hành động đẹp, những kỹ năng xử lý tình huống để tránh bạo lực học đường. Bí thư Đoàn trường Phạm Công Tuấn đã cảm hóa được nhiều học sinh; có những em coi thầy Bí thư Đoàn trường như người “gỡ rối tâm sự”, mạnh dạn trao đổi với thầy về những vướng mắc trong cuộc sống, tình cảm. 

Sức lôi cuốn và tính hữu ích của hoạt động Đoàn trường tạo niềm tin cho đội ngũ giáo viên, do đó, từ Đảng ủy, Ban Giám hiệu đến các tổ bộ môn đều tạo điều kiện tốt nhất cho Đoàn hoạt động. Sự nhìn nhận, đánh giá của cán bộ, giáo viên đối với học sinh cũng thay đổi tích cực. Ba năm học gần đây, trường có bốn học sinh được kết nạp Đảng, nhiều em khác được học cảm tình Đảng. Nhà trường tự hào vì có những học sinh được vinh danh ở các sân chơi quốc gia và được kết nạp Đảng ở lứa tuổi vừa tròn 18. 

Với vai trò Bí thư Chi bộ 2 gồm hai tổ Toán-Tin và Ngoại ngữ với 17 đảng viên, anh Tuấn luôn khích lệ nỗ lực vươn lên của đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ. Chi bộ có 23 giáo viên trình độ thạc sĩ, hầu hết là giáo viên giỏi cấp tỉnh, tự hào có nhiều học sinh giỏi các cấp, trong đó có một học sinh là thủ khoa môn Tin học. Năm học 2019-2020, cá nhân anh Tuấn “đóng góp” ba học sinh giỏi quốc gia môn tin học, anh cũng đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Ba năm qua, Chi bộ 2 có sáu quần chúng được kết nạp Đảng, trong đó có bốn học sinh và hai giáo viên trẻ. Nhiệm kỳ 2017-2020, toàn bộ đảng viên trong Chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bồng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Du đánh giá: Đồng chí Tuấn có năng lực trong việc tổ chức, tập hợp, đoàn kết thanh niên, xây dựng phong trào. Công tác Đoàn đóng góp nhiều vào thành công của nhà trường trong những năm qua. Vừa qua, anh Phạm Công Tuấn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk khen thưởng vì thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.