Để công ty mạnh, cán bộ, nhân viên có cuộc sống tốt hơn

Phương Cường

Thứ Tư, 15/12/2010 19:21
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Thái Nguyên Nguyễn Đình Ngoạt, mới đây được bầu chọn là tấm gương tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

 

Từ phương châm hành động làm theo gương Bác Hồ để 'Công ty mạnh, cán bộ, nhân viên có cuộc sống giàu hơn', đồng chí Nguyễn Đình Ngoạt đã làm được việc mà nhiều người tưởng chừng như không thể. Nhớ lại năm 2003 khi nhận chức giám đốc, đồng chí phải đương đầu với biết bao khó khăn. Cái cần là vốn kinh doanh và con người  làm việc thì thiếu, nhưng lại rất dư thừa những cán bộ, nhân viên không đủ năng lực đáp ứng nhiệm vụ. Đang loay hoay tìm lối ra thì UBND tỉnh chỉ đạo công ty thực hiện cổ phần hóa. Tháng 1-2004, đơn vị chính thức thực hiện cổ  phần hóa. Ngay khi đó, đồng chí Ngoạt mạnh dạn quyết định cho gần 300 lao động nghỉ chế độ theo quy định của Nhà nước. Quyết định của đồng chí thực hiện đúng chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước và đáp ứng được nguyện vọng của đại bộ phận cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong công ty, nên không có một xáo trộn nào. Nhớ lại chuyện cũ, đồng chí tâm sự với chúng tôi: Nhiều người cầm quyết định đi tìm công việc mới đã đến gặp tôi, họ cảm ơn vì tôi đã cho họ một định hướng đúng, phù hợp sở trường năng lực thực tế của bản thân...

Tại cuộc họp giao ban đầu tiên của công ty sau cổ phần hóa, đồng chí đưa ra chủ trương: 'Bản thân mỗi cán bộ, viên chức không chỉ làm ra đồng lương cho chính mình, mà còn phải làm ra lợi nhuận để công ty phát triển mạnh hơn'. Để đổi mới hoạt động của công ty, đồng chí Ngoạt quyết định thay đổi một số bộ phận, phòng, ban, sắp xếp người lao động vào các vị trí phù hợp. Một phần ba lao động gián tiếp tại văn phòng, chi nhánh trực thuộc đã tự nguyện viết đơn đi lao động trực tiếp tại các bộ phận giao nhận, hoặc điểm bán tại các trung tâm cụm, xã. Khi nhân lực đi vào hoạt động ổn định, đồng chí tiếp tục đề ra chủ trương: 'Nâng cao chất lượng cung ứng, tăng cường công tác tiếp thị. Cuối năm cộng dồn sổ, công ty thực hiện cung ứng được hơn 30.000 tấn phân bón các loại cho nông dân, đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng, lương bình quân đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng. Từ đó, cán bộ, nhân viên tự tin  hơn khi góp sức cùng công ty bước vào cơ chế mới.

Năm 2005, trên các trục đường chính trong thành phố Thái Nguyên; ở trung tâm cụm, xã, các cửa hàng, điểm bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của tư nhân mọc lên như nấm. Sau mấy đêm trăn trở mất ngủ, đồng chí Ngoạt bật ra ý tưởng mới trong chiếm lĩnh thị phần. Để thực hiện được ý tưởng này, đồng chí yêu cầu mỗi người lao động trong công ty phải bảo đảm một khối lượng công việc phù hợp khả năng từng người, từng vùng, miền. Giám đốc càng phải gương mẫu. Đồng chí Ngoạt tâm sự: Người lao động không thể ngồi chơi, hoặc là việc đối phó khi họ tận mắt thấy người chỉ huy đã làm việc hết mình. Năm đó, công ty đạt sản lượng bán ra hơn 40.000 tấn, tăng hơn năm trước 10.000 tấn, đạt doanh thu cả năm hơn 120 tỷ đồng, tăng hơn 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong kinh doanh, điều quan trọng là ý tưởng của người lãnh đạo đưa ra phù hợp thực tế. Đồng thời là cách tổ chức, tập hợp được sự đoàn kết của cán bộ, nhân viên trong công ty. Liên tục trong 5 năm gần đây, công ty luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng từ 15 đến 17%/năm, doanh thu năm sau luôn tăng cao hơn so với năm trước, năm 2009 vừa qua, doanh thu của công ty đạt hơn 575 tỷ đồng... Sau ba năm cổ phần hóa, sự quyết đoán của Giám đốc Nguyễn Đình Ngoạt đã đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng, nhưng chẳng mảy may thất thoát. Đồng chí đề nghị chi hàng tỷ đồng mua thêm một khu đất rộng hơn 3.000 m2 để xây dựng kho bãi chứa vật tư phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu và xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Một số nhà làm việc, kho bãi tại các chi nhánh trực thuộc công ty xuống cấp, đồng chí và lãnh đạo công ty cho xây dựng lại chắc chắn, đẹp đẽ hơn.

Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Ngoạt và những người lao động trong công ty đã tạo được thương hiệu, uy tín với bạn hàng. Năm năm vừa qua (2005-2009), đảng bộ công ty liên tục đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc; công ty được các ngành, các cấp tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua... Năm 2009, công ty vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì; đồng chí được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thái Nguyên tặng nhiều bằng khen. Đồng chí tâm sự: Hằng ngày, lúc tôi trở về nhà các con đã đi ngủ. Khi tôi đi làm, vợ con còn chưa thức giấc.

Chuông điện thoại lại đổ reng reng, câu chuyện giữa chúng tôi liên tục bị gián đoạn vì các cuộc giao dịch. Đồng chí Ngoạt cho biết: Để giảm giá thành từ 150 đến 200 đồng/kg phân bón cho nông dân, công ty phải trực tiếp ký kết các hợp đồng với nhà sản xuất, hoặc đến tại các cửa khẩu để nhập hàng chuyển về, giao thẳng tới các cửa hàng, điểm bán. Hỏi bí quyết để thành công trong thương trường, đồng chí nói: Cả thế giới trên mạng in-tơ-nét, các thông tin về giá cả đều có ở đó, điều quan trọng là mình biết xử lý thông tin như thế nào cho chính xác. Nhất là việc hiểu quy luật vận động của thị trường, phải biết quan sát, nghe ngóng xem 'đường sin' về giá lên đến bao nhiêu, hoặc xuống đến bao nhiêu, rồi đưa ra quyết định đúng lúc sẽ luôn giành phần thắng.

 

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.