Diễn Châu phát triển Đảng trong trường học

LÊ HOÀI THUNG (Nghệ An)

Thứ Năm, 04/12/2008 05:00
Giờ sinh hoạt tập thể của học sinh
Trường tiểu học xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).
Giờ sinh hoạt tập thể của học sinh Trường tiểu học xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).

Năm 1990 trở về trước, nhiều chi bộ trường học ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) gặp khó khăn trong việc phát triển đảng viên. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các xã còn chưa thật sự lãnh đạo toàn diện, coi việc phát triển đảng và chất lượng đào tạo là nhiệm vụ của ngành giáo dục.

Ở địa phương thì lo việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp và huy động  trẻ đến trường. Hơn nữa, vào thời điểm đó, một bộ phận giáo viên, nhất là giáo viên trẻ chưa có chí hướng rèn luyện phấn đấu để trở thành đảng viên. Do vậy, lúc đó Diễn Châu còn có 30% số trường học, nhất là hệ mầm non chưa có đủ đảng viên để thành lập chi bộ phải sinh hoạt ghép với trạm y tế xã.

Thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về phát triển đảng viên trong trường học, Huyện ủy Diễn Châu và đảng bộ các xã đã đề ra nhiều biện pháp và việc làm thiết thực tạo môi trường thuận lợi để các thầy giáo, cô giáo phấn đấu trưởng thành.

Hằng tháng, Ban Thường vụ Ðảng ủy các xã phân công về các chi bộ bàn cách tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng cơ sở trường lớp, huy động trẻ đến trường và ra nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng. Ban giám hiệu, chi bộ đảng các trường học mở hội thảo viết sáng kiến kinh nghiệm, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt học tốt, duy trì các hoạt động văn hóa thể thao, tuyên truyền giáo dục lý tưởng, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Từ những việc làm cụ thể trên, trường học nào cũng tạo được hoạt động thi đua "Dạy thật tốt, học thật tốt" và chọn ra những quần chúng ưu tú trong đội ngũ giáo viên để giới thiệu kết nạp đảng. Việc phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng ưu tú cũng được các chi bộ làm tốt.

Thầy giáo Phạm Văn Thành, Trưởng Phòng Giáo dục - Ðào tạo huyện Diễn Châu cho biết: "Từ suy nghĩ vào đảng không phải là được đề bạt, nâng lương mà để làm việc, cống hiến tốt hơn, xây dựng cơ sở trường lớp khang trang. Bởi vậy, ngay sau khi có Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị, phòng đã tham mưu với Huyện ủy, Trường Bồi dưỡng Chính trị huyện mở các lớp tìm hiểu về Ðảng, nhất là vào dịp hè dành cho những quần chúng ưu tú là giáo viên vừa bảo đảm nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia học tập nâng cao nhận thức về Ðảng. Ðồng thời chỉ đạo hướng dẫn ban giám hiệu, chi bộ đảng trong các trường học tổ chức học tập quán triệt Chỉ thị 34 để làm tốt hơn công tác phát triển đảng, củng cố các đoàn thể quần chúng vững mạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao".

Ðiều đáng mừng là năm năm qua toàn huyện đã có hơn 800 quần chúng ưu tú là giáo viên được cử đi học các lớp bồi dưỡng kết nạp đảng. Ðã xét kết nạp hơn 600 đảng viên. Trong đó có 150 thầy giáo, cô giáo được kết nạp trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của ngành.

Hầu hết số đảng viên mới kết nạp đảng đều có trình độ đại học, cao đẳng, trong đó hơn 60% là nữ; nâng tổng số đảng viên đến năm học 2008-2009 là 40% tổng số giáo viên trong toàn huyện.

Nhờ làm tốt công tác phát triển đảng, đến nay tất cả cơ sở giáo dục trong huyện đều có chi bộ. Số đảng viên trẻ được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng các đoàn thể quần chúng trong các trường học chiếm 45%. Chất lượng giáo dục-đào tạo cũng nhờ thế mà được nâng lên.

Phong trào xã hội hóa giáo dục, kiên cố hóa trường học được chăm lo làm tốt. Cả 119 chi bộ trường học được công nhận đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Tháng 4-2008, Trường tiểu học Diễn Xuân vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.