Gắn bó với đồng bào vùng cao

DUY HƯƠNG

Thứ Tư, 27/07/2011 19:40
Lên Ðiện Biên, vào một số thôn, bản khi được biết chúng tôi là nhà báo, đồng bào càng trở nên cởi mở và thân thiện. Tìm hiểu kỹ, mới biết, có được điều ấy là nhờ các đồng nghiệp ở Báo Ðiện Biên Phủ bao năm dày công thực hiện "bốn cùng" với bà con các dân tộc. Báo Ðiện Biên Phủ là điểm sáng trong thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tỉnh Ðiện Biên.

Triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Báo Ðiện Biên Phủ thực hiện phương châm "bốn cùng": cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo lý giải của Tổng Biên tập Hoàng Văn Thành, nếu không biết tiếng của đồng bào thì hiệu quả của ba cùng còn lại bị hạn chế khá nhiều, nhất là trong tuyên truyền để đồng bào các dân tộc hiểu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Tòa soạn báo cũng xác định, do đặc thù của một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nên tuyên truyền về đợt sinh hoạt chính trị này không chỉ là những bài viết trên báo mà phóng viên khi đi xuống địa bàn còn phải tuyên truyền miệng, giúp bà con hiểu học tập, làm theo gương

Bác Hồ từ những việc cụ thể như: không chặt phá rừng bừa bãi, lo cho con cháu đến trường học chữ đều đặn. Học theo Bác là phải biết tiết kiệm, không uống rượu bê tha, không hút thuốc phiện, chịu khó trồng thêm cây rau, nuôi thêm con gà, con lợn... Kiên trì như thế, hơn bốn năm qua, cùng với hàng trăm bài viết mộc mạc như cách nói, cách nghĩ của đồng bào trên trang báo là hàng trăm lượt phóng viên về với bà con trong các bản làng xa xôi tuyên truyền về học tập và làm theo lời Bác. Ðánh giá cao những việc làm đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng báo Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức sáng tác, quảng bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2008-2011.

Chính từ những chuyến đi cơ sở, các đồng chí lãnh đạo và phóng viên cứ đau đáu về những đứa trẻ vùng cao áo quần chưa đủ mặc, thiếu ăn trong những ngày giáp hạt, trường lớp tạm bợ, con chữ vơi đầy theo mùa no, đói. Thế là tòa soạn báo quyết định, mỗi người làm Báo Ðiện Biên Phủ có trách nhiệm giúp đồng bào khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất. Nhờ đó, đồng bào ở nhiều bản đã biết làm theo các mô hình mới như: trồng đậu tương, tre bát độ để lấy măng, trồng cỏ voi nuôi trâu, bò, làm thủy lợi nhỏ phục vụ sản xuất...

Phóng viên là những người "cầm tay, chỉ việc", hướng dẫn đồng bào kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc các loại giống cây, con mới. Ðiển hình là ở hai xã đặc biệt khó khăn Phình Giàng, Pú Hồng (huyện Ðiện Biên Ðông), nơi Báo Ðiện Biên Phủ nhận đỡ đầu. Ðiện đã sáng bừng trong từng bản nhỏ. Hai xã từng nổi tiếng là "năm không": không đèn, không điện, không nước sạch, không nhà văn hóa, nhiều trẻ em không được đến trường thì nay đã trở thành "năm có".

Cùng với đó, cán bộ, phóng viên của báo đến nhiều nơi vận động các nhà hảo tâm, công ty, xí nghiệp, tập đoàn kinh tế cùng giúp đồng bào dân tộc thiểu số. Giờ đây, không tháng nào, Báo Ðiện Biên Phủ không đón ít nhất một đoàn từ thiện đến với bà con vùng cao, vùng xa. Họ đến với báo không chỉ vì sự đón tiếp ân cần, chu đáo mà còn vì những đồng tiền, cân gạo qua báo để góp phần có thêm những căn nhà tình nghĩa, nhà nội trú, lớp học mầm non, trạm y tế và những bát cơm đầy ngày giáp hạt nơi thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa mà không hề bị rơi rớt, hao hụt.

Hơn 4 năm qua, Báo Ðiện Biên Phủ đã vận động tài trợ được gần 10 tỷ đồng, hàng chục tấn gạo và hơn hai trăm con trâu, bò. Cán bộ, phóng viên, nhân viên ở Báo Ðiện Biên Phủ đã "thành danh" là "Nhà báo từ thiện", "Nhà báo cắm bản", "Nhà báo xóa đói, giảm nghèo" trong lòng bà con các dân tộc ở Ðiện Biên. Tổng Biên tập Hoàng Văn Thành được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có những thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2010.            

Sự tận tâm và cách làm hiệu quả cao của đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Ðiện Biên Phủ đã có sức lan tỏa trong đời sống. Các đơn vị bộ đội, công an tỉnh mỗi khi vào các thôn, bản vùng sâu, vùng xa công tác đều điện thoại đến Báo Ðiện Biên Phủ hỏi xem có cần chở gì vào giúp bà con không. Họ coi việc giúp đỡ báo vừa là trách nhiệm chung vừa là việc làm trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sức hút "làm việc thiện" của Báo Ðiện Biên Phủ còn lan tỏa đến nhiều địa phương, đơn vị khác như: Tập đoàn Tân Tạo, gia đình Phú An, Nhà hàng Ngọc Sơn, Báo Công an... ở TP Hồ Chí Minh; Công ty Khoáng sản Thăng Long, chùa Linh Sơn, Báo Hà Nội mới... ở TP Hà Nội.

Ngay ở cơ quan báo, những phóng viên, biên tập viên là đoàn viên, thanh niên đã tự nguyện lập quỹ để giúp đỡ những học sinh học giỏi vượt khó. Cứ mỗi tin, bài ký tên tác giả là Thanh Niên thì số tiền nhuận bút đó được chuyển vào quỹ. Bình quân mỗi tháng cũng được hơn hai triệu đồng. Phóng viên Lê Lan, Bí thư Chi đoàn báo phấn khởi cho biết, vừa tổ chức đưa em Mai Văn Lưu, một học sinh được Chi đoàn đỡ đầu về Hà Nội thi vào Trường đại học Bách khoa.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.