Anh và các đồng nghiệp vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn tận tình trị bệnh, cứu người, mang lại niềm vui, hạnh phúc và sự tin tưởng của đồng bào đối với các thầy thuốc nơi vùng cao.
Sau khi tốt nghiệp, cậu sinh viên trẻ Nguyễn Quốc Hùng được điều về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa, một huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu (trước đây, nay là tỉnh Ðiện Biên). Dẫu biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng khi thực tế vào công việc mới thấy thiếu thốn trăm bề, mà trước đó không thể nào hình dung ra hết.
Tuy vậy, các anh luôn tự động viên để vượt qua khó khăn, mình được đi học lấy cái chữ, rồi học làm thầy thuốc, trong khi đó, bà con mình còn rất nhiều người đói nghèo, nhiều hủ tục trong đời sống sinh hoạt, nhất là khi ốm đau, bệnh tật người dân thường mời thầy mo, thầy cúng về nhà chữa bệnh thay vì đến với các thầy thuốc...
Khi ngành y tế địa phương thực hiện chính sách luân chuyển, điều động cán bộ đến với vùng sâu, vùng xa, nơi thiếu các cán bộ y tế, bác sĩ Hùng xung phong về Trạm y tế xã Lao Xả Phình công tác hai năm.
Lao Xả Phình thời điểm đó là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Tủa Chùa, dân cư thưa thớt, việc đi lại rất khó khăn, có bản cách xa trạm y tế xã đến nửa ngày đi bộ. Khi ở gần bà con, anh càng thấu hiểu và cảm thông những khó khăn trong cuộc sống, nhất là lúc họ ốm đau, bệnh tật.
Với lương tâm và trách nhiệm, những người thầy thuốc ở đây đoàn kết vượt qua những khó khăn, thiếu thốn thực hiện "ba cùng" với bà con. Anh em trong trạm luân phiên nhau đến từng bản, từng gia đình tìm hiểu, chia sẻ những khó khăn của bà con và tuyên truyền, trang bị kiến thức cho người dân về phòng bệnh, vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ngoài ra bà con thường xuyên được cán bộ y tế đến gia đình thăm khám, khi phát hiện bệnh để được điều trị kịp thời. Khi không may bị đau ốm, bà con không nên đi mời thầy mo, thầy cúng về nhà chữa bệnh, mà đến với trạm y tế, ở đó luôn có những thầy thuốc sẵn sàng "bắt" cái bệnh.
Thấm thoắt đã 18 năm, bác sĩ Hùng cùng các đồng nghiệp sống, làm việc ở Tủa Chùa, gắn liền với bao kỷ niệm buồn, vui trong cuộc sống và công việc. Nhiều lúc có những ca bệnh ở xa đến, người bệnh, cũng như người nhà vừa đói, vừa rét, bệnh lại nặng, các bác sĩ bỏ tiền túi khẩn trương đi mua đồ ăn, thức uống giúp họ vượt qua lúc hiểm nghèo. Hay có những ca mổ cấp cứu như: Chửa ngoài tử cung; thủng dạ dày; vết thương mạch máu; mổ lấy thai... cần phải can thiệp khẩn cấp, anh em trong kíp trực, kíp mổ lại nhịn đói, hay đi trong mưa gió, đêm lạnh để kịp thời đến cứu chữa người bệnh.
Tâm sự về nghề, anh chia sẻ, với bất cứ ai làm nghề thầy thuốc đều ghi nhớ lời căn dặn của Bác Hồ: Lương y như từ mẫu. Không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn hết lòng chăm lo cho người bệnh, mười tám năm qua bác sĩ Hùng luôn cố gắng học hỏi đồng nghiệp cùng tập thể y, bác sĩ trong khoa nói riêng và trung tâm nói chung luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn luôn niềm nở, dịu dàng, không phân biệt đối xử mà phải công bằng, trung thực, tận tình, cẩn trọng, chu đáo khi chăm sóc người bệnh dù người bệnh giàu hay nghèo. Với công tác chuyên môn, không được tùy tiện, không qua loa, không tắc trách dẫn đến bỏ sót bệnh, nhầm lẫn có hại cho sức khỏe và tính mạng người bệnh khi đến với mình.