Gìn vàng giữ ngọc cho hay

QUẾ PHI

Thứ Sáu, 26/07/2013 21:29
"Làm gốm ở đây hiện có vài trăm hộ nhưng chỉ còn một người duy trì nghề gốm thủ công. Anh ấy thích tự do sáng tạo trong quá trình tạo tác sản phẩm, song hơn cả, là muốn giữ được nghề quý giá của cha ông" - Ðồng chí Lê Mạnh Vinh, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm 2, nói về anh Phạm Anh Ðạo (36 tuổi), người thợ khiếm thính, tài hoa của làng gốm Bát Tràng, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội).

 

Trận ốm kéo dài hồi nhỏ khiến khả năng nghe của Ðạo rất khó khăn. Nghe khó, vì thế việc học nói, học chữ của cậu cũng rất gian nan. Tập mãi, rồi Ðạo cũng nói được, nhưng câu không đầy đủ, trọn vẹn. Vốn con nhà nghề là cơ hội để Ðạo làm quen với những sản phẩm gốm vuốt tay khá sớm. Năm 17 tuổi, anh vào làm công cho xưởng sản xuất gốm sứ. Tiếp xúc với máy móc, với những sản phẩm gốm cùng khuôn, Ðạo thấy sản phẩm ra lò khá nhanh và đẹp, nhưng không thể so bằng những tác phẩm của các nghệ nhân làng gốm trước đây. Kinh tế thị trường, phải áp dụng khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa sản xuất bằng máy móc là đương nhiên. Nhưng vẫn có thể sống với nghề gốm thủ công của cha ông lắm chứ! Nghĩ thế, anh thôi làm ở xưởng để ở nhà thực hiện khát khao. Anh mượn bố chiếc bàn xoay để tập. Có bàn xoay, để đỡ phải dùng tay đẩy, Ðạo nghĩ cách lắp mô-tơ. Mô-tơ quay nhanh khiến việc vuốt gốm không được, đất bắn tung tóe, anh lại thay thế bằng mô-tơ có công suất nhỏ hơn. Từ đây, suốt ngày Ðạo mày mò, tìm hiểu và áp dụng tất cả những kiến thức, kỹ năng của mình, dồn hết tâm sức vào nghề nặn gốm. Càng học càng khó, càng cố càng hỏng khiến không ít lần anh chán nản, bi quan... Tâm sự với chúng tôi về nỗ lực theo đuổi nghề, anh Ðạo chia sẻ: Qua sách báo, tôi được biết trên hành trình tìm đường cứu nước, kể cả những khi phải làm việc rất cực khổ nhưng Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã luôn cố gắng, bằng đôi bàn tay lao động cần cù, chân chính của mình để vừa kiếm sống vừa học tập và hoạt động cách mạng. Chính sự kiên trì, bền chí và nhẫn nại của Bác là động lực giúp tôi tiếp tục công việc, bắt đầu từ những việc nhỏ, những việc đơn giản đến phức tạp, lớn hơn. Và trong quá trình học, tôi hiểu, nghệ thuật không phải là sao chép tự nhiên mà đòi hỏi sự lao động nghiêm túc.

Chị Trinh chưa quên những ngày mới về làm vợ anh Ðạo. Chị kể: "Thấy chồng tối ngày như dính chặt bàn xoay, khó nhọc với đất, em cũng tham gia vài ba việc phụ, vò đất cho thật nhuyễn, sao cho các hạt đều nhau. Sau đó anh Ðạo đưa lên bàn xoay và nhào lại, đạt mong muốn, rồi mới tạo hình. Có lúc em giãi bày ý định chuyển sang làm gốm công nghiệp, thì anh ấy bảo: "Em muốn, cứ việc mua máy về làm. Còn anh, anh vẫn làm bằng tay!".

Thấy tôi mải ngắm đôi chóe cao khoảng 2,5 m, đường kính cỡ 1,3 m đặt giữa gian hàng của gia đình, chị Trinh cho biết: Hai sản phẩm độc đáo này được anh Ðạo làm trong năm 2009. Cuối năm 2008, người dân Bát Tràng bàn việc nên có ai đó làm một sản phẩm gốm vuốt tay để tham gia lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Qua nghe ý định làm đôi chóe của chồng, em thử hạch toán và đâm lo. Lo là từ trước tới nay, chưa từng có ai ở Bát Tràng làm bằng tay được cái chóe cao và to đến thế. Và em cũng không hình dung được anh ấy sẽ nặn, vuốt ra nó bằng cách nào? Với kích thước ấy, liệu có chọn, tuyển được chất đất để làm không? Một lúc bỏ ra mấy trăm triệu đồng đầu tư làm chóe là một việc rất phải đắn đo, nếu việc làm chóe thất bại. Trước sự kiên trì thuyết phục của anh Ðạo, em gác đắn đo và cùng nhập cuộc. Ðôi chóe được hình thành sau 10 tháng tạo hình, đắp nặn, chỉnh sửa, tô mầu, làm men. Tiếp đến là nung liên tục sáu ngày, sáu đêm trong sự kiểm soát nhiệt độ rất nghiêm ngặt, trong sự hồi hộp tưởng có lúc nghẹt thở của cả gia đình. Ðã có vài người đến ngỏ ý mua đôi chóe với giá gần một tỷ đồng nhưng chúng em không bán, mà quyết định tặng đình Bát Tràng một chiếc, một chiếc tặng đình Kim Lan (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm - quê chị Trinh) và đang chờ hai đình trùng tu xong là chuyển đến.

Những sản phẩm độc bình, nậm rượu, chóe, ấm, bình vôi, chân đèn,... bằng gốm men ngọc, men rạn, men hoa lam, v.v. được trang trí họa tiết hoa văn đắp nổi, khắc chìm khá cầu kỳ, tinh xảo của nghệ nhân Phạm Anh Ðạo ngày càng được nhiều người biết đến, tìm mua. Ðược biết, bên cạnh những đơn hàng "chung thủy" trị giá vài trăm triệu đồng, vợ chồng anh Ðạo hiện đang đáp ứng đơn hàng gồm 30 nghìn chiếc bát su-pa-chi để sớm chuyển sang Nhật Bản. Là một trong nhiều người thích những sản phẩm gốm vuốt tay của gia đình nghệ nhân Phạm Anh Ðạo, ông Phùng Khắc Hoan, đến từ tỉnh Phú Yên cho rằng: Chơi gốm thủ công chính là chơi "hàng hiệu". Nhưng hơn thế, người chơi còn có thể cảm nhận trong tác phẩm gốm vuốt tay là tâm hồn, sự ngẫu hứng và cả niềm đam mê của người thợ tài hoa.

Nỗ lực vượt lên khó khăn, cần cù lao động, sáng tạo, làm giàu cho mình và quê hương, góp phần "gìn vàng giữ ngọc" cho làng gốm Bát Tràng, Phạm Anh Ðạo liên tục được nhận nhiều danh hiệu: Thanh niên Thủ đô tiêu biểu, 10 gương mặt trẻ Thủ đô, tài năng trẻ Việt Nam, v.v. Năm 2012, anh được công nhận là nghệ nhân làng gốm Bát Tràng. Tháng 6 vừa qua, nghệ nhân Phạm Anh Ðạo vinh dự được tuyên dương tại Hội nghị toàn quốc về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013.

 

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.