Giúp nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Bài, ảnh: HỒNG HÀ và THÀNH CHÂU

Thứ Ba, 14/05/2019 02:39
Say mê nghiên cứu khoa học, đồng cảm với nỗi vất vả của nông dân, Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh) Trần Thị Thúy Anh cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm có tính ứng dụng cao, hỗ trợ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông nghiệp sạch.
Thạc sĩ Trần Thị Thúy Anh (bên trái) cùng các cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nghiên cứu trồng hoa thương phẩm.
Thạc sĩ Trần Thị Thúy Anh (bên trái) cùng các cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nghiên cứu trồng hoa thương phẩm.

Nhiều nông dân Hà Tĩnh đã quen với hình ảnh kỹ sư Thúy Anh cặm cụi trên ruộng, vườn cùng chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tìm nơi tiêu thụ nông sản. Quê chị ở xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, một vùng chuyên làm nước mắm. Từ nhỏ, thấy người dân làm mắm rất vất vả, tốn nhân công, chị ấp ủ ước mơ sẽ giúp người dân bớt gánh nặng. Từ đó chị nghiên cứu, sáng chế quy trình náo đảo tự động, kết hợp giữa năng lượng mặt trời và năng lượng điện để tạo ra nhiệt độ phù hợp nhất giúp chuyển hóa tối đa nguyên liệu. Cách làm này giúp duy trì nhiệt độ ổn định, thay thế các công đoạn náo đảo và rang phơi theo phương pháp truyền thống, tiết kiệm chi phí nhân công, tạo ra loại nước mắm mầu sắc đẹp, hương vị thơm ngon hơn. Ứng dụng trên thực tế cho thấy quy trình công nghệ mới rút ngắn thời gian chế biến nước mắm khoảng sáu tháng và lượng nước mắm cốt thu được nhiều hơn 30% so với trước.

Tỉnh Hà Tĩnh có 137 km bờ biển với rất nhiều làng nghề nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống náo, đảo, rang, phơi, hoàn toàn phụ thuộc thời tiết. Dự án “Nghiên cứu thiết kế hệ thống bình ổn nhiệt cung cấp cho các bể chượp muối nước mắm” do chị Thúy Anh chủ trì đã khắc phục sự bất lợi của thời tiết, được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiệm thu vào tháng 12-2017, được nhiều địa phương đánh giá cao và đưa vào sử dụng.

Ở tuổi 40, chị Thúy Anh đã gặt hái nhiều thành tích trong nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Khai thác và phát triển nguồn gien mộc hoa trắng và xích đồng nam tại Hà Tĩnh làm nguyên liệu sản xuất thuốc; Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến năm 2020. Bên cạnh đó, chị trực tiếp chủ trì, quản lý và tham gia nhiều dự án cấp bộ, cấp tỉnh, làm chủ nhiệm các dự án: Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất hoa phong lan tại Hà Tĩnh; xây dựng mô hình nhân giống và trồng hoa thương phẩm tại Hà Tĩnh; ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh; xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp và chất thải hữu cơ; mô hình chăn nuôi lợn rừng và con lai tại huyện Hương Sơn; sản xuất chế phẩm vi sinh xử lý mùi hôi chuồng trại chăn nuôi... Các nghiên cứu nêu trên phù hợp thực tế ở nông thôn, được nông dân nhiệt tình tham gia.

Thực hiện chủ trương hướng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao nhiều giống cây, chế phẩm sinh học cho người dân. Đồng chí Phan Trọng Bình, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh nhận xét: Chị Thúy Anh công tác tại Trung tâm từ năm 2000 đến nay, có bằng thạc sĩ nông nghiệp do Đài Loan (Trung Quốc) cấp năm 2007. Trung tâm với hạt nhân là Phó Giám đốc Thúy Anh đã trở thành cầu nối giữa khoa học công nghệ với người dân. Ấn tượng nhất là các chế phẩm đưa vào xử lý môi trường, mùi hôi chuồng trại. Ban đầu chế phẩm này chỉ ứng dụng cho các xã nông thôn mới, sau thấy hiệu quả nên được triển khai trên toàn tỉnh. Trung tâm đã tạo ra các sản phẩm chủ lực tạo nguồn thu, nhờ đó sau 5 năm thực hiện tự chủ hoàn toàn, Trung tâm hoạt động hiệu quả, chăm lo đời sống cho 20 nhân viên và nhiều lao động thời vụ.

Hiện, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ được đầu tư khang trang với nhiều xưởng sản xuất, nhà lưới, phòng thí nghiệm, vườn ươm... Các nhà trồng hoa lan, dưa lưới và các giống cây có nhiều lớp bảo vệ. Ngoài nghiên cứu, chị Thúy Anh cùng cán bộ Trung tâm đến từng thôn, xã để tư vấn, hướng dẫn bà con xây dựng các mô hình sản xuất giống cây, con, ứng dụng các chế phẩm sinh học làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, xử lý môi trường chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Chị Thúy Anh tâm sự: Chính sự đồng cảm với nông dân đã khiến đội ngũ cán bộ kỹ thuật không ngại khó, ngại khổ, quyết tâm sáng chế các sản phẩm để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật, người dân xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà đã nắm bắt và ứng dụng thành thạo quy trình trồng rau sạch, sử dụng phân hữu cơ. Chị vẫn nhớ những ngày cùng người dân kéo rơm rạ để ủ phân hữu cơ vi sinh, cùng trồng cây, chăm bón, thu hoạch và cùng đi bán hoa quả. Nhờ sự gắn bó ấy, đến đâu chị cũng được nông dân quý mến như người nhà.

Đến nay, Trung tâm đã sản xuất và tiêu thụ 75 nghìn gói chế phẩm Hatimic để xử lý mùi hôi chuồng trại; 80 nghìn lít chế phẩm Hati BIO và Emic xử lý phế thải nông nghiệp. Nhiều đơn vị thường xuyên sử dụng chế phẩm của Trung tâm như bãi rác Phượng Thành, các điểm tập kết rác thải sinh hoạt, các khu dân cư mẫu, vườn mẫu, các trường nghề, hợp tác xã.

Bên cạnh đó, chị Thúy Anh cũng hoàn thành xuất sắc trách nhiệm là Phó Bí thư chi bộ, Chủ tịch Công đoàn, được nhiều cấp khen thưởng. Mới đây, chị được Tỉnh ủy Hà Tĩnh vinh danh là điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.