Đảng ủy xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng họp triển khai kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. |
Đề cao tính thiết thực
Trao đổi ý kiến với đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của tỉnh Hà Nam mới thấy việc xây dựng mô hình điểm tưởng dễ mà lại khó, vì các đơn vị đều làm công việc thường ngày, theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Chỉ những đơn vị có cách làm hay, hiệu quả cao, được nhiều người biết, mới có thể được coi là mô hình. Đồng chí Lê Thị Thanh Hương, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam phân tích về mô hình cải cách hành chính ở xã Tràng An, huyện Bình Lục: Cả huyện, xã phải vào cuộc xây dựng mô hình này. Bởi vì, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả là công việc bình thường, xã nào cũng có bộ phận “một cửa”. Nhưng để có được hiệu quả cao, chuẩn hóa công tác tiếp dân thì phải đầu tư từ cơ sở vật chất cho đến kiểm tra, giám sát công chức thực thi công vụ có đúng quy định hay không.
Xã Tràng An đã mở rộng diện tích làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, mua sắm trang thiết bị, bàn ghế, lắp ca-mê-ra giám sát. Các loại bảng biểu, quy định được sắp xếp lại cho hợp lý. Công chức tiếp dân mặc đồng phục, đeo biển tên, không làm tắt quy trình giải quyết hồ sơ. Đảng ủy xã quán triệt cán bộ, công chức không nhận hồ sơ trực tiếp từ công dân. Những công việc nào theo quy định phải qua bộ phận “một cửa” thì không gặp trực tiếp cán bộ lãnh đạo. Nội dung này còn được phổ biến đến từng thôn, xóm để người dân biết và thực hiện. Cũng phải mất một thời gian khá dài để tạo thành nền nếp làm việc. Khi mô hình đã ổn định, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Lục mời tất cả các xã đến tham quan, học tập mô hình cải cách thủ tục hành chính xã Tràng An, sau đó nhân rộng ra toàn huyện.
Cách làm của huyện Kim Bảng cũng rất bài bản. Trong số 76 mô hình điểm “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2017, Huyện ủy lựa chọn bốn mô hình điểm cấp huyện. Năm 2018, huyện Kim Bảng xây dựng 151 mô hình, trong đó có năm mô hình điểm cấp huyện. Đáng chú ý, Chi bộ Trường THPT Lý Thường Kiệt thực hiện mô hình “Học tập và làm theo phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh” với nhiều nội dung và hình thức phong phú, như tọa đàm, giao lưu, tổ chức cho cán bộ, đảng viên thi kể chuyện về phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hưởng ứng cuộc thi viết “Những tấm gương làm theo Bác”. Từ việc thực hiện mô hình, văn hóa ứng xử, giao tiếp giữa các thầy giáo, cô giáo và học sinh trong trường đã chuyển biến tích cực. Mô hình này được Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định nhân rộng đối với các chi bộ trong khối các trường THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện.
Ở khối xã, thị trấn nổi bật là mô hình “Học tập và làm theo phong cách nói đi đôi với làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội” tại Chi bộ 5, Đảng bộ xã Ngọc Sơn. Từ thực hiện “nói đi đôi với làm”, Chi bộ 5 đã chỉ đạo thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị. Mô hình này cùng với mô hình Chi bộ cơ quan xã Thanh Sơn (Đảng bộ xã Thanh Sơn) được Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Bảng chỉ đạo nhân rộng ra tất cả các xã, thị trấn. Đối với một số mô hình mang tính đặc thù, như mô hình Đảng bộ công an huyện thực hiện “Học tập và làm theo phong cách làm việc khoa học, khách quan, trung thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bảo đảm sự bền vững
Để bảo đảm sự bền vững của các mô hình, Tỉnh ủy thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả của từng mô hình, nêu lên những hạn chế và đưa ra những đề xuất để duy trì và phát triển mô hình. Ở cấp tỉnh, trong số hàng trăm mô hình điểm được lựa chọn từ cơ sở, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã lựa chọn ba đơn vị để xây dựng mô hình điểm của tỉnh. Đối với mô hình “Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị” của Chi bộ 2, Đảng bộ phường Quang Trung, Thành ủy Phủ Lý chỉ đạo đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp đường, vỉa hè hai tuyến phố Mạc Đĩnh Chi và Phan Huy Chú, tuyên truyền, vận động nhân dân tháo dỡ mái che, mái vẩy lấn chiếm, đặt thùng rác mới… Sau một năm triển khai, ý thức người dân chuyển biến rõ rệt, phố xá phong quang, sạch sẽ.
Mô hình “Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao” ở xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân đã vận động thành công tất cả các hộ dân trong vùng quy hoạch thực hiện theo phương án của xã. Đến nay có 667 hộ ký hợp đồng cho thuê 73,2 ha đất. Tình hình đơn thư, khiếu kiện về đất đai giảm hẳn.
Mô hình “Vì nhân dân phục vụ” của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Hà Nam) góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ. Nhìn chung, các đơn vị được chọn xây dựng mô hình điểm đều có sự đầu tư sâu, thường xuyên được kiểm tra, góp ý để bảo đảm tính bền vững.
Đến nay, toàn tỉnh đang triển khai 290 mô hình điểm, trong đó, cấp huyện và tương đương có 36 mô hình và cấp cơ sở có 251 mô hình. Để tránh “bệnh hình thức”, các cấp ủy đảng định hướng rõ, các mô hình phải bám sát các vấn đề bức xúc của cơ sở, giải quyết những vấn đề người dân quan tâm. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, đánh giá những mặt được và chưa được của các mô hình để rút kinh nghiệm. Việc thực hiện các mô hình cần gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn như đối với mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp ở xã Nhân Bình, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiến nghị các doanh nghiệp nhận đất triển khai dự án ngay để bảo đảm hiệu quả.
Có thể nói, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, nhất là việc xây dựng mô hình điểm “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở tỉnh Hà Nam đã trở thành phong trào sâu, rộng và đang tạo dựng hiệu quả thiết thực, tích cực góp phần nâng cao hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.