Hải Hậu chăm lo giải quyết vấn đề đặt ra trong dân cư

BẮC VĂN

Thứ Năm, 17/04/2008 02:12

Song để Cuộc vận động ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội thì Hải Hậu vẫn còn nhiều việc phải làm.

Ði trên những con đường bê-tông nối liền các thôn, xóm của xã Hải Minh, một cảm giác thật dễ chịu bởi những vườn cây trái đang lên xanh. Nào ai biết cách đây chưa lâu, gần bốn trăm lò gạch, ngói nằm ngay trong các thôn, xóm ấy vẫn ngày đêm nhả khói bụi. Mỗi lò trị giá khoảng 200 triệu đồng, lại tạo việc làm cho vài chục lao động, nên để phá bỏ được nó không dễ. Ba năm ròng, quyết tâm lắm mới làm được như thế và đó cũng là một phần kết quả việc gắn Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với giải quyết các vấn đề bức xúc ở Hải Minh.

Về xóm 1, chúng tôi nghe Bí thư Chi bộ, Nguyễn Ngọc Nguyên nói nhiều về kết quả của Cuộc vận động, nhất là những chuyển biến trong sinh hoạt đảng đã góp phần giải quyết không ít việc đặt ra hằng ngày trong khu dân cư. Ông Vũ Nguyên Phong, Bí thư Chi bộ xóm 7A cũng khẳng định. Chi bộ đã tổ chức họp dân hai lần, phát phiếu lấy ý kiến để người dân nêu những công việc chính quyền cần giải quyết.

Nhớ lại những ngày đầu triển khai Cuộc vận động lớn của Ðảng, ông Trần Hùng, Bí thư Ðảng ủy xã kể: Khi học tập các chuyên đề của Cuộc vận động, các chi bộ,  đoàn thể ở tất cả 26 xóm đã liên hệ, nêu một số vấn đề bức xúc mà lâu nay chưa giải quyết được. Có không biết bao nhiêu ý kiến đặt ra về bốn trăm lò gạch, nếu cứ hoạt động thì ai chịu trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm môi trường ? Phá bỏ đi, thì gần một nghìn lao động sẽ tìm việc làm ở đâu? v.v và v.v. Ðây là dịp Ðảng ủy, mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân suy nghĩ kỹ hơn về trách nhiệm của mình, nhất là những gia đình có số lò gạch nói trên. Dần dần tạo được sự đồng thuận giữa các gia đình có lò gạch với chính quyền xã. Ðảng ủy vừa chỉ đạo kiên quyết phá bỏ các lò gạch, mặt khác đẩy nhanh quá trình triển khai bốn điểm công nghiệp trong xã để tạo việc làm cho số lao động dôi dư ấy.

Từ việc làm cụ thể ấy, Hải Minh có thêm kinh nghiệm khi giải quyết những vấn đề bức xúc, hoặc công việc trọng tâm của xã, đó là vừa kiên trì vận động, tìm cách tháo gỡ theo hướng tạo cơ hội thuận lợi cho người lao động chân chính, nhưng cũng kiên quyết với người cố tình không chấp hành.

Là vùng đất văn hóa và để giữ vững nét đẹp truyền thống ấy, mỗi khi có vụ việc gì, các cấp ủy đảng huyện Hải Hậu đều cố gắng sớm tìm cách giải quyết. Khi triển khai thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cách nghĩ, cách làm ấy càng được chú ý hơn. Bệnh viện đa khoa huyện là nơi mà không cuộc họp HÐND nào không có ý kiến phản ảnh về thái độ phục vụ yếu kém của đội ngũ y, bác sĩ.

 Sau khi học tập những lời dạy của Bác Hồ về y đức, cấp ủy, lãnh đạo bệnh viện tập trung kiểm điểm làm rõ một số yếu kém cần khắc phục; điều chuyển một số cán bộ cho phù hợp công việc và tình hình cụ thể. Mỗi tháng, bệnh viện tổ chức hội nghị tiếp xúc đại diện của buồng bệnh nhân một lần để nghe ý kiến phản ánh về thái độ phục vụ người bệnh. Những cán bộ vi phạm bị nhắc nhở hoặc xử lý tùy theo mức độ. Kết quả là từ đầu năm 2007 đến nay, bệnh viện không để xảy ra sự cố kỹ thuật nào đáng kể, tình trạng kêu ca, phàn nàn của bệnh nhân cũng không còn.

Với xã Hải Phương, khi lấy mười ha làm khu công nghiệp, việc giải phóng mặt bằng đã gặp nhiều khó khăn; ở xã Hải Toàn, thì một số người lại bảo thủ không đồng tình chuyển một phần đất cấy lúa sang trồng nấm... Nhưng các cấp ủy địa phương đã khéo léo giải quyết những vấn đề nêu trên. Các hộ gia đình nêu tâm tư nguyện vọng của mình; cán bộ cơ sở trực tiếp giải thích để người dân hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, cùng chung sức vượt qua cái khó khăn trước mắt để vươn tới những lợi ích sau này. Thế là những vướng mắc được tháo gỡ, các hộ gia đình ở Hải Phương trong đó có hai đảng viên tự nguyện giao đất cho xã để làm khu công nghiệp; nhiều gia đình ở Hải Toàn vui vẻ với việc trồng nấm.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, chuyển biến về nhận thức đã khá rõ, nhưng thể hiện trong việc làm theo thì chưa nhiều. Chúng tôi đồng tình với nhận xét như thế của đồng chí Vũ Ngọc Trường, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy.

Trò chuyện với một số vị cấp ủy ở cơ sở, thấy một điều là, việc học tập các chuyên đề, việc tổ chức hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ đều làm khá tốt. Có nơi tạo được dấu ấn, làm cho Cuộc vận động lan tỏa trong cuộc sống của cộng đồng dân cư. Nhưng một số nơi lúng túng khi tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân; khi xây dựng tiêu chuẩn đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Cá biệt có nơi chỉ tập trung học các chuyên đề Cuộc vận động, còn không mấy mặn mà với các bước tiếp theo. Từ kinh nghiệm của Ðảng ủy xã Hải Minh, thiết nghĩ cần tăng cường công tác kiểm tra. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc khắc phục mặt còn yếu kém của năm trước và vấn đề mới nảy sinh nếu có.

Kết quả của Hải Hậu mới là bước đầu, cần chuyển mạnh từ nhận thức sang hành động để làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, tạo chuyển biến thật sự trong đời sống xã hội. Ðó là điều mà chúng tôi nghe nhiều đồng chí trong các cấp ủy đảng ở Hải Hậu nói về bước tiếp theo của Cuộc vận động mà Huyện ủy cần tập trung chỉ đạo.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.