Hạnh phúc bình dị của chị Ðạo

Bài và ảnh: Ngọc Hiếu

Thứ Tư, 14/07/2010 19:46
Trong Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (Cuộc vận động) của tỉnh, chị Ðạo là một trong nhiều cá nhân điển hình được tuyên dương.
Chị Ðạo.
Chị Ðạo.

Gặp chị trong lúc chị vừa vận chuyển xong một xe rác thải cao ngất vào bãi, chúng tôi mới thấm thía nỗi nhọc nhằn, vất vả, độc hại của cái nghề này. Vừa tiếp chuyện, vừa đưa đôi bàn tay lau vội những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên khuôn mặt sạm đen, chị Ðạo nói: "Hôm nay trời vẫn còn mát, gặp hôm trời nóng 39 hoặc 40 độ thì nhọc nhằn lắm anh ạ!"

Tổ chị Ðạo có 11 người, phụ trách vệ sinh môi trường trên tuyến đường dài 4 km, đoạn từ xã Tiền Châu đến cầu Xây. Dù ngày nắng hay mưa, trung bình mỗi ngày các chị phải thu gom 17,7 m3 rác (khoảng 9 tấn rác). Ðể hoàn thành khối lượng công việc nặng nhọc này, chị Ðạo thường động viên mọi người trong tổ thực hiện đúng nội quy lao động. Ðôi khi, vào những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, Tết, lượng rác thải ra gấp hai, ba lần ngày thường nên các chị thường xuyên phải về muộn. Ðược lãnh đạo công ty giao cho quản lý 11 xe chở rác, trị giá của mỗi xe là 2,5 triệu đồng và thời gian khấu hao sử dụng là ba năm.

Với suy nghĩ "của bền tại người", chị thường xuyên cùng các tổ viên bảo dưỡng xe định kỳ, vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng. Ðiều đó đã góp phần nâng thời gian sử dụng xe từ ba năm lên bốn năm. Các dụng cụ lao động như ủng, cuốc, xẻng... cũng được chị và mọi người sử dụng, bảo quản cẩn thận. Cách làm của chị góp phần tiết kiệm chi phí cho đơn vị. Không chỉ làm tốt công việc chuyên môn, chị còn khéo léo làm công tác vận động quần chúng. Trước đây, đoạn đường từ bến xe Phúc Yên đến trụ sở công an thị xã và đoạn đường tàu cắt ngang người ta thường vứt rác bừa bãi, gây mất vệ sinh... Nếu không tìm cách vận động, thuyết phục các hộ dân thay đổi thói xấu này, công sức của các chị bỏ ra chẳng khác nào dã tràng "xe cát". Nghĩ vậy, chị cùng với các tổ viên trong tổ kiên trì thuyết phục các hộ tự giác không vứt rác ra đường. Sau một thời gian tích cực vận động thì ý thức đổ rác đúng nơi quy định của nhiều gia đình đã có chuyển biến. Một số hộ chưa đổ rác đúng nơi quy định, chị đến tận nhà giải thích, thuyết phục. Dần dần, các gia đình cũng hiểu được nỗi vất vả của các chị nên đã tự giác nhắc nhau để rác đúng nơi quy định...

Ði sâu tìm hiểu, chúng tôi mới phần nào thấy được nỗi nhọc nhằn, vất vả của những người làm nghề như chị. Bất chợt, tôi hỏi chị về những ngày làm việc cuối năm. Chị kể rằng, vào những ngày giáp Tết, nhìn mọi người đi mua sắm tấp nập hoặc nghe đài thông báo giờ bắn pháo hoa, trong lòng chị có cảm giác giục giã, đôi chân muốn rảo bước nhanh để về với tổ ấm của mình. Nhưng cứ nghĩ đến nhiều gia đình còn đang chờ xe thu gom rác của mình, chị lại tự động viên mình cố gắng thu gom hết rác thải để phố, phường sạch sẽ đón xuân mới. 

Gìơ đây, mỗi khi nhắc tới chị Ðạo, bà con đều nói về chị một cách trân trọng. Niềm hạnh phúc nhỏ bé của chị là sau những giờ làm việc vất vả được quây quần bên mâm cơm gia đình, với người chồng biết cảm thông, chia sẻ công việc với vợ và những đứa con chăm ngoan, học giỏi...

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.