GS, TS Nguyễn Thanh Liêm và hai cháu song sinh Hà, Ninh sau 16 năm được Giáo sư phẫu thuật tách ổ bụng thành công. |
Mới đây, đang trong phòng làm việc để chuẩn bị hội chẩn mấy ca mổ khó, GS Nguyễn Thanh Liêm ngỡ ngàng khi thấy hai cô bé tuổi vị thành niên rụt rè bước vào: "Chào bác ạ, chúng cháu là hai chị em Hà và Ninh, đã được bác mổ tách ra ạ". GS phấn chấn nhìn hai cô bé và nhớ lại, cách đây 16 năm, cặp song sinh của một phụ nữ (quê Quảng Ninh) bị dính nhau ổ bụng, không bình thường ở mạch máu rốn đã được mình và kíp phẫu thuật tách ra thành công,...
Ðó chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo đã được GS Nguyễn Thanh Liêm đem lại niềm vui, hạnh phúc bằng sự tìm tòi và thực hiện các công nghệ phẫu thuật tiên tiến. Ðam mê, say nghề, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm vì tính mạng người bệnh, GS đã ghi những dấu mốc mới cho lĩnh vực ngoại khoa nhi trong nước và thế giới, nhất là kỹ thuật mổ nội soi các bệnh lý phức tạp ở trẻ em.
Cách đây hơn 18 năm, sau khi sang Pháp dự lớp đào tạo phẫu thuật nội soi, về nước trong điều kiện khó khăn nhiều mặt, trang thiết bị phải đi thuê, mượn, nhưng bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm đã mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật cao này vào các ca bệnh khó. Phình đại tràng bẩm sinh là bệnh ruột giãn to, khiến trẻ không đại tiện được. Xử lý căn bệnh này, trước đây thường phải mổ mở ba lần trong một năm. Mỗi lần mổ là gây đau đớn cho bệnh nhân, nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Từng bước cải tiến, GS Nguyễn Thanh Liêm rút xuống một lần mổ.
"Sau mỗi ca mổ, tôi đều suy nghĩ xem có cách nào tốt hơn không, để giúp các cháu hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian điều trị và đỡ tốn kém cho gia đình" - GS Liêm tâm sự.
Sau một số ca thành công vào những năm 1997, 1998, đến nay, dưới sự chủ trì của GS Nguyễn Thanh Liêm, Bệnh viện Nhi T.Ư đã thực hiện hơn một trăm ca, không có biến chứng hay tử vong. Áp dụng phương pháp mổ nội soi bệnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ nhỏ, đã tránh cho bệnh nhi hiện tượng liệt ruột cơ năng, nôn ra dịch mật (sau mổ mở), hạn chế được tình trạng có thể toạc vết mổ, phải xử lý lại rất phức tạp.
Ðiều trị căn bệnh thoát vị cơ hoành ở trẻ em, theo truyền thống, thường mổ ngang đường bụng, tiến hành cắt cơ, nhưng tỷ lệ tử vong khá cao.
Cách đây hơn mười năm, sau khi phẫu thuật nội soi thành công ở trẻ lớn tuổi, GS Nguyễn Thanh Liêm áp dụng phương pháp này cho các trường hợp trẻ mới năm, ba tháng tuổi, thậm chí có cháu mới sinh được vài ba ngày. Theo GS, việc mổ sớm sẽ đem lại cơ hội sống cho các bé nhiều hơn. Có một điều thú vị là năm 2003, tại Hội nghị phẫu thuật nhi châu Á, khi một bác sĩ người Mỹ còn e ngại sử dụng phương pháp này, thì ở nước ta đã thực hiện thành công hàng chục trường hợp.
Ðến nay, ở Việt Nam điều trị bệnh thoát vị cơ hoành bằng nội soi đã tiến hành hơn 300 ca, trong đó khoảng 70% ở tuổi sơ sinh. Ðáng chú ý là, trong khi thế giới chưa làm được thì ở Việt Nam, GS Nguyễn Thanh Liêm đã thực hiện phẫu thuật nội soi bệnh thoát vị cơ hoành đối với trường hợp trẻ phải thở máy cao tần (hơn 200 lần/phút), nghĩa là lồng ngực bệnh nhi luôn rung động mạnh. Ðiều này đã được quốc tế đánh giá cao.
U nang ống mật chủ là bệnh ít gặp trên thế giới, nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam lại khá cao. Thông thường, phải cắt nang và nối ống gan chung với ruột non theo kiểu Roux, nhưng tại Bệnh viện nhi T.Ư, mà tiên phong là GS Nguyễn Thanh Liêm, đã làm hơn 400 ca bằng kỹ thuật mổ nội soi.
Theo ông, sự phức tạp của căn bệnh này là trong quá trình phẫu thuật, người thầy thuốc không được gây rách mạch máu để nuôi gan. Vì lẽ trong tình huống xảy ra, nếu không cầm được máu sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Rất may, từ năm 2006 trở lại đây, trong số hơn 400 trường hợp mà GS Liêm và các cộng sự thực hiện, chưa ca nào dẫn đến tử vong...
Mười lăm năm qua, dưới sự chỉ đạo và cùng "xắn tay" làm, từ chỗ mổ nội soi chỉ áp dụng cho cắt ruột thừa, cắt mật và một số bệnh lý hệ tiêu hóa, đến nay Bệnh viện nhi T.Ư đã xử lý được hàng chục loại bệnh với một đội ngũ phẫu thuật viên nội soi thạo việc.
Những thành công trong phẫu thuật nội soi cho bệnh nhi ở Việt Nam, mà GS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư là người khởi xướng, đã gây tiếng vang trên thế giới. Cũng vì lẽ đó, từ năm 2000 đến nay, GS Liêm đã có 40 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín. Ba năm trở lại đây, không ít bác sĩ từ các nước Australia, Mỹ, Thái Lan, New Zealand, Italia... đã tìm đến Việt Nam để học tập phương pháp phẫu thuật nội soi các căn bệnh phức tạp ở trẻ em của GS Nguyễn Thanh Liêm.
Lâu nay, dẫu bộn bề công việc quản lý ở một bệnh viện tuyến cuối luôn ở trạng thái quá tải đến 200%, lại là Chủ tịch Hội phẫu thuật nhi Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật nhi châu Á, GS Nguyễn Thanh Liêm vẫn dành thời gian chỉ đạo các bác sĩ Bệnh viện nhi T.Ư chuyển giao kỹ thuật mới xuống tuyến dưới (trong đó có phẫu thuật nội soi u nang ống mật chủ) cho các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng...
Là người quen biết ông cách đây hơn mười năm, tôi hiểu Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thanh Liêm luôn trăn trở làm sao cải tiến kỹ thuật mổ nội soi từ ba lỗ xuống một lỗ cho tiện lợi. Ðồng thời tiến tới sử dụng robot vào phẫu thuật nội soi các bệnh phức tạp cho trẻ em khi có điều kiện.
"Hạnh phúc với tôi, ngoài gia đình êm ấm thì cố gắng tìm tòi và sáng tạo, không ngoài mục đích cứu được những bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo, nhất là đối với các gia đình còn khó khăn trên mọi miền đất nước" - GS Liêm tâm nguyện.