Hạnh phúc là được dân tin

TRỌNG DUY

Thứ Hai, 05/01/2015 18:45
Đến các xã, thị trấn, nhất là một số xã vùng sâu của huyện Giá Rai (Bạc Liêu), tôi được nghe nhiều cán bộ, người dân kể về Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Giá Rai Mai Chí Tính. Anh là người tâm huyết, trách nhiệm với công việc, với nhân dân, góp phần đưa huyện vượt khó đi lên.
Chủ tịch UBND huyện Giá Rai Mai Chí Tính (người ngoài cùng bên phải) kiểm tra việc làm đường ống thoát nước tại thị trấn Hộ Phòng.
Chủ tịch UBND huyện Giá Rai Mai Chí Tính (người ngoài cùng bên phải) kiểm tra việc làm đường ống thoát nước tại thị trấn Hộ Phòng.

Anh Mai Chí Tính (người dân địa phương thường gọi là anh Tư Tính), sinh ra và lớn lên tại xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai (Bạc Liêu), mảnh đất có truyền thống cách mạng kiên cường.

Tôi biết anh đã tròn 30 năm, khi ấy anh là Chủ tịch UBND xã Phong Phú (nay là xã Phong Thạnh Đông A). Anh tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó, khi cha hy sinh, mới 15 tuổi. Đau thương nhất là sau khi cha tôi hy sinh, bọn Mỹ ngụy mổ bụng, moi gan rất man rợ nhằm đe dọa cán bộ, nhân dân địa phương. Căm thù giặc vô cùng, ngay sau đó tôi xin mẹ và các chú cán bộ xã cho làm giao liên, để trả thù cho cha và bà con. Gạt nước mắt, mẹ tôi khóc thầm, đồng ý cho tôi theo các chú bộ đội...".

Phát huy truyền thống của gia đình và quê hương (cha là liệt sĩ, bà nội là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng), năm 1975 anh Tư Tính trở về xã nhà công tác. Năm 23 tuổi, anh làm Chủ tịch UBND xã, qua nhiều cương vị công tác khác, hiện là Chủ tịch UBND huyện Giá Rai. Gần 57 tuổi đời, hơn 40 năm theo cách mạng, dù ở cương vị nào, anh cũng luôn nỗ lực, hết mình vì công việc, vì nhân dân.

Giá Rai là huyện nghèo, chủ yếu làm nông nghiệp; có gần 21 nghìn ha nuôi trồng thủy sản. Là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, nhiều năm nay anh luôn trăn trở, tìm tòi, cùng Huyện ủy đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, đưa đời sống của nhân dân đi lên. Đối với sản xuất nông nghiệp, anh ưu tiên đầu tư giống cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hóa cao vào sản xuất... Nhờ vậy, thu nhập bình quân trên đầu người trong huyện tăng nhanh rõ rệt. Năm 2008 thu nhập bình quân hơn 12 triệu đồng/người, đến cuối năm 2014 đạt hơn 40 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2010 còn hơn 15%, đến cuối năm 2014 giảm còn dưới 6%...

Một trong những chuyển biến ở huyện Giá Rai từ năm 2008 đến nay là huyện đã mời gọi, thu hút được khá nhiều dự án, trong đó có sáu dự án lớn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo cuộc sống ổn định cho nhân dân. Đó là các dự án xây dựng Trung tâm dịch vụ, đô thị, thương mại thị trấn Hộ Phòng; Nhà máy sản xuất gạch không nung tại xã Tân Phong; Bệnh viện tư nhân ở thị trấn Giá Rai...

Đến nhiều nơi, chúng tôi đều được nghe những lời nhận xét tốt đẹp về anh Tư Tính. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh (Giá Rai) Đặng Tấn Hoài nhận xét: "Phong Thạnh là xã vùng sâu, nghèo khó nhất huyện. Mấy năm qua, trên cương vị là Chủ tịch UBND huyện, anh Tư Tính thường xuyên đến với lãnh đạo xã bàn bạc, đề ra nhiều biện pháp rất cụ thể, như đẩy mạnh mô hình nuôi tôm, cua, cá chình..., nhằm giúp xã vươn lên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cán bộ, nhân dân trong xã rất quý trọng phong cách chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của người đứng đầu chính quyền huyện".

Nhân dân và cán bộ thị trấn Hộ Phòng vẫn thường nhắc và biết ơn anh Tư Tính khi còn làm Bí thư Đảng ủy thị trấn này, khi mà không ít khó khăn đặt ra trong làm đường giao thông; chỉnh trang thị trấn; phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là việc di dời, xây dựng mới chợ Hộ Phòng. Khi đó, nhiều người dân, kể cả một số ít cán bộ, đảng viên chưa thật sự đồng tình, ủng hộ tư duy mới mẻ về chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội ở thị trấn này của anh Tư Tính, thậm chí có người ban đầu phản đối khá gay gắt...

Trước tình hình đó, với trách nhiệm là Bí thư Đảng ủy thị trấn, anh đã kiên trì giải thích, thuyết phục cán bộ, nhân dân ủng hộ, hưởng ứng. Đến nay, nhiều cán bộ và nhân dân ở thị trấn Hộ Phòng ngày càng thấy chủ trương, biện pháp nêu trên của anh là đúng đắn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và hiệu quả...

Có thể nói, hình ảnh anh Tư Tính, người cán bộ năng động, tâm huyết, bộc trực, nói đi đôi với làm, luôn sâu sát cơ sở đã tạo dựng được tình cảm đẹp trong cán bộ, nhân dân. Anh luôn tâm đắc, thấm thía lời dạy sâu sắc của Bác Hồ: "Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh".

Khi được giao nhiệm vụ, dù khó khăn, gian khổ đến mấy, anh Tư Tính cũng thể hiện rõ bản lĩnh, trình độ, quyết tâm của mình, đồng thời phát huy sức mạnh đoàn kết, trí tuệ của tập thể.

Không ít lĩnh vực của huyện nhiều năm chỉ xếp hạng "bình bình bậc trung" thì nay đã trở thành "Lá cờ đầu" của tỉnh, như ngành giáo dục-đào tạo của huyện bảy năm liên tục dẫn đầu tỉnh; công tác thu ngân sách, tuyển quân, an ninh trật tự nhiều năm hoàn thành xuất sắc...

Với tâm huyết, công sức và sự sáng tạo, cống hiến cho sự phát triển của quê hương, tháng 12/2014, anh Mai Chí Tính được Hội Tri thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam tặng danh hiệu "Nhà lãnh đạo giỏi Việt Nam năm 2014".

"Với tôi hạnh phúc nhất là làm được nhiều việc cụ thể, thiết thực, được nhân dân tin yêu", anh Tư Tính chia sẻ.

Tin liên quan

Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sau hơn 35 năm lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng khẳng định rõ năng lực và bản lĩnh của một Đảng cầm quyền; đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay. Bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Học Bác cách đánh giá cán bộ

Học Bác cách đánh giá cán bộ

Đánh giá cán bộ là việc xác định đúng ai tốt, ai xấu, mặt nào mạnh, mặt nào yếu; khả năng công tác của họ thế nào, để từ đó mà bố trí, sử dụng cho đúng người, đúng việc. Bác chỉ rõ: “Ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu của họ”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào hành động cách mạng mới của toàn dân. Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, có thể khẳng định mọi thành quả của cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đều gắn liền với việc tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước.