Cán bộ, chiến sĩ Đội K72 tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại nước bạn Campuchia. |
Vào những ngày đầu tháng 12/2009, đơn vị chúng tôi đón tiếp đoàn nhân chứng và thân nhân gia đình liệt sĩ Trần Quang Phát ở tỉnh Sóc Trăng. Ðó là gia đình chị Trinh, đã đi cùng đội chúng tôi tìm liệt sĩ năm lần từ năm 2003 nhưng không có kết quả. Ðây là lần đi tìm thứ sáu của gia đình chị.
Từ Việt Nam sang, gia đình chị đã cùng chúng tôi hành quân hơn 150 km đến huyện Bờ-rô-sốp, tỉnh Kratie, ngay bên dòng sông Mekong, xuống phà sang bờ bên kia là đến vị trí được xác định là nơi chôn cất liệt sĩ. Tại đây, đơn vị đã cùng gia đình đào tìm năm lần nhưng không thấy hài cốt. Ðợt này, nhân chứng người Campuchia vẫn chỉ và khẳng định vị trí đó. Chúng tôi lại tiếp tục đào tìm, kiểm tra lại và trong hai ngày đầu vẫn không có kết quả, ngày thứ ba khi mở rộng khu vực tìm kiếm sang bên trái thì tìm được hài cốt liệt sĩ.
Cả gia đình chị Trinh và cán bộ, chiến sĩ của đội tham gia hôm ấy ai cũng xúc động, không cầm được nước mắt. Song, gia đình băn khoăn là đã hơn 36 năm rồi, chỉ còn xương và răng lại không có di vật thì làm thế nào khẳng định đây là hài cốt của liệt sĩ Trần Quang Phát. Vì thế, chị Trinh làm đơn mượn một mẩu xương của hài cốt đem về nước để xác định ADN.
Tháng 1/2010, đơn vị chúng tôi đã nhận được tin vui từ gia đình chị Trinh, kết quả xét nghiệm ADN cho biết đó chính là liệt sĩ Trần Quang Phát, sinh ngày 5/7/1924, quê quán: xã Khánh Hưng, thị xã Sóc Trăng (nay là TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), hy sinh năm 1973. Ngay sau đó gia đình chị cùng với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lên nhận hài cốt liệt sĩ Trần Quang Phát đưa về Nghĩa trang tỉnh Sóc Trăng làm lễ truy điệu và an táng.
Những lần "đi tìm đồng đội", có biết bao gian nan, nhiều khi tưởng phải dừng bước. Rồi chính anh em trong đội động viên nhau, "cũng là người lính, nhưng mình may mắn hơn những người đã ngã xuống rất nhiều". Rồi những lần sinh hoạt chính trị, ôn lại lời Bác Hồ: "Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói,... Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta...". Khắc ghi lời Bác Hồ dặn, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người luôn là động lực tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho anh em trong đội.
12 năm "đi tìm đồng đội", có những kỷ niệm thật khó quên. Chúng tôi nhớ mãi tiếng gọi da diết "Hải ơi! Em ở đâu?" của chị Phạm Thị Nga, giáo viên Trường THPT huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đi tìm em trai là liệt sĩ Phạm Xuân Hải sinh năm 1952, hy sinh ngày 5/8/1970 tại khu rừng thuộc xã Sa Lông, huyện Sa Lông, tỉnh Kratie, Campuchia.
Hành trình hơn 40 năm đi tìm em của gia đình chị Nga thật cảm động. Cứ ở đâu có tin về liệt sĩ Phạm Xuân Hải là gia đình chị không quản ngày đêm, đường sá xa xôi, nhiều lần cùng Ðội K72 sang Campuchia để tìm phần mộ của Phạm Xuân Hải.
Ðầu năm 2007, sau khi tìm được anh Nguyễn Văn Bình, công tác tại Quân khu 1, đã về hưu là người cùng xã, cùng đơn vị và cũng là người chôn cất liệt sĩ Hải ở phum Ðây Thơ Mây (trước đây là phum So Re Cầm Pất) xã Sa Lông, huyện Sa Lông, tỉnh Kratie, Campuchia, gia đình chị Nga cùng anh Bình đã sang nước bạn cùng Ðội K72 chúng tôi đến khu thị trấn Sa Lông. Nhưng anh Bình không thể nhớ được đường vào khu vực quả đồi đã chôn cất liệt sĩ, vì thế mà chuyến đi của gia đình không thành.
Gia đình chị Nga tiếp tục đi tìm đồng đội của Phạm Xuân Hải và gặp được anh Ðào Thanh Tiến cùng huyện, người ở xã bên cạnh, cũng trực tiếp chôn liệt sĩ Hải. Khi đó anh Tiến là chiến sĩ trinh sát nên có một vài lần đi khảo sát địa bàn và nhớ được đường vào quả đồi nơi chôn liệt sĩ Hải.
Cuối năm 2011, chúng tôi lại cùng gia đình chị Nga và anh Tiến sang Campuchia và đến được quả đồi đó nhưng vẫn không tìm thấy hài cốt của liệt sĩ Phạm Xuân Hải. Sau đó gia đình chị Nga cùng Ðội K72 chúng tôi tiếp tục sang khu đồi đó tìm kiếm, nắm thêm thông tin nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Anh Ðào Thanh Tiến cho chúng tôi biết, đơn vị anh hành quân bộ cắt rừng từ Chi khu Bù Ðốp vượt sông Mekong sang chiến đấu tại chiến trường Kông-pông-thơm. Trên đường hành quân, anh Phạm Xuân Hải hy sinh. Anh em chôn cất xong thì vượt sông Mê Công sang tỉnh Kông-pông-thơm, cho nên rất ít người biết đường vào khu đồi ấy.
Quá trình cùng Ðội K72 đi tìm hài cốt của em, chị Nga thường thắp nhang và hằng ngày đều tha thiết gọi tên: Hải ơi! em ở đâu hãy về với chị, với gia đình, với quê hương. 40 năm rồi em ở đâu, hãy về đi em ơi, hãy về đi em, Hải ơi!... Nghe thật xúc động.
Kết thúc bài viết này, chúng tôi tha thiết đề nghị những cựu chiến binh, các đồng đội của anh Phạm Xuân Hải, ai đã từng chôn và nhớ chính xác vị trí chôn liệt sĩ Hải hãy cho chúng tôi biết thông tin chính xác để quy tập đưa liệt sĩ về nước. Mọi thông tin xin cung cấp về Ðội K72, số điện thoại: 06512.211699. Liệt sĩ Phạm Xuân Hải được đồng đội an táng tại quả đồi ở phum Ðây Thơ Mây (trước đây là phum So Re Cầm Pất) xã Sa Lông, huyện Sa Lông, tỉnh Kratie, Campuchia, cách thị trấn Sa Lông 7 km về hướng đông. Chưa tìm được nơi Phạm Xuân Hải yên nghỉ, chưa tìm được hài cốt của anh, không chỉ gia đình mà cả những người lính chúng tôi cũng không thể yên lòng.