Hết lòng vì người bệnh nghèo

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ

Thứ Hai, 24/12/2012 17:42
Dẫn chúng tôi đi thăm bếp ăn tình thương phục vụ bệnh nhân nghèo nằm ngay trong khuôn viên của bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Bếp ăn được thành lập ngày 24-8-2007, với mục đích vận động sự đóng góp của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước chia sẻ những khó khăn với các bệnh nhân nghèo, khi đến điều trị tại bệnh viện.
Sơ Phan Thị Quảng phát cơm cho người bệnh nghèo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ðác Nông.
Sơ Phan Thị Quảng phát cơm cho người bệnh nghèo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ðác Nông.

Kể từ khi thành lập đến nay, trong những ngày bình thường cũng như ngày lễ, Tết, các sơ, tình nguyện viên ở bếp ăn luôn tận tình, chu đáo nấu từng bữa ăn phục vụ các bệnh nhân nghèo, giúp họ giảm bớt khó khăn và có thêm niềm tin, nghị lực vượt qua những đau đớn của bệnh tật.

Mặc dù chỉ là căn nhà gỗ cấp bốn tạm bợ, chật chội nhưng các sơ, các nhân viên phục vụ ở đây luôn tất bật chuẩn bị các bữa ăn để phục vụ các bệnh nhân nghèo.

Sơ Phan Thị Quảng, tu viện giáo xứ thị xã Gia Nghĩa, người đã gắn bó với bếp ăn tình thương từ ngày đầu mới thành lập tâm sự: "Nhiều năm qua, dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, kinh phí hoạt động còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn đóng góp của các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, nhưng bếp ăn đã phục vụ hàng chục nghìn bữa ăn cho các bệnh nhân nghèo đến điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Trong đó, có nhiều người nghèo, người dân tộc thiểu số mắc các bệnh hiểm nghèo phải nằm điều trị dài ngày, hoàn cảnh của họ hết sức khó khăn, không chỉ tiền chữa bệnh mà tiền ăn cũng không có". Vì vậy, để giúp họ vượt qua khó khăn này, an tâm chữa bệnh, sơ Quảng và một số chị em đã tình nguyện vào làm việc ở bếp ăn để phục vụ, giúp đỡ các bệnh nhân nghèo.

Công việc ở đây tuy vất vả, nhưng khi thấy các bệnh nhân nghèo được ăn no an tâm chữa bệnh, bệnh tật cũng dần thuyên giảm càng động viên sơ và các chị em phục vụ ở đây cố gắng nấu những bữa cơm ngon hơn nữa, đầy đủ chất hơn nữa. Vừa nói dứt lời, sơ Quảng nhanh nhẹn vào bếp chuẩn bị các suất ăn chiều cho các bệnh nhân nghèo, chúng tôi theo sau quan sát trong mỗi suất ăn có đầy đủ cá, thịt, rau, củ, quả...

Ở bếp ăn tình thương, chúng tôi cảm nhận được những ánh mắt, nụ cười ngập tràn niềm vui, hạnh phúc của những bệnh nhân nghèo hay thân nhân của họ khi được nhận những bữa ăn nghĩa tình.

Bệnh nhân Ðiểu Nhai, dân tộc M’Nông, ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Ðức, bộc bạch: "Năm nay tôi đã ngoài 50 tuổi, nhưng do đông con nên hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Ðể nuôi sống cả gia đình, tôi phải lao động nặng nhọc nên bị bệnh thoái hóa cột sống phải nhập viện điều trị đã hơn một tháng nay. Từ khi nhập viện, gia đình không có tiền nên mọi chi phí ăn uống phải nhờ vào bếp ăn tình thương này. Tôi cảm ơn các sơ, các chị của bếp ăn đã phục vụ tận tình, chu đáo và cảm ơn lãnh đạo bệnh viện, các đơn vị, doanh nghiệp, đã hỗ trợ kinh phí cho bếp ăn hoạt động để những bệnh nhân nghèo như tôi an tâm chữa bệnh".

Còn anh Giàng A Páo, dân tộc Mông ở xã Quảng Hòa, huyện Ðác Glong nằm điều trị tại bệnh viện được nửa tháng nay, mỗi ngày hai lần anh đều đến bếp ăn để nhận cơm về phòng ăn.

Cầm suất cơm nóng hổi, thơm lừng trên tay, anh Páo nghẹn ngào nói: "Gia đình tôi di cư tự do vào Ðác Nông làm ăn, sinh sống được hai năm nay, do chưa quen với thời tiết, khí hậu ở đây nên thường xuyên bị đau ốm phải ra điều trị tại bệnh viện. Cũng may nhờ có bếp ăn tình thương, tôi mới có điều kiện ở lại bệnh viện điều trị bệnh, nếu không, gia đình tôi không biết phải xoay xở thế nào...".

Nhìn những bệnh nhân xếp hàng nhận những suất cơm nghĩa tình từ tay sơ Phan Thị Quảng, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: Ðể giúp những bệnh nhân nghèo vượt qua khó khăn, trong năm 2007, với sự quyết tâm và đồng thuận cao, Bệnh viện đa khoa tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Ủy ban Ðoàn kết công giáo tỉnh vận động thành lập bếp ăn tình thương phục vụ bệnh nhân nghèo. Từ đó đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ được hơn 1,6 tỷ đồng, cộng với nguồn tài trợ của dự án SIDA (Thụy Ðiển) cho bếp ăn với số tiền hơn 630 triệu đồng nên đã phục vụ được hơn 157 nghìn suất ăn miễn phí cho các bệnh nhân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, bệnh nhân là người già neo đơn, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, bệnh nhân người dân tộc thiểu số... trên địa bàn tỉnh đến điều trị dài ngày tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Ủng hộ thư kêu gọi của Ban vận động thành lập bếp ăn tình thương phục vụ bệnh nhân nghèo và chủ trương của Tỉnh ủy Ðác Nông về việc tiếp tục thực hiện Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" để đóng góp ủng hộ giúp đỡ duy trì hoạt động của bếp ăn tình thương, bắt đầu từ năm 2012, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðác Nông cam kết mỗi năm sẽ hỗ trợ cho bếp ăn tình thương với số tiền 100 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng đã đăng ký hỗ trợ tiền, gạo...

Dù hằng ngày phải chống chọi với bệnh tật đau đớn, nhưng trên khuôn mặt của những bệnh nhân nghèo đã phần nào vơi đi những lo toan về cuộc sống khó khăn, vất vả, bởi chung quanh họ luôn có những tấm lòng nhân ái sẵn sàng chung tay giúp đỡ.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.