"Hiệp sĩ" công nghệ thông tin của đồng bào Khmer

NGỌC BẢO THƯ

Thứ Sáu, 07/03/2014 20:01
Khi ánh điện còn xa lạ với nhiều xã ở huyện biên giới nghèo nhất tỉnh An Giang thì có một vị hòa thượng trụ trì ngôi chùa nhỏ dưới chân núi Nam Quy (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang) đã quyết tâm tìm đến với công nghệ thông tin; rồi sau đó mở những lớp xóa "mù" tin học, dạy tin học văn phòng, cài đặt, lập trình, sửa chữa máy vi tính miễn phí.
Hòa thượng Chau Hak - Hiệp sĩ công nghệ thông tin.
Hòa thượng Chau Hak - Hiệp sĩ công nghệ thông tin.

Hòa thượng trở thành "Hiệp sĩ công nghệ thông tin" đầu tiên và duy nhất ở An Giang hiện nay.

Tầm sư... học tin học

"Khoảng năm 1999, loa truyền thanh của xã tiếp sóng đài tỉnh, đài Trung ương, nghe hoài về máy vi tính, tin học thấy hay quá mà không biết làm sao để học, để hiểu nó. Vậy là chín triệu đồng thu được của mùa xoài năm ấy, mình dành mua dàn máy vi tính đầu tiên.",  ngồi dưới tán bồ đề mát rượi, Hòa thượng Chau Hak (trong ảnh), trụ trì chùa Tưk-Pho (xã Châu Lăng, Tri Tôn, An Giang) nhớ lại, rồi kể tiếp: "Xuống thị xã Long Xuyên (nay là TP Long Xuyên, An Giang) mất nửa ngày đường, hỏi mấy cửa hàng mới mua được dàn máy, về cả đêm không ngủ, cứ ngắm nó miết. Suốt cả tuần ròng cũng chỉ biết mở, tắt máy".

Rất may khi ấy, có một vị sãi cả trong huyện mách bảo, có một vị sư trụ trì ở Thoại Sơn (An Giang) được tập huấn lớp tin học ngắn hạn ở tỉnh Kiên Giang về, biết ít nhiều về vi tính. Hòa thượng Chau Hak lập tức nhờ người chở đến, tầm sư... học tin học. Một ngày sau, Hòa thượng Chau Hak về lại chùa và bắt đầu đánh vật với cái máy vi tính. Sau hơn một tháng thì quen dần và cũng từ đây, bước ngoặt cho việc chinh phục công nghệ thông tin của vị sư trụ trì ngôi chùa Tưk-Pho bắt đầu.

Hơn sáu tháng miệt mài với máy vi tính, soạn thảo văn bản khá thành thạo, nhưng Hòa thượng Chau Hak vẫn băn khoăn khi đánh phông chữ Khmer quá khó khăn.

"Do vậy, khi có một số khách hành hương từ Long Xuyên, TP Hồ Chí Minh xuống viếng chùa, mình nhờ họ hướng dẫn cài đặt, lập trình. Mất một năm ròng, mình cũng thành công khi mã hóa, cài phông cho gần hết những ký tự tiếng Khmer, Hòa thượng Chau Hak chia sẻ.

"Đến năm 2001, khi mạng in-tơ-nét về tới bưu điện huyện Tri Tôn và kết nối qua hệ thống dây điện thoại, mình liên hệ ngay với Bưu điện huyện xin nối mạng. "Quả thực bấy giờ mới hiểu vì sao người ta bảo in-tơ-nét là kho tri thức khổng lồ" - Hòa thượng tâm sự. Bao nhiêu thông tin mới nhất về sự phát triển đất nước, kỹ thuật chăn nuôi, làm ruộng, tu học...

được Hòa thượng cập nhật, thông tin cho bà con biết những dịp đến chùa hành lễ.

Mang niềm vui đến cho người Khmer

Năm 2003, khi Trường Dân tộc nội trú tỉnh An Giang trang bị máy vi tính, sư trụ trì chùa Tưk-Pho Chau Hak được vinh dự mời cài đặt phông chữ Khmer và dạy cách đánh tiếng Khmer cho cả thầy và trò. Một năm sau, Hòa thượng mua thêm máy vi tính, được các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm ba dàn máy và chính thức mở lớp "xóa mù tin học". Những vị sư đang tu trong chùa và một vài vị sư trụ trì các chùa Khmer khác trong vùng được thầy Chau Hak dạy tin học bằng tiếng Khmer. Chính các lớp xóa "mù" tin học đã mở mang kiến thức tin học, học đường, xã hội, thông tin thời sự cho đồng bào Khmer... Năm 2004, Tạp chí e-Chip đã vinh danh Hòa thượng Chau Hak với danh hiệu "Hiệp sĩ công nghệ thông tin" người dân tộc Khmer đầu tiên ở An Giang cũng như cả nước.

Vài năm trở lại đây, Hòa thượng Chau Hak đã mở nhiều lớp tin học miễn phí.

Mỗi lớp kéo dài hai đến ba tháng, học từ kỹ thuật vi tính văn phòng Word, Excel đến lập trình, cài đặt phần mềm và lớp nâng cao là sửa chữa phần cứng. Lớp học có 13 máy để các học viên thực tập và một máy chủ của giáo viên. Hiện nay, lớp tin học chùa Tưk-Pho có thêm hai phụ tá là Chau Siêng Sô Phiêph (chàng thanh niên bị khuyết tật đi xe lăn) tốt nghiệp tin học Đại học Cần Thơ, được Ấn Độ cấp bằng chuyên về lập trình và một nhà sư trẻ sắp hoàn thành lớp sửa chữa phần cứng chuyên nghiệp ở Long Xuyên về phụ dạy.

Từ năm 2011, các lớp học tin học của sư Chau Hak có cả các em học sinh trung học cơ sở là con em đồng bào dân tộc Khmer. Hiện nay, nhà chùa có một phòng dạy tin học khang trang với 13 máy nối internet và mạng nội bộ. Hòa thượng trụ trì chùa Tưk-Pho chia sẻ thêm: "Việc tiếp cận thông tin trên mạng là rất tốt, nhưng làm sao để các em tránh xa các trang web đen, hay phản động chính là điều mình trăn trở. Do đó, ngoài việc cài các phần mềm chặn các trang web xấu, mình mở thêm một lớp "Văn hóa - đạo đức" để các em hiểu hơn và tránh xa cái xấu, tiếp cận cái hay từ kho thông tin bất tận của internet mang lại".

Hòa thượng Chau Hak còn cho biết, "Thời gian tới mình sẽ tiến hành mã hóa, xây dựng kho dữ liệu kinh Khmer số trên internet và lập trang web bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa xã hội truyền thống đồng bào Khmer An Giang... Ngày đất nước còn nghèo khó, Bác Hồ đã phát động phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ để diệt giặc dốt. Giờ đây học tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ, mình mong làm sao giúp được nhiều bà con Khmer ở An Giang biết, sử dụng thành thạo tin học, học được nhiều kiến thức từ internet để xây dựng quê hương, đất nước mình giàu đẹp.

Tin liên quan

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Mấy ngày qua, nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Vĩnh Lợi đến viếng, thắp hương, báo công với Bác Hồ tại Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các giai đoạn trước.
 Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Mùa Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ có Thơ mừng năm mới gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, trong đó Người viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Đó là mùa xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội III (tháng 9/1960) của Đảng, đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc vì cuộc sống ấm no, sung sướng, hạnh phúc của nhân dân.