Hồ Chí Minh - Nhà lý luận thực hành lỗi lạc

ÐỨC LƯỢNG

Thứ Sáu, 15/05/2015 14:22
Ðã từ lâu, tôi cứ suy nghĩ: Bác Hồ là nhà lý luận chính trị đặc biệt, nổi trội về giá trị, tư tưởng so với bình thường; không phải lý luận kinh viện, mà là lý luận thực hành. Suy nghĩ ấy làm tôi muốn hiểu sâu hơn tư tưởng Hồ Chí Minh, để hành động tốt hơn khi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

"Ðường Kách mệnh" của Bác Hồ được xuất bản năm 1927. Ngay trên bìa sách, Người trích câu của V.I.Lê-nin: "Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, Đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong".

Thật ra, không phải đến khi mở lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, Trung Quốc, Bác mới đề cao lý luận. Bác sinh ra trong một gia đình có điều kiện theo đường ăn học, có tấm gương là người cha quyết chí học hành. Thuở niên thiếu, Nguyễn Sinh Cung rất thích nghe chuyện và hay hỏi những điều mới lạ. Tư tưởng yêu nước, thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời, đã định hướng Nguyễn Sinh Cung thấm thía thân phận người dân mất nước, mở rộng tầm nhìn, tầm suy nghĩ. Câu hỏi "làm thế nào để cứu nước" sớm đặt ra trong người học sinh yêu nước.

Bước chân đến trường, bị cuốn hút bởi khẩu hiệu "Tự do-Bình đẳng-Bác ái" của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, Nguyễn Tất Thành khát khao muốn "tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy". Nặng trĩu lòng yêu nước, thương dân, ôm ấp hoài bão lớn, và vượt lên trên tầm nhìn hạn chế của những nhà yêu nước đương thời, Nguyễn Tất Thành chọn một con đường khác và nói với người bạn trước ngày xuống tàu ra nước ngoài: "Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta".

Từ định hướng ấy, Nguyễn Tất Thành táo bạo chọn cách đi, "làm bất cứ việc gì để sống và để đi". Quen sống gần gũi người lao động, Nguyễn Tất Thành dấn thân qua nhiều châu lục, làm đủ thứ nghề, từ phụ bếp, làm bánh, quét tuyết đến chụp ảnh, viết báo. Chịu đựng và vượt qua muôn vàn khó khăn kiếm sống, lăn lộn trong phong trào công nhân, các tổ chức xã hội, đoàn thể, Nguyễn Tất Thành chỉ mong tìm được con đường sáng để cứu nước, cứu dân. Khi ấy, người thanh niên yêu nước chưa mường tượng ra hết các con đường cách mạng. Cứ nghiền ngẫm, xem xét và tìm tòi.

Cách mạng Tháng Mười Nga và sức lan tỏa của nó đã thổi luồng gió mới vào những khát vọng giải phóng. Lần đầu tiên, báo L'Humanite đăng "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của V.I. Lê-nin. Tên bài báo cuốn hút sự chú ý của Nguyễn Ái Quốc, vấn đề mà anh trăn trở nhiều năm chưa tìm được lời giải. Ấn tượng sâu sắc ấy, sau này, Người kể lại: "Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Ðây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!".

Bằng sự tự giác tiếp nhận lý luận cách mạng này, Nguyễn Ái Quốc đã từ một người yêu nước, trở thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa. Tầm vóc lớn lao của Nguyễn Ái Quốc là ở chỗ, trong sự vận động phức tạp của tình hình nước Pháp lúc bấy giờ, với trí tuệ minh mẫn hiếm có, Người đã phân biệt rõ cái đúng, cái sai, cái thật, cái giả, tìm thấy được chân lý để noi theo và hành động.

Từ ngưỡng mộ V.I.Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc tìm đến tận quê hương của Cách mạng Tháng Mười, trung tâm lý luận Mác-Lênin, để hiểu tận cùng bản chất cách mạng của lý luận khoa học này. Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên vào học Trường đại học Phương Ðông. Mười năm sau (năm 1934), Người vào học Trường quốc tế Lê-nin, dành cho cán bộ các đảng anh em. Năm 1936, trong khi công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc tham gia lớp nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử. Có thể nói, trong thời kỳ dựng Ðảng, những năm đầu thế kỷ 20, với tư chất riêng, Nguyễn Ái Quốc là lãnh tụ tối cao của dân tộc ta được học, được đào tạo, bồi dưỡng lý luận cách mạng nhiều nhất ở nước ngoài.

Ðiều rất lạ, một người đầy ắp tri thức khoa học, không chỉ lý luận chính trị, mà còn quy tụ biết bao tinh hoa đông tây, kim cổ như thế, sao trong sách báo, các bài viết, trong lời ăn tiếng nói, quan hệ với mọi người, Bác Hồ lại có cách biểu đạt riêng, thể hiện riêng rất đặc biệt, cả nội dung và hình thức? Phải chăng, là người luôn khẳng định và đề cao C.Mác, nhưng ngay từ năm 1924, Bác đã thấy cần "xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học Phương Ðông".

Với tư tưởng cách mạng và khoa học, Người muốn tìm kiếm cách tiếp cận khác về lý luận, để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, đưa tinh hoa văn hóa loài người vào Việt Nam. Và qua thành tựu của cách mạng, đã "góp phần ít nhiều vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin" như Người khiêm tốn nói. Một trong những biểu hiện sáng ngời đó là lý luận thực hành. Quan điểm lý luận thực hành của Bác gần như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, bao quát các bài viết và nói, trong cách xây dựng đường lối, chủ trương cách mạng Việt Nam. "Lý luận rất quan trọng. Lý luận sở dĩ quan trọng là vì nó dạy ta hành động. Nếu đưa một lý luận rất đúng ra nói, rồi xếp nó lại một xó, không đưa ra thực hành, thì lý luận ấy thành lý luận suông"."Muốn hiểu biết lý luận và phương pháp cách mạng, phải thực hành tham gia cách mạng". "Tất cả lý luận sáng tạo đều qua thực hành và từ thực hành".

Bác Hồ dạy chúng ta, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế ở nước ta. "Lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động". Không thể lấy công thức sẵn có thay cho sự hiểu biết, thay cho lập luận, phân tích, lý giải của chính mình.

Bác Hồ là nhà lý luận, làm lý luận theo một phong cách đặc biệt, là tấm gương về lý luận thực hành. Khi mở lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu, Bác rất quan tâm hiệu quả thực hành của lý luận. Học viên không chỉ được trang bị lý luận, mà cả những kỹ năng thực hành. Tuyên truyền, diễn thuyết, phải tuân thủ sáu yêu cầu: ngôn ngữ thích hợp đối tượng; thu hút người nghe; nội dung dễ hiểu; thích hợp với hoàn cảnh; chứng cứ, ví dụ rõ ràng; trung thực, không xuyên tạc. Sau này, viết bài "Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành" đăng trên Báo Nhân Dân ngày 19/7/1951, giới thiệu tác phẩm "Thực tiễn luận" của Mao Trạch Ðông, dù đã được "Trung Quốc hóa" những vấn đề lý luận Mác-Lênin, Bác vẫn "tóm tắt nội dung,... nói theo cách Việt Nam cho dễ hiểu".

Dù có đầu óc uyên bác, trí tuệ phong phú, trong đề cập nội dung, cách nói và viết, Bác Hồ không lập luận phức tạp, dài dòng, không trích dẫn, mà luôn diễn đạt ngắn gọn, hàm lượng lý luận cao, dễ hiểu, nhưng giản dị của người bình thường. Bác luôn kết hợp nhuần nhuyễn, tự nhiên giữa lý luận với thực tế đời sống và thực tiễn hành động, phát huy những giá trị tư tưởng, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu, vận dụng, phát triển những thành tựu, tinh hoa văn hóa của loài người; vững vàng mà cởi mở, không khép kín, độc tôn. Bác không chỉ chứng minh, bảo vệ, thực hành những chỉ dẫn của lý luận đã lựa chọn, mà còn luôn luôn sáng tạo, đổi mới.

Nét riêng đặc sắc của phong cách lý luận Hồ Chí Minh, không chỉ là triết học, khoa học, tư tưởng, chính trị, đường lối, chủ trương và hành động, mà còn là tình cảm, lòng nhân ái, tính nhân văn. Câu nói của Người chắc sẽ làm day dứt mỗi chúng ta: "Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được". Vậy là, lý luận thực hành cao hơn lý luận và khó hơn lý luận rất nhiều.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.