Học Bác để đoàn kết, trách nhiệm với dân

Bài và ảnh: Ngọc Liên, Cao Tân

Thứ Hai, 17/04/2017 18:50
Từ xưa đến nay, hình ảnh, tấm gương và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm nhuần trong lòng mỗi người dân ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên đều nêu cao trách nhiệm với người dân, người dân đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Chi bộ ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) tổ chức lựa chọn, biểu dương những việc làm tốt từ sổ nhật ký mỗi ngày làm việc tốt giúp dân của đảng viên.
Chi bộ ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) tổ chức lựa chọn, biểu dương những việc làm tốt từ sổ nhật ký mỗi ngày làm việc tốt giúp dân của đảng viên.

Lý giải vì sao tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ thấm sâu trong lòng người dân Phú Hội, Bí thư Chi bộ ấp Xóm Hố, xã Phú Hội Nguyễn Văn Đức bắt đầu câu chuyện về đình Phú Mỹ - một ngôi đình cổ vùng đất miệt hạ sông Đồng Nai. Tại đây còn lưu giữ nhiều câu đối, hoành phi ca ngợi những bậc tiền nhân có công khai hoang lập làng, đặc biệt ba bức hoành phi đại tự ca ngợi công ơn Bác Hồ.

Những năm 60 của thế kỷ 20, khi cuộc kháng chiến của người dân miền nam diễn ra quyết liệt, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn, người dân Đồng Nai vẫn một lòng tin tưởng ngày mai thắng lợi. Đầu tháng 9/1969, khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, ở vùng căn cứ cách mạng, lễ truy điệu Bác được tổ chức trang trọng, nhưng ở vùng bị địch chiếm giữ, người dân khó khăn trong bày tỏ lòng tiếc thương với Bác. Tại Phú Hội, các cụ già bàn nhau làm sao lập được bàn thờ Bác khi chung quanh địch vây hãm. Các cụ đã chọn và rút từ Kinh thi ba câu, trân trọng khắc lên ba bức hoành phi: “Hồ nhiên nhi thiên, Chí vọng thâm ân, Minh hoài hậu đức” và đặt trang trọng trong đình. Các chữ đầu ghép lại thành tên của Người: Hồ Chí Minh, với ý nghĩa ca ngợi công ơn trời biển của Bác.

Đến bây giờ, nhiều gia đình ở Phú Hội thờ ảnh Bác Hồ để giáo dục về tinh thần yêu nước và đạo đức sáng ngời của Bác. Hằng năm, vào các dịp sinh nhật Bác 19/5, Quốc khánh 2/9, các hoạt động sinh hoạt giao lưu, nói chuyện truyền thống, dâng hương được tổ chức tại đình Phú Mỹ, vừa tưởng nhớ Bác Hồ, vừa sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Nối tiếp truyền thống, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền nơi đây luôn đoàn kết, đồng lòng lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, từ đó nâng cao trình độ dân trí và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Từng cán bộ, đảng viên, người dân tích cực hăng say lao động, đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Chi bộ ấp Xóm Hố nhiều năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, có nhiều mô hình và cách làm hay trong học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi như chăn nuôi bò sinh sản, trồng hoa lan cảnh, nuôi gà Đông Tảo mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nói về hai phong trào điển hình của ấp là xây dựng đường giao thông nông thôn sáng-xanh-sạch, đẹp, an toàn gắn với nông thôn mới và mô hình giao thông thủy lợi, làm mương thoát nước để người dân trồng, chăn nuôi thuận lợi…, Bí thư Chi bộ ấp Nguyễn Văn Đức cho biết: Ấp Xóm Hố có hơn 2.000 nhân khẩu, trước đây đường giao thông trong ấp hẹp, nhỏ, lầy lội, đi lại khó khăn. Xác định thực hiện chủ trương xã hội hóa giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, chi bộ vận động nhân dân trong ấp đóng góp công sức, vật chất xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.

Với sự đóng góp tự nguyện của người dân và sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, ấp có các tuyến đường kiểu mẫu được bê-tông nhựa hóa, điện thắp sáng về đêm, trồng hoa sạch đẹp… giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn trước, từ đó kinh tế hộ gia đình phát triển. Hộ giàu trong ấp tăng, hộ nghèo giảm đáng kể. Có tuyến đường rộng 3m, dài gần 60m hoàn toàn huy động nguồn lực trong nhân dân. Nhiều gia đình tự nguyện ủng hộ 20 khối đá, cát như các chị Trần Thị Đến, Phan Thị Kim Nhân, Nguyễn Thị Hồng Vân…; tự nguyện hiến đất, như ông Nguyễn Văn Lo hiến gần 100m đất để nới rộng đường 3m, chị Nguyễn Thị Tím hiến 65m đường... Có những con đường nhỏ, bé, hẹp, chi bộ tuyên truyền vận động bà con làm đường rộng, bê-tông hóa để khỏi lầy lội, bà con đồng tình ủng hộ, đầu tháng phát động, cuối tháng đã hoàn thành bê-tông nhựa hóa cứng 150m đường.

Để việc học tập và làm theo Bác hiệu quả, mỗi đảng viên Chi bộ ấp Xóm Hố đều có một cuốn sổ nhật ký mỗi ngày làm việc tốt giúp dân. Việc làm và ghi chép nhật ký được thực hiện thường xuyên, nói đi đôi với làm. Sổ nhật ký đăng ký phát động mỗi đảng viên ghi vào những việc làm thiết thực giúp người dân, từ việc đưa cụ già qua đường, giúp đỡ tiền đưa người ốm đi chữa bệnh, tặng học bổng cho các em học sinh gặp khó khăn… đến vận động người dân đóng góp làm đường giao thông, lắp đèn chiếu sáng lên đến hàng chục triệu đồng. Từ việc ghi nhật ký mỗi ngày, mỗi đảng viên suy nghĩ, cân nhắc việc tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện bản thân.

Cách làm hay của Chi bộ ấp Xóm Hố trong học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh còn là kể chuyện gương tập thể, cá nhân tốt trong thôn ấp, gương hiến đất làm đường giao thông nông thôn, ủng hộ xây nhà tình thương, ủng hộ gia đình chính sách trong dịp Tết, ủng hộ người già neo đơn trong các buổi sinh hoạt để người dân thấy và tích cực làm theo. Nhiều tấm gương tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Bế, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Xóm Hố, tận tâm với công việc, nhiệt huyết, tích cực vận động hội viên, cán bộ, nhân dân đóng góp ủng hộ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, vận động hàng nghìn cuốn vở tặng học sinh nghèo vượt khó…

Qua đó, việc học tập và làm theo gương Bác lan tỏa, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong ấp. Người dân ấp Xóm Hố chăm chỉ, cần cù làm việc, cha mẹ tập trung đầu tư cho con cái học hành, người già nêu gương sáng cho người trẻ…

Bí thư Chi bộ ấp Xóm Hố Nguyễn Văn Đức xúc động chia sẻ, nhiều chương trình vận động đều được bà con đồng lòng ủng hộ, bởi các đảng viên trong chi bộ luôn tâm niệm, làm bất cứ công việc gì, phải lấy dân làm gốc, phải lắng nghe ý kiến của dân. Đảng viên gương mẫu, bà con sẽ làm theo. 29 đảng viên trong chi bộ là đầu tàu gương mẫu, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi đảng viên, mỗi cán bộ tổ dân phố, các đoàn thể của ấp… hiểu những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách, việc làm của Bác để học tập, từ đó hiệu quả ngày càng sâu rộng.

Việc học tập và làm theo tấm gương Bác phải xuyên suốt, lâu dài, lấy mô hình người này nhân rộng để người khác học tập, làm theo, từ đó lan tỏa, tạo thành nhiều việc có ích trong cộng đồng.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.