Học Bác ở sự sáng tạo và cần kiệm

Nói đến Ðại úy chuyên nghiệp Lương Quốc Sơn, cán bộ chiến sĩ ở Sư đoàn Ðác Tô (Binh đoàn Tây Nguyên) ai cũng mến phục "cây sáng kiến" ở trạm sửa chữa tổng hợp C26. Tại hội thi tuổi trẻ sáng tạo toàn quân năm 2011, Sơn mang đến hội thi ba đề tài được Hội đồng Khoa học - kỹ thuật Binh đoàn Tây Nguyên đánh giá cao. Ðến hôm nay, thành công của Sơn là cả quá trình nỗ lực phấn đấu học Bác về sự sáng tạo và cần kiệm.
Ðại úy Lương Quốc Sơn có nhiều sáng kiến áp dụng vào thực tế làm lợi cho Nhà nước và đơn vị hàng chục triệu đồng.
Ðại úy Lương Quốc Sơn có nhiều sáng kiến áp dụng vào thực tế làm lợi cho Nhà nước và đơn vị hàng chục triệu đồng.

Năm 1994, tốt nghiệp lớp sơ cấp sửa chữa vũ khí tại Trường trung học Vũ khí đạn Huế, Sơn được điều về xưởng sửa chữa tổng hợp C26, Sư đoàn Ðác Tô công tác. Tại đây, Sơn luôn tìm tòi học hỏi những người đi trước. Sau mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, Sơn tự đúc rút kinh nghiệm cho riêng mình, nên mỗi lần được giao nhiệm vụ đi bảo đảm kỹ thuật, hiệu chỉnh vũ khí trang bị phục vụ cho các đơn vị bắn đạn thật; hoặc bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) tại trạm xưởng, Sơn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đồng đội mến phục.

Ðến nay, sau gần 22 năm gắn bó với trạm sửa chữa tổng hợp C26, Sơn và anh em ở trạm xưởng đã nghiên cứu nhiều sáng kiến áp dụng vào thực tế, làm lợi cho Nhà nước và đơn vị hàng chục triệu đồng. Ðiển hình như: Thiết bị bắn gián tiếp súng Cối 60, Cối 82; Giá lắp súng đại liên, súng 12,7mm bắn phòng không trên xe A2, v.v. Riêng năm 2011, Sơn nghiên cứu ba đề tài gồm: Thiết bị bắn gián tiếp súng CT cỡ 73mm SPG-9; Thiết bị bắn gián tiếp súng 41 và giá bắn phòng không súng ÐL PKMS được Hội đồng Khoa học- kỹ thuật Binh đoàn Tây Nguyên công nhận với các ưu điểm "Sử dụng đơn giản, gọn nhẹ, tiện lợi, thao tác nhanh bảo đảm thời gian bắn thử". Ðây là thành quả sau quá trình  học tập nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm của Sơn  thời gian vừa qua.

Trò chuyện với tôi, Sơn cho biết, hằng năm đơn vị anh sử dụng một lượng lớn VKTBKT, đạn dược phục vụ cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và diễn tập bắn đạn thật. Mỗi khi sử dụng các loại hỏa lực mạnh như súng chống tăng B41, súng chống tăng 73mm SPG-9, súng ÐKZ 82-K65, nhiều cán bộ, chiến sĩ lo lắng, hồi hộp trước những phát bắn đầu tiên. Mặt khác, mỗi khi bắn phát ra tiếng nổ lớn, súng rung giật mạnh ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần của các xạ thủ.

Do thường xuyên chứng kiến những tình huống ấy, với lương tâm của một người thợ, anh nghĩ phải làm một điều gì đó để tạo được lòng tin, bản lĩnh cho cán bộ, chiến sĩ các phân đội khi thực hiện nhiệm vụ bắn đạn thật. Bởi vậy, anh có ý tưởng xây dựng những đề tài, sáng kiến nhằm phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, gia công sản xuất, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của đồng chí, đồng đội trong đơn vị, bản thân anh đã thực hiện thành công những ý tưởng của mình.

Dựa vào nguyên lý và cấu tạo của súng chống tăng B41, súng chống tăng 73mm SPG-9, Sơn đã tính toán, thiết kế, gia công thiết bị bắn gián tiếp của hai loại hỏa lực này. Quá trình thử nghiệm được thực hiện nhiều lần, với những chi tiết quá phức tạp, Sơn thực hiện bằng phương pháp thủ công nhằm đạt được tiêu chuẩn, lắp chặt, có độ chính xác cao, đồng thời bảo đảm hoạt động hiệu quả và không ảnh hưởng đến nguyên lý, cấu tạo, độ chính xác của súng, bảo đảm khoảng cách an toàn tối đa đối với các xạ thủ.

Ngay sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, các thiết bị của Sơn được Hội đồng kiểm tra giám sát chất lượng đoàn Ðác Tô đánh giá bảo đảm đúng yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật. Không những thế, các đề tài này khi đưa vào áp dụng có thời gian thao tác bắn rất ngắn (từ 2 đến 3 phút/1 phát bắn); chi phí cho sản xuất thấp (chỉ từ 50 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng); phù hợp với trình độ công nghệ hiện có, dễ gia công, vật liệu có sẵn trên thị trường.

Kể từ tháng 3-2011 đến nay, các đề tài sáng kiến của Lương Quốc Sơn được đưa vào sử dụng trong toàn Sư đoàn. Các sáng kiến này tham gia Hội thi "Sáng kiến cải tiến mô hình học cụ, đồ dùng huấn luyện, thiết bị huấn luyện" năm 2011 do Binh đoàn Tây Nguyên tổ chức và được Hội đồng Khoa học - kỹ thuật Binh đoàn công nhận là Ðề tài cấp Binh đoàn với các tính năng "Sử dụng đơn giản, gọn nhẹ, tiện lợi, thao tác nhanh bảo đảm thời gian bắn thử...".

Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Sư đoàn Ðác Tô (20-9-1972-20-9-2012), Sơn được các cấp trong Sư đoàn lựa chọn đại diện cho hàng nghìn cán bộ chiến sĩ tiêu biểu đi "Báo công với Bác" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh tỉnh Gia Lai. Từ năm 2007 đến nay, năm nào Sơn cũng được khen thưởng vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm 2011 anh được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀI  NAM(Kon Tum)

 

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.