Học Bác trong mỗi việc hằng ngày

Bài và ảnh: QUỐC HỒNG

Thứ Hai, 20/03/2017 20:11
Những việc làm hằng ngày, dù lớn hay nhỏ của cán bộ, y sĩ, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện đa khoa Bảo Thắng (Lào Cai) dành cho người bệnh, luôn xuất phát từ việc thấm nhuần lời Bác Hồ căn dặn: Lương y phải như từ mẫu.
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chúng tôi đến Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng buổi sáng, vào đúng ca mổ của bác sĩ Nguyễn Văn Đạt, Trưởng Khoa Ngoại. Sau hơn ba giờ phẫu thuật, người bệnh đã được đặt lại xương cánh tay, nẹp vít và đóng vết mổ. Trời khá lạnh, nhưng mồ hôi lấm tấm trên trán và rịn ướt lưng áo khi bác sĩ cởi tấm áo choàng trắng bước ra khỏi phòng mổ.

Anh cho biết: Sở dĩ thời gian mổ lâu vì bệnh nhân bị gãy xương ống trên của tay trái. Do cách xa bệnh viện, điều kiện kinh tế khó khăn, cho nên bệnh nhân tự ý bó bằng thuốc nam, làm cho cánh tay bị khoèo, mất khả năng lao động. Ngoài việc mổ, sắp lại xương thành công, bệnh viện còn quyên góp, hỗ trợ tiền phẫu thuật và sinh hoạt cho người bệnh nhanh bình phục.

Đây chỉ là một trong những việc làm thường xuyên từ nhiều năm nay ở bệnh viện tuyến huyện miền núi này. Trao đổi với chúng tôi về những tấm gương sáng, việc làm giàu y đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Biên Cương kể câu chuyện về cử nhân điều dưỡng Hoàng Thị Ngân, trong tình huống “nóng”, sản phụ bị tắc sữa sau khi sinh, đã không ngần ngại cho em bé bú dòng sữa của mình. Hay câu chuyện về hai bác sĩ trẻ thuộc Chi bộ Hậu cần của bệnh viện là Hứa Mạnh Cường và Vũ Mười Hùng đã sẵn sàng hiến máu để cứu sống người bệnh là đồng bào dân tộc thiểu số cấp cứu tại bệnh viện. Đó còn là nữ hộ lý Nguyễn Thị Huế, trong khi giặt áo của người bệnh ra viện, thấy chiếc ví của bệnh nhân, trong đó có một số giấy tờ tùy thân và tiền mặt, đã báo cáo Ban Giám đốc bệnh viện và chủ động liên hệ mời chủ nhân đến nhận lại…

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 12 điều y đức của ngành y tế đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao y đức và chất lượng khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong năm 2016, nhờ sự tận tụy với công việc, các bác sĩ đã xử lý thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Hà Duy Bình cho biết: Để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy bệnh viện tập trung vào ba khâu, đó là: Đăng ký cá nhân học tập và làm theo Bác; giám sát, kiểm tra, đánh giá cụ thể, thường xuyên và nêu gương nhân rộng việc làm tốt, tấm gương điển hình trong cơ quan.

Giám đốc Hà Duy Bình cho chúng tôi xem bản đăng ký của một đồng chí trưởng khoa, bao gồm 8 việc cần làm, đó là đến sớm 15 phút trước giờ làm việc, tiết kiệm sử dụng điện thoại bàn cơ quan, ngày hai lần xuống thăm khám người bệnh thuộc khoa, tiếp xúc và đối thoại với nhân dân khi có phản ánh, kiến nghị về thái độ và chuyên môn… Bản đăng ký của một nhân viên phòng hành chính ghi rõ: Tiết kiệm giấy in bằng cách sử dụng giấy hai mặt; hòa nhã, lịch sự khi tiếp xúc với nhân dân…

Theo Giám đốc Hà Duy Bình, việc đăng ký phải sát thực, cụ thể, phù hợp từng vị trí công tác, công việc đảm nhiệm, tránh chung chung; như vậy dễ cho cá nhân thực hiện, hiệu quả rõ và thuận lợi cho việc kiểm tra, đánh giá định kỳ của cơ quan. Việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện trong các buổi giao ban hằng tuần, từng tháng và từng quý, đồng thời lấy đó làm cơ sở đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm. Những tấm gương điển hình được bệnh viện biểu dương và nhân rộng. “Nêu gương, biểu dương phải chính xác, kịp thời, trung thực thì mới có tác dụng lan tỏa, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, thực chất trong đơn vị”, đồng chí Hà Duy Bình chia sẻ.

Ban Thường trực thi đua của bệnh viện viết bài giới thiệu các gương người tốt, việc tốt, phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ. Đồng thời, cũng nhắc nhở, chấn chỉnh công khai các việc làm chưa tốt, biểu hiện tiêu cực khi tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người bệnh và nhân dân.

“Người bệnh đến tiếp đón niềm nở, người bệnh ở chăm sóc tận tình, người bệnh về dặn dò chu đáo” là việc mà các bác sĩ bệnh viện thường làm và xem đó như trách nhiệm, tình cảm của mình với người bệnh. Đó cũng là những biểu hiện sinh động trong học tập và làm theo lời Bác.

Tin liên quan

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - câu nói bất hủ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên trên làn sóng phát thanh từ Thủ đô Hà Nội vào tháng 7/1966, trong thời điểm miền bắc đang gồng mình trước bom đạn chiến tranh, còn miền nam chìm trong máu lửa. Đây không chỉ là khẩu hiệu kháng chiến, mà là tuyên ngôn bất diệt về quyền sống và khát vọng làm người của một dân tộc từng trải qua hàng nghìn năm mất nước, chia cắt và hy sinh.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt trong âm nhạc. Hình ảnh Bác Hồ vẫn sống động và lan tỏa trong sáng tác của thế hệ nhạc sĩ trẻ với những cảm quan nghệ thuật hiện đại; góp phần gìn giữ, tôn vinh những giá trị đạo đức, tư tưởng và phong cách của Người.
Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh

Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong xã hội hiện đại, dấu ấn con người và các trào lưu tư tưởng dễ bị lu mờ bởi những vấn đề đương đại nóng bỏng. Vượt qua thách thức đó, Hồ Chí Minh là hiện tượng hy hữu của lịch sử khi đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống và “độ lùi” của thời gian càng tôn vinh sức sống, tầm vóc tư tưởng của Người.