Học ở Bác Hồ hai chữ "cần, kiệm"

BẢO THUẬN THÀNH

Thứ Tư, 16/01/2013 18:27
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, mỗi tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc luôn nỗ lực với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao trong công việc. Và hơn hết, từ những bông hoa đẹp ấy, niềm tin thêm tỏa sáng để mỗi người cố gắng, vun tưới cho cuộc sống thêm tươi xanh...

Năm 1987, lúc mới tuổi 16, anh Ðinh Công Ðịnh từ quê hương Kim Sơn (Ninh Bình) vào Ðác Lắc để giúp anh trai trồng, chăm sóc cà-phê và hồ tiêu ở Nông trường cà-phê Thắng Lợi. Thời gian rỗi, anh đi đào bồn, hái cà-phê thuê. Sau đó, anh được nhận vào làm công nhân Nông trường cà-phê Thắng Lợi, được nông trường cấp 400 m2 đất thổ cư cùng 4.000 m2 đất nông nghiệp và được anh trai chia cho 5.000 m2 trồng cà-phê năm thứ tư, nên cuộc sống đã dần ổn định.

Ðầu năm 1995, từ số tiền tích lũy được và vay mượn thêm của anh em, anh Ðịnh đến thôn Tân Hiệp, xã Ðliê Ya (huyện Krông Năng) mua đất để lập nghiệp. Nhờ cần cù, chịu khó, tiết kiệm và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh đã biến vùng đất hoang thành một trang trại có hiệu quả cao.

Ðến nay gia đình anh đã có một trang trại với tổng diện tích là 27 ha.

Ngoài sáu ha đất đồi dốc anh dùng để trồng cây xoan đào, một ha làm ao thả cá, một trại heo rừng 600 m2... còn lại là các mô hình xen canh do anh tự mày mò sáng tạo như: cà-phê chè trồng xen mắc-ca và chuối la-ba cấy mô; cà-phê vối trồng xen canh cây mắc-ca, bơ trồng xen chuối. Hiện nay, tuy mới một nửa diện tích trang trại cho thu hoạch, nhưng mỗi năm anh Ðịnh đã thu được ba tỷ đồng.

Ðiều đáng nói là các loại cây được trồng xen canh đều có năng suất và chất lượng cao, nhưng chi phí sản xuất lại thấp. Bởi một mặt, anh biết vận dụng quy trình sản xuất phù hợp từng loại cây trồng, mặt khác lại tự sản xuất được một số lượng đáng kể phân bón với hàng chục tấn phân vi sinh mỗi năm.

Nhận thấy hiệu quả của cây mắc-ca mang lại, anh Ðịnh đã mạnh dạn đầu tư thành lập một cơ sở cây giống để giúp bà con nông dân nhân rộng loại cây này. Hiện nay cơ sở của anh sản xuất khoảng 15.000 cây giống mắc-ca ghép mỗi năm; ươm 40.000 cây chuối la-ba cấy mô và ghép khoảng 3.000 cây bơ cao sản mỗi năm để bán cho bà con nông dân ở khu vực Tây Nguyên.

Ngoài ra, để mở rộng thị trường và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với người nông dân, anh còn lập trang web giới thiệu sản phẩm, những mô hình sản xuất có hiệu quả...

Với những nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, anh Ðinh Công Ðịnh đã vinh dự là một trong ba cá nhân được nhận Bằng khen của Tỉnh ủy trong đợt sơ kết thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

"Tấc đất, tấc vàng", ấy thế nhưng ở nhiều địa phương, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, không ít gia đình đã tự nguyện "hiến vàng" cho Nhà nước, cho cộng đồng để làm các công trình công cộng. Ðiển hình như thôn 7, xã Cư M’gar (Cư M’gar, Ðác Lắc), toàn thôn có 100 hộ dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng thì đã có đến 40 hộ trong thôn tự nguyện hiến 2.500 m2 đất để mở đường mà không đòi hỏi đền bù.

Không chỉ có thế, chi bộ thôn còn vận động nhân dân thực hành tiết kiệm để xây dựng cơ sở hạ tầng của thôn. Năm 2011, bà con đóng góp được 33 triệu đồng mua đất xây dựng phòng học mẫu giáo, gần sáu triệu đồng làm cổng chào thôn văn hóa, hơn sáu triệu đồng xây cống thoát nước và các khoản khác để nâng cấp phòng học mẫu giáo, giao thông nội đồng. Năm 2012, số tiền nhân dân tự nguyện đóng góp lên tới 35 triệu đồng, thi công con đường dài 2,5 km. Bí quyết để chi bộ ở đây làm được điều này chính là sự kiên trì. Thôn 7 trước đây vốn nghèo khó vì những hủ tục lạc hậu như mê tín dị đoan, nghiện hút phổ biến. Chi bộ đã kiên trì tích cực tuyên truyền, vận động, phân tích để người dân thay đổi nhận thức.

Làm được điều căn bản này, những hủ tục như mê tín, dị đoan, nghiện hút dần được loại bỏ, đời sống nhân dân được nâng lên và đó chính là cơ sở để bà con tin tưởng, đồng lòng, chung sức xây dựng thôn, xóm.

Nói đến phong trào hiến đất làm đường, huyện Ea Kar (Ðác Lắc) cũng là một trong những địa phương thực hiện sôi nổi. Tại xã Ea Tyh, nhân dân hiến 3.522 m2 đất, 97 m2 tường rào để làm đường; xã Ea Ô san ủi 44 km đường thôn, xóm, trong đó nhân dân đóng góp 120.000 m2 đất, 5.500 cây cà-phê, 3.600 cây điều, 345 m tường rào và 100 m2 sân bê-tông. Nhiều cá nhân đã tự nguyện đóng góp số tiền rất lớn cho chính quyền địa phương thực hiện các công trình phúc lợi như ông Bàn Tiến Thọ (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) hiến 960 m2 đất và các loại cây trồng với tổng trị giá lên đến hơn 60 triệu đồng; ông Ðặng Quang Lực (xã Ea Tyh, huyện Ea Kar) hiến 300 m2 đất và tường rào, trị giá 120 triệu đồng...

Học và làm theo nếp sống giản dị, cần, kiệm của Bác, phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được phát động tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Huyện Cư M’gar (Ðác Lắc) có thể coi là một trong những địa phương tiêu biểu trong phong trào này.

Suốt nhiều tháng qua, chương trình tiết kiệm ngày lương trong cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức do Huyện ủy phát động được nhiệt tình hưởng ứng. Toàn bộ số tiền cuối tháng được thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hoặc người đứng đầu tổ chức, đoàn thể nộp về Kho bạc huyện để thống nhất quản lý.

Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh Ðác Lắc cũng tích cực phát động phong trào thực hành tiết kiệm bằng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như xây dựng các mô hình: ống tre tiết kiệm, hũ gạo tiết kiệm, tổ nhóm tiết kiệm để giúp đỡ, hỗ trợ hội viên nghèo... Có thể kể đến như Hội Phụ nữ thị xã Buôn Hồ đã tiết kiệm được 1,4 tỷ đồng, 1.230 kg gạo giúp đỡ 750 hội viên; xây dựng sáu nhà mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, đơn thân, khuyết tật trị giá 260 triệu đồng.

Chi hội phụ nữ thôn Mê Linh 2, xã Buôn Triết, huyện Lắc, vận động và tổ chức giúp đỡ chị em trong những lúc khó khăn hoạn nạn bằng tiền, lúa, cây, con giống trị giá 15 triệu đồng; tổ chức xây dựng quỹ được 77 triệu đồng, giúp chị em vay không lấy lãi. Biết bao chị đã có cơ hội được vươn lên thoát nghèo, yên tâm an cư lạc nghiệp từ những đồng vốn hay mái nhà do các hội viên tình nguyện gom góp, gây dựng và hỗ trợ.

Là những người gánh trên vai trọng trách bảo đảm an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên của nhân dân, các lực lượng vũ trang tỉnh cũng xung kích, đi đầu trong học tập và làm theo gương Bác. Ðó là cán bộ, chiến sĩ của Công an tỉnh Ðác Lắc thực hiện tốt  Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.

Thấm nhuần lời dạy của Người, trong suốt những năm qua, các chiến sĩ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã tích cực điều tra, khám phá rất nhiều vụ án phức tạp, bắt giữ nhiều tội phạm bị truy nã, nhóm trộm cắp lưu động liên tỉnh. Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ II đã cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng về các loại đối tượng trong các vụ án hình sự, ma túy, các tin về âm mưu, hoạt động chỉ đạo, tuyên truyền, tập hợp lực lượng gây rối, phá hoại của bọn phản động phun-rô trong và ngoài nước. Những nguồn tin ấy giúp các đơn vị chức năng phát hiện, bóc gỡ nhiều đối tượng, cơ sở ngầm phun-rô trong việc tuyên truyền lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số. Các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tạo thêm niềm tin cho nhân dân trên khu vực biên giới bằng việc quan tâm xây dựng, củng cố mối quan hệ hòa bình hữu nghị đoàn kết hợp tác với nước bạn, bảo vệ vững chắc chủ quyền, làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, di dời tài sản cho bà con trong mùa mưa lũ. Bằng phong trào "trọng dân, gần dân, giúp dân", chỉ tính riêng năm 2012, các lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã giúp dân 1.167 ngày công sản xuất, phát triển kinh tế, tu sửa các công trình công cộng; xây dựng năm nhà tình nghĩa, hai nhà đồng đội; cử 145 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai...

Ðó chỉ là một số trong rất nhiều mô hình hay, hành động đẹp đang được mỗi ngành, mỗi giới, mỗi địa phương thực hiện, tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi trong toàn xã hội. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã có sức lan tỏa sâu rộng, với nhiều cách làm sáng tạo trong cải cách hành chính; nhiều bông hoa đẹp trên con đường chinh phục tri thức, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thêm những tấm gương quả cảm vì bình yên cho cuộc sống nhân dân... Còn gì đáng tin yêu hơn khi nhịp sống trôi đi mỗi ngày với những nếp sống đẹp như thế!

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.